Xây dựng ngành ngoại giao hiện đại để bảo vệ chủ quyền

(Dân trí) - Sau hơn một tuần làm việc, Hội nghị Ngoại giao lần thứ 27 bế mạc hôm qua, 19/12, với chiến lược xây dựng bộ máy, đội ngũ cán bộ ngoại giao chính quy, hiện đại, chuyên nghiệp, ngang tầm khu vực và từng bước vươn lên tiếp cận trình độ thế giới.

Xây dựng ngành ngoại giao hiện đại để bảo vệ chủ quyền - 1
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại Hội nghị.
 
Hội nghị đã tập trung thảo luận và quán triệt sâu sắc đường lối đối ngoại của Đại hội Đảng lần thứ XI, nội hàm và định hướng triển khai chủ trương chủ động, tích cực hội nhập quốc tế và ngoại giao toàn diện. Điểm nổi bật của Hội nghị Ngoại giao 27 là đổi mới phương thức thảo luận, kết hợp tổ chức phiên họp chung với Hội nghị tham tán thương mại với sự tham gia của nhiều Bộ, ngành và Hội nghị Ngoại vụ toàn quốc lần thứ 16, nhờ đó đã phát huy được tinh thần đổi mới, sáng tạo, tranh thủ được nhiều ý kiến đóng góp tâm huyết, trí tuệ của đông đảo đại biểu trong và ngoài ngành về các nội dung quan trọng của công tác đối ngoại, nâng cao chất lượng và hiệu quả của Hội nghị.

Hội nghị đã kiểm điểm việc triển khai các trụ cột ngoại giao chính trị, ngoại giao kinh tế, ngoại giao văn hóa và công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài trong thời gian qua, rút ra các bài học kinh nghiệm về thành công và hạn chế.

Với tinh thần trách nhiệm cao, các đại biểu đã phân tích và thống nhất cao về đánh giá tình hình thế giới và khu vực hiện nay, dự báo trong 5 năm tới; những cơ hội và thách thức đối với môi trường an ninh, phát triển của Việt Nam.

Hội nghị đã thông qua chương trình hành động, thể hiện sự nhất trí cao về triển khai kết quả Hội nghị Ngoại giao 27, những định hướng chiến lược, trọng tâm, ưu tiên đối ngoại trong thời gian tới và các biện pháp xây dựng bộ máy, đội ngũ cán bộ ngoại giao chính quy, hiện đại, chuyên nghiệp, ngang tầm khu vực và từng bước vươn lên tiếp cận trình độ thế giới.

Phát biểu kết luận Hội nghị, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh nhấn thời gian tới, ngành ngoại giao sẽ tập trung nỗ lực để triển khai ngoại giao toàn diện và chủ trương chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, tập trung vào các trọng tâm: tiếp tục đưa các mối quan hệ với các nước láng giềng khu vực, các nước lớn, bạn bè truyền thống đi vào chiều sâu.

Hoạt động ngoại giao góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ đất nước đi đôi với duy trì môi trường hòa bình, ổn định; tranh thủ các nguồn lực bên ngoài đóng góp cho sự nghiệp công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước theo các định hướng phát triển mới.

Thời gian tới, công tác ngoại giao cũng sẽ tăng cường sự phối hợp chặt chẽ giữa các binh chủng, các bộ, ngành, địa phương; xây dựng ngành ngoại giao chính quy, hiện đại, chuyên nghiệp để tạo môi trường thuận lợi nhất cho đất nước phát triển, bảo đảm lợi ích quốc gia, dân tộc, đóng góp tích cực vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.

P.T