TPHCM:
Xây dựng đội ngũ cán bộ “ngày càng tử tế”, “hết sức tử tế”
(Dân trí) - Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong cho biết, vấn đề trọng tâm hiện nay của TP là cải cách nhanh thủ tục hành chính và xây dựng đội ngũ công chức “ngày càng tử tế”, “hết sức tử tế với dân”.
Hơn 53% doanh nghiệp phải “lót tay” cho Hải quan TPHCM
Chiều 26/9, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình dẫn đầu đoàn công tác của Chính phủ làm việc với TPHCM về chương trình cải cách hành chính.
Thay mặt Chính phủ, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đánh giá cao và biểu dương chính quyền, nhân dân TP về những thành tích đã đạt trong cải cách hành chính, góp phần phát triển kinh tế - xã hội TP.
Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng cũng nhận định TP còn nhiều hạn chế như việc chấp hành kỷ luật, đạo đức công vụ, văn hóa công sở của một số cán bộ chưa nghiêm. Một bộ phận công chức chưa hết lòng, hết sức làm nhiệm vụ công bộc, còn nhũng nhiễu, quan liêu… dẫn đến công việc trì trệ.
Ông Trương Hòa Bình đưa ra con số để minh chứng: theo khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, có tới 53,35% doanh nghiệp cho biết đã phải trả chi phí không chính thức khi thực hiện thủ tục hải quan tại TPHCM.
Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong cho biết, trong 7 chương trình đột phá của TP thì chương trình cải cách hành chính là chương trình trọng tâm. Theo ông Phong, vấn đề trọng tâm hiện nay của TP là cải cách nhanh thủ tục hành chính và xây dựng đội ngũ công chức “ngày càng tử tế”, “hết sức tử tế với dân”.
TP đặt mục tiêu đến đầu năm 2017 sẽ thông qua đề án xây dựng thành phố thông minh. Trong đó, TP tập trung một số vấn đề chính như xây dựng chính quyền điện tử, giao thông thông minh, y tế thông minh…
Chủ tịch TP cho biết: “Các đồng chí có thể hình dung một người dân từ 3-4 giờ sáng đã đến xếp hàng ở bệnh viện rồi chờ đến 2-3 giờ trưa mới được khám bệnh trong vòng 10 phút. Thời gian đợi rất lâu. Không phải chỉ một mà hầu như các bệnh viện đều như vậy”.
“Theo thống kê thì TP có 8,5 triệu dân nhưng thực tế đã là 13 triệu người. Để phục vụ dân số lớn như vậy thì các giải pháp thông minh phải chuyển động trên tất cả các lĩnh vực. Xây dựng thành phố thông minh để phục vụ người dân tốt hơn!”, ông Phong nói.
Phát triển 500.000 doanh nghiệp
Về hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, ông Nguyễn Thành Phong cho biết TP cũng đang triển khai xây dựng phần mềm lấy chỉ số hài lòng của doanh nghiệp về các thủ tục hành chính.
“TP hướng tới mục tiêu có 500.000 doanh nghiệp vào năm 2020. Con số này hoàn toàn có cơ sở. Hiện nay theo số liệu đăng ký thì TP có 283.000 doanh nghiệp. Nỗ lực cải cách hành chính cũng như xây dựng cơ chế, thể chế tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển là vấn đề đặt ra trong cải cách hành chính của TP”, ông Phong nhấn mạnh.
Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình cho rằng, nếu TP đạt con số 500.000 doanh nghiệp vào năm 2020 sẽ là thành công lớn. Tuy nhiên, cùng với mục tiêu đó, TP phải làm sao tạo dựng những doanh nghiệp lớn có đóng góp lớn cho ngân sách TP và đất nước. Đồng thời, TP phải tạo điều kiện cho giới trẻ khởi nghiệp.
“Hiện nay có hàng trăm ngàn sinh viên thất nghiệp nhưng tại sao không có việc làm? Muốn sinh viên làm việc tốt thì phải hỗ trợ về cơ chế, chính sách, có người đỡ đầu, đặc biệt là vấn đề hướng nghiệp, khởi nghiệp. Cần tạo điều kiện cho giới trẻ khởi nghiệp tốt!”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Chuyển đơn vị sự nghiệp công sang dịch vụ để tinh giản biên chế
Về vấn đề tinh giản biên chế, ông Trương Hòa Bình cho biết TP thực hiện chậm và chưa đạt tỷ lệ 1,5% theo Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị và Nghị định của Chính phủ. Tính đến tháng 7/2016, TP chỉ mới tinh giản 129 người. UBND TP cần quán triệt và nghiêm túc thực hiện tinh giản biên chế theo quy định.
Về việc này, ông Phong cho biết TP vẫn quán triệt việc xây dựng bộ máy tinh gọn theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Biên chế không tăng nhưng bộ máy phải đáp ứng được yêu cầu thực hiện hiệu quả nhiệm vụ chính trị với một đô thị đặc biệt.
“Một ngày Thanh tra TP nhận biết bao nhiêu đơn, một năm khối lượng giải quyết hồ sơ rất lớn. Mà bộ máy thanh tra TP cũng chỉ bằng bộ máy của một tỉnh thôi; lương của Chánh Thanh tra TP cũng bằng lương của các Chánh Thanh tra khác. Cho nên có cơ chế kích thích để tạo động lực cho người làm cũng phải tính tới trong công tác tinh giản biên chế”, ông Phong đặt vấn đề.
Ông Phong cho biết, có thời điểm, cán bộ công chức cấp huyện trở lên chiếm 9,6% quỹ lương quốc gia. Trong khi đó, viên chức của các đơn vị sự nghiệp công chiếm 33%.
“Cho nên căn bản của vấn đề là chuyển các đơn vị sự nghiệp công sang dịch vụ. Cán bộ công chức của chúng ta không nhiều so với các quốc gia lân cận nhưng số lượng viên chức nhiều quá. Nhìn vào tổng quỹ lương là thấy ngay. TP đang đẩy mạnh xã hội hóa các cơ sở văn hóa, giáo dục, y tế… Và mạnh dạn từng bước chuyển động các đơn vị sự nghiệp công sang dịch vụ”, ông Phong nói.
Quốc Anh