Việt Nam là điển hình về đầu tư nước ngoài tại Lào

Trong bối cảnh khó khăn chung, dòng vốn đầu tư của doanh nghiệp Việt Nam vào Lào vẫn tiếp tục gia tăng. Việt Nam tiếp tục là một trong những nước đứng đầu về đầu tư tại Lào.

Việt Nam là điển hình về đầu tư nước ngoài tại Lào  - 1
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Lào Thongsing Thammavong đồng chủ trì Hội nghị hợp tác đầu tư Việt Nam
 
Sáng nay (10/9), tại Thủ đô Viêng Chăn, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Lào Thongsing Thammavong đã đồng chủ trì Hội nghị hợp tác đầu tư Việt Nam – Lào. Trên 300 doanh nghiệp của hai nước tham dự.

Nâng cao hiệu quả hợp tác đầu tư Việt - Lào

Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, Chính phủ Việt Nam đánh giá cao chính sách coi trọng phát triển quan hệ hữu nghị đặc biệt với Việt Nam của Lào, đã dành quan tâm đặc biệt và tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của các nhà đầu tư, doanh nghiệp Việt Nam tại Lào.

Theo Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, tại các cuộc gặp với các đồng chí lãnh đạo Đảng, Quốc hội Lào và hội đàm với Thủ tướng Thongsing Thammavong trong chuyến thăm hữu nghị chính thức CHDCND Lào lần này của đoàn Việt Nam, hai bên đều đánh giá cao kết quả hợp tác toàn diện giữa hai nước thời gian qua, trong đó nhấn mạnh tới kết quả hợp tác kinh tế, đầu tư, thương mại và du lịch, coi kết quả này là nền tảng quan trọng cho việc thúc đẩy hơn nữa hợp tác nhiều mặt giữa hai nước, khai thác có hiệu quả tiềm năng và thế mạnh của các địa phương, doanh nghiệp hai nước, phục vụ cho sự nghiệp phát triển của cả hai bên.
 
Việt Nam là điển hình về đầu tư nước ngoài tại Lào  - 2
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Chính phủ Việt Nam đánh giá cao chính sách coi trọng việc phát triển quan hệ hữu nghị đặc biệt với Việt Nam của Lào

Tuy nhiên, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng cho rằng, những kết quả đạt được trong hợp tác giữa hai nước nhất là hợp tác về kinh tế, đầu tư vẫn chưa tương xứng với quan hệ đặc biệt, tiềm năng và mong muốn của Chính phủ, doanh nghiệp và nhân dân hai nước.

 Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị trong thời gian tới, hai Chính phủ cần tiếp tục quan tâm, tạo dựng môi trường pháp lý thuận lợi nhằm giúp doanh nghiệp hai nước tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh tiến độ thực hiện các dự án đã được cấp phép; đồng thời, tăng cường định hướng cho địa phương và doanh nghiệp về các hình thức và lĩnh vực hợp tác.

Các địa phương hai nước cần tăng cường đối thoại, trao đổi thông tin trên nhiều cấp độ, áp dụng các hình thức hợp tác mới phù hợp để phát huy tối đa tiềm năng và lợi thế của địa phương.

Bên cạnh đó, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng đề nghị các doanh nghiệp, nhà đầu tư cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, nâng cao hiệu quả hợp tác, phát huy tinh thần sáng tạo, tìm ra những cách làm mới, bảo đảm tuân thủ pháp luật và chú trọng trách nhiệm xã hội; đồng thời đề nghị các nhà đầu tư, doanh nghiệp Việt Nam tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết, giữ gìn hình ảnh và uy tín của Việt Nam khi tham gia đầu tư, kinh doanh tại Lào.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ, quan hệ hữu nghị, hợp tác toàn diện Việt Nam – Lào là tài sản vô giá của Đảng, Chính phủ và nhân dân hai nước. Mỗi người trong chúng ta đều có trách nhiệm vun đắp cho mối quan hệ này; mỗi dự án, công trình không chỉ thể hiện sự hợp tác đơn thuần trên cơ sở lợi ích của doanh nghiệp mà còn cần phải đóng góp tích cực cho tình hữu nghị, đoàn kết keo sơn đặc biệt Việt Nam – Lào.

Một lần nữa Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định chính sách nhất quán của Việt Nam là đặc biệt coi trọng và sẽ cùng với các đồng chí Lào không ngừng củng cố, tăng cường và phát triển hơn nữa mối quan hệ láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện… giữa hai nước; nhấn mạnh, nhân dân Việt Nam sẽ là người anh em luôn đồng cảm, chia sẻ và hỗ trợ nhân dân các bộ tộc Lào.
Việt Nam là điển hình về đầu tư nước ngoài tại Lào  - 3
Ra mắt Hiệp hội các nhà đầu tư Việt Nam tại Lào
 

Việt Nam là điển hình về đầu tư nước ngoài tại Lào

Nhấn mạnh các dự án đầu tư của Việt Nam tại Lào đã góp phần tích cực vào việc xây dựng và phát triển kinh tế-xã hội của Lào, Thủ tướng Lào Thongsing Thammavong  cho rằng Việt Nam là điển hình về đầu tư nước ngoài tại Lào.

Thủ tướng Thongsing Thammavong cho biết, các nhà đầu tư của Việt Nam luôn tích cực trong hoạt động kinh doanh, thực hiện đúng các điều khoản hợp đồng được ký kết, tôn trọng pháp luật và tôn trọng tập quán và văn hóa Lào. Đặc biệt, các nhà đầu tư của Việt Nam không chỉ có mục đích đơn thuần về lợi nhuận mà còn có những đóng góp quan trọng trong công tác an sinh xã hội; phát huy trách nhiệm xã hội tại Lào.

Khẳng định Chính phủ Lào luôn luôn khuyến khích và tạo các điều kiện cho các nhà đầu tư Việt Nam, Thủ tướng Thongsing Thammavong kêu gọi các doanh nghiệp Việt Nam tiếp tục đầu tư với quy mô lớn hơn, số lượng nhiều hơn tại Lào.

Thủ tướng Thongsing Thammavong yêu cầu các cơ quan chức năng của Lào tạo điều kiện thuận để các dự án hợp tác Việt Nam - Lào được đẩy nhanh tiến độ và sớm đi vào hoạt động; đồng thời đề nghị hai bên tiếp tục phối hợp chặt chẽ trong hoạt động hợp tác, đầu tư, giúp cho hoạt động đầu tư, các dự án đầu tư của Việt Nam tại Lào luôn đảm bảo tốt về chất lượng, hiệu quả và là biểu tượng của tình đoàn kết hữu nghị đặc biệt Việt – Lào.
 
Việt Nam là điển hình về đầu tư nước ngoài tại Lào  - 4
Ký Biên bản ghi nhớ nghiên cứu đầu tư Dự án thủy điện Nậm Ét 1,2,3

Vốn đầu tư của các doanh nghiệp Việt Nam đạt trên 3,3 tỷ USD

Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh, trong bối cảnh khó khăn chung, dòng vốn đầu tư của doanh nghiệp Việt Nam sang Lào vẫn tiếp tục gia tăng. Việt Nam tiếp tục duy trì vị trì là một trong những nước đứng đầu về đầu tư tại Lào. Đến nay, vốn đầu tư của các doanh nghiệp Việt Nam tại Lào đạt trên 3,3 tỷ USD với 203 dự án, cao nhất trong 55 quốc gia và vùng lãnh thổ mà các doanh nghiệp Việt Nam có hoạt động đầu tư. Riêng 8 tháng đầu năm 2011, vốn đầu tư đăng ký của các doanh nghiệp Việt Nam tại Lào đạt 469 triệu USD, cao hơn cả năm 2010.

Hiện, Lào cũng có 8 dự án đầu tư vào Việt Nam với tổng số vốn trên 66 triệu USD.

Phần lớn các dự án đầu tư của Việt Nam  được triển khai thực hiện đúng tiến độ, hiệu quả; một số dự án đi vào hoạt động đã và đang từng bước mang lại lợi ích chung cho cả hai nước Việt Nam – Lào.

Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Lào Thongmy Phomvisay, đầu tư của Việt Nam tại Lào tập trung vào lĩnh vực dịch vụ với tổng vốn đầu tư 1,07 tỷ USD, nổi bật là Dự án đầu tư Vientiane Long Thành Golf và bất động sản khu vực Đông Phô Xỉ với số vốn đầu tư gần 1 tỷ USD; sau đó là lĩnh vực điện lực với tổng số vốn đầu tư trên 867 triệu USD, tiếp đó là lĩnh vực nông nghiệp với tổng số vốn đầu tư trên 791 triệu  USD.

Tất cả các dự án đầu tư của Việt Nam tại Lào đều thực hiện đúng tiến độ, đúng những cam kết mà hai bên đã ký kết; các dự án đã đi vào hoạt động khá hiệu quả, đóng góp tích cực vào việc phát triển kinh tế-xã hội của Lào, tạo công ăn việc làm, gúp nâng cao năng lực, tay nghề cho người lao động Lào…

Bộ Kế hoạch và Đầu tư Lào sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan, tiếp tục sửa đổi, bổi sung các luật để ngày càng phù hợp với chính sách khuyến khích và thu hút đầu tư nước ngoài vào Lào, trong đó quan trọng nhất là việc sửa đổi chính sách thuế, hải quan, ông Thongmy Phomvisay khẳng định.

Ông Thongmy Phomvisay đề nghị hai Chính phủ  hàng năm tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư để doanh nghiệp của hai nước có cơ hội tăng cường giao lưu, trao đổi thông tin; thúc đẩy các hoạt động hợp tác đầu tư ở mỗi nước.
 
Việt Nam là điển hình về đầu tư nước ngoài tại Lào  - 5
Bộ Kế hoạch và Đầu tư Lào trao giấy phép đầu tư Dự án thủy điện Nậm Kông cho doanh nghiệp Việt Nam

Thông qua Hội nghị, lãnh đạo các bộ, ngành chức năng của Lào đã giới thiệu các tiềm năng hợp tác, các lĩnh vực mà Lào đang khuyến khích và thu hút đầu tư, trao đổi những vấn đề mà các nhà đầu tư Việt Nam quan tâm.

Các doanh nghiệp Việt Nam hiện đang đầu tư tại Lào như Tập đoàn Sông Đà, Hoàng Anh-Gia Lai; Tập đoàn Cao su Việt Nam… kiến nghị Lào tiếp tục có cơ chế, chính sách đào tạo lao động địa phương để đáp ứng nhu cầu về lao động của các dự án hợp tác; tăng cường đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông, điện, thông tin liên lạc… ở một số vùng triển khai các dự án hợp tác Việt Nam – Lào; mong muốn Lào tiếp tục tạo lập môi trường đầu tư thông thoáng, cải cách thủ tục cấp phép đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp của Việt Nam sang hợp tác, đầu tư và làm ăn lâu dài tại Lào.

Tại hội Nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Lào Thongsing Thammavong đã chứng kiến lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư của hai nước trao giấy phép chứng nhận đầu tư cho 4 dự án là Dự án thủy điện Nậm Kông 2 và 3 của Tập đoàn Hoàng Anh-Gia Lai; Dự án Petrolimex Laos của Petrolimex; Dự án Tổ hợp khách sạn 5 sao Viêng Chăn - Complex và Dự án tăng vốn điều lệ của Ngân hàng liên doanh Lào–Việt từ 15 triệu USD trên 35 triệu USD; chứng kiến Lễ công bố Quyết định thành lập Hiệp hội các nhà đầu tư Việt Nam tại Lào; Lễ ký kết các thỏa thuận hợp tác đầu tư vào Lào của một số doanh nghiệp Việt Nam…
 
Việt Nam là điển hình về đầu tư nước ngoài tại Lào  - 6
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dự Lễ động thổ Tổ hợp khách sạn 5 sao, văn phòng, căn hộ cho thuê và trung tâm thương mại tại Thủ đô Viêng Chăn

Sáng cùng ngày, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Thongsing Thammavong đã tới dự Lễ động thổ Tổ hợp khách sạn 5 sao, văn phòng, căn hộ cho thuê và trung tâm thương mại tại Thủ đô Viêng Chăn (Vientiane - Complex) do Công ty TNHH Đầu tư phát triển sản xuất Hạ Long (BIM Group) làm chủ đầu tư. Dự án có tổng vốn đầu tư 70 triệu USD, được xây dựng trên diện tích 20.000 m2, gồm 3 khối công trình chính trong đó khối khách sạn 5 sao gồm 204 phòng, khối căn hộ cho thuê gồm 174 căn; khối văn phòng cho thuê gồm 11.457 m2…

Theo Nguyễn Hoàng – Nhật Bắc
Chinhphu.vn