Việt kiều mong Hiến pháp tạo ra cơ chế thông thoáng hơn
(Dân trí) – “Bổ sung quy định người Việt ở nước ngoài về nước, đầu tư vào Việt Nam có đầy đủ quyền như công dân trong nước”; “Hiến pháp cần bảo hộ hoạt động của các nhà khoa học về nước”… Đó là một số góp ý của Việt kiều với việc sửa đổi Hiến pháp.
Hội nghị ý kiến đại diện người Việt Nam định cư ở nước ngoài về dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 do UB TƯ MTTQ tổ chức hôm nay (17/1) ghi nhận nhiều ý kiến sắc sảo, tâm huyết của những người con xa xứ.
Ghi nhận quy định Nhà nước Việt Nam bảo hộ người Việt Nam ở nước ngoài thể hiện trong dự thảo Hiến pháp, bà Thiện cũng đánh giá cao vì lần sửa đổi này đã đưa quyền con người vào; bảo vệ bí mật riêng tư của cá nhân; vấn đề bảo vệ môi trường, bảo hộ tác quyền… vào đạo luật cao nhất của nhà nước. Theo Việt kiều này, đây đều là những điểm mới, rất ủng hộ, bảo đảm hội nhập thế giới.
Ngoài ra, một bước tiến khác nhận nhiều kỳ vọng là nội dung về kinh tế với khẳng định rõ ràng định hướng kinh tế thị trường XHCN, các thành phần kinh tế có vai trò bình đẳng, quan trọng như nhau, không còn xác định kinh tế Nhà nước giữ vị trí chủ đạo. Bà Thiện nhận xét, đây một bước tiến lớn, quan trọng.
Nêu kiến nghị của cá nhân, bà Thiện đề xuất cần cụ thể hóa hơn vai trò của MTTQ trong hệ thống chính trị. “Cần cụ thể hóa vai trò của MTTQ, như vấn đề giám sát, phản biện xã hội; bảo vệ quyền con người bởi mặt trận là nơi tập trung nhất ý kiến, nguyện vọng của người dân.” – bà Thiện đồng thời chỉ điểm hạn chế khi dự thảo Hiến pháp vẫn chưa cụ thể hóa quyền công dân của người Việt Nam ở nước ngoài, nhất là về quyền bầu cử, ứng cử.
Thực tế hiện có cả triệu công dân Việt Nam đồng thời có quốc tịch nước ngoài, nhiều trường hợp công dân đó phạm tội ở nước sở tại, bỏ về Việt Nam, nước bạn có yêu cầu giao nộp. Trong trường hợp đó, áp dụng quy định bảo hộ để công dân không thể bị trục xuất, giao nộp sẽ dẫn đến mâu thuẫn, thực hiện thì vi hiến, không thực hiện thì… vô lý. Ông Dĩnh cũng thông tin, thời gian qua đã từng có chuyện nước sở tại yêu cầu Việt Nam trục xuất, giao nộp việt Kiều phạm tội trốn về nước.
Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân VN ở nước ngoài cũng đề xuất chỉnh sửa Điều 14, quy định “cứng” Hà Nội là thủ đô của nước CHXHCN Việt Nam để bao hàm ý nghĩa không thay đổi thủ đô.
Ông Nguyễn Hoài Bắc (Việt kiều Canada, Chủ tịch trường nghề Việt Nam – Canada) “gật đầu” với những phân tích này. Ông Bắc cho rằng, chỉ định nghĩa kiều bào là một bộ phận không thể tách dời của dân tộc thì không hết ý nghĩa. Ông Bắc chứng minh, hiện có khoảng 4,5 triệu người Việt ở nước ngoài, chưa kể những người đi xuất khẩu lao động có thời hạn. 2012 dù là năm rất khó khăn nhưng lượng kiều hối chuyển về nước vẫn tăng, đạt 11,2 tỷ USD. Hiện cũng có hơn 2000 giáo sư tiến sỹ làm việc ở nước ngoài, đóng góp nguồn chất xám không nhỏ về cho đất nước.
Ông Nguyễn Trọng Bình (Việt kiều Mỹ) cho rằng, để thu hút nguồn lực, chất xám của kiều bào ở nước ngoài cần có cơ chế thông thoáng để bà con trở về. Là một nhà khoa học, ông Bình dẫn chứng, ngay việc về nước để tổ chức hội thảo về những vấn đề chuyên môn, nội dung đơn thuần học thuật như “Lịch sử Hoàng Sa, Trường Sa”, “Luật pháp quốc tế xử lý thế nào về chủ quyền các vùng biển”… thủ tục hiện cũng không đơn giản. Theo ông Bình, Hiến pháp cần bảo hộ cho những hoạt động này.
Liên quan đến quy định về chế độ kinh tế, ông Bình băn khoăn: “Tôi đã tra cứu nhiều sách kinh tế, cả sách của Các Mác – Ăng ghen cũng không thấy định nghĩa kinh tế thị trường định hướng XHCN nên vẫn chưa giải thích được với bà con kiều bào cũng như thuyết phục các nhà đầu tư. Nếu đây là mô hình mới với nhiều ưu việt khác hẳn các mô hình kinh tế trước nay, chúng ta cần giải thích rõ ràng trong Hiến pháp”.
Tổng kết hội nghị, Chủ tịch UB TƯ MTTQ Việt Nam Huỳnh Đảm ghi nhận các đại biểu tham gia đã thể hiện tinh thần, trách nhiệm đóng góp với đất nước trong công việc hệ trọng liên quan đến tương lai là xây dựng, sửa đổi Hiến pháp.
“Các phát biểu toát lên tấm lòng nồng nhiệt của kiều bào. Tôi đón đọc được tình cảm và sự phấn khởi của các anh chị - một biểu hiện sinh động, sâu sắc về việc người Việt Nam ở nước ngoài là bộ phận không thể tách rời, gắn bó trọn vẹn với dân tộc” – Chủ tịch Huỳnh Đảm cảm ơn trân trọng tất cả những ý kiến đóng góp. Ông Đảm khẳng định sẽ tập hợp, báo cáo đầy đủ các ý kiến, gửi các cơ quan có thẩm quyền đồng thời sẽ bằng mọi cách tạo điều kiện để lắng nghe ý kiến của bà con kiều bào với tình thần tiếp thu tối đa.