Vai trò của giáo dục chưa được đề cập thỏa đáng!

(Dân trí) - Qua nghiên cứu báo cáo công tác nhiệm kỳ 2011-2016 của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, đại biểu Quốc hội Nguyễn Xuân Thủy (Phú Thọ) băn khoăn khi thấy vị trí, vai trò của giáo dục - đào tạo chưa được đề cập một cách thỏa đáng, sâu sắc. “Thậm chí không có một từ nào về giáo dục và đào tạo trong báo cáo mà Thủ tướng Chính phủ trình ra trước Quốc hội”- ông Thủy nói.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Xuân Thủy (Ảnh: Quochoi.vn).
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Xuân Thủy (Ảnh: Quochoi.vn).

Phát biểu tại hội trường Quốc hội về Báo cáo công tác nhiệm kỳ 2011-2016 của Chủ tịch nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Chánh án TAND Tối cao, Viện trưởng VKSND Tối cao mới đây, đại biểu Nguyễn Xuân Thủy (Phú Thọ) cho biết, cơ bản nhất trí và tán thành với những báo cáo mà Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trình ra Quốc hội. Tuy nhiên, qua nghiên cứu báo cáo này, ông Thủy nhận thấy vị trí, vai trò của giáo dục, đào tạo chưa được đề cập một cách thỏa đáng, sâu sắc.

“Thậm chí không có một từ nào về giáo dục và đào tạo trong báo cáo mà Thủ tướng Chính phủ trình ra trước Quốc hội”- ông Thủy khẳng định.

Nhấn mạnh giáo dục và đào tạo có một vị trí, vai trò hết sức quan trọng đối với sự phát triển của mỗi quốc gia, dân tộc, ông Thủy cho rằng, nhiều quốc gia trên thế giới đã đạt được nhiều thành tựu to lớn trong quá trình phát triển nhờ sớm coi trọng vai trò của giáo dục và đào tạo. Ví dụ như Nhật Bản với quan điểm coi giáo dục, đào tạo là quốc sách hàng đầu, cần kết hợp hài hòa bản sắc văn hóa lâu đời Phương Đông với những tri thức của Phương Tây hiện đại. Hay như Singapore với phương châm thắng trong cuộc đua về giáo dục là sẽ thắng trong cuộc đua về phát triển kinh tế... Việt Nam cũng không nằm ngoài các quốc gia đó khi cương lĩnh chính trị của Đảng, nghị quyết của Đảng hay Hiến pháp, các luật đều cho rằng giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu.

“Trong nhiệm kỳ vừa qua, Chính phủ cũng như Thủ tướng Chính phủ đã hoàn thành rất tốt các nhiệm vụ của mình trong việc điều hành, chỉ đạo trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo và đã có nhiều những thành tích, kết quả to lớn, nhưng không được nêu vào trong báo cáo. Ví dụ như hệ thống trường lớp và quy mô giáo dục ngày càng phát triển nhanh. Ví dụ như chất lượng giáo dục ngày càng được nâng cao, góp phần đáp ứng yêu cầu nguồn nhân lực phục vụ cho phát triển kinh tế, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Ví dụ như đội ngũ nhà giáo ngày được tăng nhanh về số lượng và cả về chất lượng, số lượng thạc sĩ, tiến sĩ nhà giáo của chúng ta ngày càng tăng. Đặc biệt, trong nhiệm kỳ vừa qua, Chính phủ đã ban hành và thực hiện đề án đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, đào tạo của Việt Nam, trong báo cáo cũng không nêu những nổi bật lớn trong ngành giáo dục như vậy”- ông Thủy nhận xét.

Trong đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục - đào tạo Việt Nam, theo Hội nghị Trung ương lần thứ 8, khóa XI thì Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã làm rất tốt những đổi mới, như đổi mới về công tác thi cử, kiểm tra, đổi mới về chương trình và sách giáo khoa Trung học phổ thông, đổi mới về nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên...

“Những thành tựu này thì đề nghị Quốc hội và Chính phủ khóa 13 phải trân trọng và nêu thêm trong báo cáo”- ông Thủy đề nghị.

Trước nhiều ý kiến, dư luận của cử tri và một số đại biểu Quốc hội về việc tổ chức đổi mới kỳ thi THPT quốc gia, một số hiện tượng như một em thí sinh thuê xe cứu thương để thay đổi nguyện vọng, một số trường top đầu thay đổi điểm chuẩn để thí sinh phải thay đổi nguyện vọng xin rút gây tắc nghẽn và bất cập trong giáo dục, vị đại biểu tỉnh Phú Thọ khẳng định, hàng triệu thí sinh đi thi chỉ có một thí sinh thuê xe cứu thương và trong 500 trường CĐ-ĐH chỉ có khoảng 10% các trường top đầu có tình trạng thay đổi điểm chuẩn thì tỷ lệ này rất nhỏ, không thể vì hiện tượng xã hội mà chúng ta đánh giá sai hoặc không chính xác về công lao, vai trò ngành giáo dục nước ta nhiệm kỳ khóa vừa rồi.

Phải thay đổi, cải cách chế độ tiền lương cho giáo viên

Tuy vậy, đại biểu Nguyễn Xuân Thủy cũng đánh giá, công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về lĩnh vưc giáo dục còn nhiều nội dung chưa làm được, đó là cải cách chế độ tiền lương cho đội ngũ nhà giáo.

Ông Thủy dẫn chứng: Nghị quyết Trung ương lần thứ 2 khóa VIII, Nghị quyết Trung ương lần thứ 8 khóa XI khẳng định lương nhà giáo phải được ưu tiên xếp cao nhất trong hệ thống thang bảng lương hành chính sự nghiệp, có phụ cấp tùy theo tính chất công việc và theo vùng. Tuy nhiên, trong nhiệm kỳ và thời gian vừa qua, Chính phủ chưa làm được điều này. Hiện nay lương nhà giáo xếp thứ 14 trong hệ thống thang bảng lương hành chính sự nghiệp.

“Trong cải cách giáo dục, quan trọng nhất là yếu tố về con người, chính là đội ngũ nhà giáo. Nếu không có người thầy giỏi sẽ không có học trò giỏi. Nói về người thầy, đại thi hào Tago đã diễn ta trong câu nói nổi tiếng của mình: “Giáo dục một người đàn ông thì được một con người, giáo dục một người đàn bà thì được một gia đình, giáo dục một người thầy chúng ta được một thế hệ” Như vậy, vị trí, vai trò người thầy rất quan trọng”- ông Thủy nhận định.

Từ những phân tích trên, ông Thủy đề nghị Quốc hội, Chính phủ nhiệm kỳ khóa tới cần phỉ thực hiện đúng Nghị quyết Trung ương lần thứ 8 khóa XI về việc thay đổi cải cách chế độ tiền lương cho nhà giáo, làm sao cho lương và chế độ phụ cấp của nhà giáo phải xếp vào hạng cao nhất trong hệ thống thang bảng lương của hành chính sự nghiệp. Đồng thời tiếp tục nghiên cứu và đề xuất những chính sách mới mang tính chất đột phá, ưu tiên, ưu đãi cho sinh viên các chuyên ngành sư phạm.

“Qua nhiều năm tuyển sinh, chúng ta thấy hầu hết các bạn học sinh khá, giỏi đều chọn vào các trường công an, quân đội, các trường y, còn riêng đối với các trường sư phạm tuyển sinh rất khó và tuyển sinh đầu vào rất thấp. Như chúng tôi cũng vừa phân tích về vị trí, vai trò người thầy, nếu chúng ta cứ tuyển sinh chất lượng học sinh thấp như thế này trong sư phạm thì sẽ ảnh hưởng rất lớn đến giáo dục. Xin nhắc một lần cuối, trong giáo dục, yếu tố, vai trò quan trọng nhất là con người, chính là đội ngũ nhà giáo, vì vậy chúng ta phải thực sự thay đổi, cải cách chế độ cho nhà giáo hiện nay”- vị đại biểu Quốc hội trẻ nhất hiện nay (SN 1985) nêu chính kiến.

Thế Kha