Uỷ ban Dân tộc kiến nghị Thủ tướng đổi tên thành Bộ Dân tộc
(Dân trí) - Hôm nay (8/7), tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã có buổi làm việc với Hội đồng Dân tộc của Quốc hội và Uỷ ban Dân tộc (UBDT) về chính sách dân tộc. Lãnh đạo UBDT đã kiến nghị Thủ tướng xin được đổi tên thành Bộ Dân tộc.
Tại buổi làm việc, Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT Giàng Seo Phử đã báo cáo kết quả rà soát chính sách dân tộc giai đoạn 2006 - 2014 và đề xuất chính sách giai đoạn 2016-2020, định hướng đến 2030.
Theo đó, hiện nay trên cả nước vẫn còn 2.068 xã đặc biệt khó khăn và hơn 18.000 thôn đặc biệt khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo chiếm 45%. Một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số thiếu đói, nhất là vào những tháng giáp hạt hoặc sau những đợt thiên tai.
Hệ thống chính trị cơ sở một số nơi còn yếu kém, đội ngũ cán bộ đạt chuẩn rất thấp, tỷ lệ cán bộ người dân tộc thiểu số là công chức ở Trung ương chỉ chiếm 5,02%; viên chức chiếm 1,81%; công chức cấp tỉnh chiếm 14,83%; viên chức cấp tỉnh chiếm 11,54%.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc Giàng Seo Phử kiến nghị Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng xem xét cấp kinh phí năm 2014 và 2015 cho các chính sách đang thực hiện ở vùng dân tộc thiểu số, miền núi với số tiền 20.335,53 tỷ đồng; Đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo sớm triển khai xây dựng Luật Dân tộc. Cho phép được thành lập Học viện Dân tộc theo cơ chế đặc thù; xây dựng đề án chuyển UBDT thành Bộ đa ngành, đa lĩnh vực; Thực hiện thống nhất việc áp dụng các chính sách dân tộc theo phân định tại 3 khu vực tại Quyết định số 30/2012/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ…
Đối với chính sách dân tộc giai đoạn 2016-2020: Đề nghị Thủ tướng cho phép xây dựng các đề án, chính sách theo hướng đa mục tiêu, dài hạn, đa ngành, đa lĩnh vực và giảm đầu mối văn bản quản lý; từ chính sách hỗ trợ sang trọng tâm là chính sách đầu tư; đối với những vùng khó khăn cần có các dự án trọng điểm. Giảm bớt các đầu mối quản lý, đảm bảo tập trung nguồn lực thực hiện chính sách.
Về nội dung các chính sách giai đoạn 2016-2020, định hướng đến 2030 duy trì các chính sách còn hiệu quả và rà soát, sửa đổi, bổ sung các chính sách còn bất cập theo lĩnh vực do các Bộ, ngành quản lý, trong đó đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo thực hiện ưu tiên theo các lĩnh vực: cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực, đào tạo nghề - giải quyết việc làm, sử dụng cán bộ người dân tộc thiểu số và giảm nghèo bền vững.
Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Quốc hội Ksor Phước cho biết: “Theo báo cáo khảo sát số 689/BC/HĐDT, 1/4/2014 về thực trạng giáo dục dân tộc: Tỷ lệ không biết chữ (từ 10 tuổi trở lên): Vùng trung du, miền núi phía Bắc: 12,7%; Tây Nguyên: 11,3%; theo địa phương: Hà Giang: 34,5%; Lai Châu: 42,6%; Điện Biên: 42,4%. Theo thành phần dân tộc: Dân tộc Mông: 54%; Thái: 18,1%, dân tộc thiểu số khác: 22,4%. Trình độ học vấn thấp (từ tiểu học trở xuống): Tây Nguyên: 65,5%; Đồng bằng sông Cửu Long 75%; Thái 67,8%; Mông 84,5%; Khmer 84,5%.
Đến năm 2010-2011 còn có 5 dân tộc thiểu số chưa có người học đại học (Brâu, La Hủ, Lự, Ngái, Ơ Đu).
Trong 5 năm chỉ tuyển được 6 dân tộc với 10 học sinh học đại học: Dân tộc Cor, Mảng, Rơ Măm, Cờ Lao, Giẻ Triêng, Cống.
Ở bậc học càng cao thì tỉ lệ học sinh dân tộc thiểu số càng có xu hướng giảm. Chất lượng giáo dục phổ thông, đào tạo nghề thấp là nguyên nhân hàng đầu, có tính then chốt dẫn đến số lượng người dân tộc thiểu số vào đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp, các trường nghề khác rất thấp.
Về phía Bộ Nội vụ, Thứ trưởng Trần Anh Tuấn phân tích những hạn chế còn tồn tại trong việc thực hiện Nghị định 134/2006/NĐ-CP về chính sách cử tuyển. Trong thời gian sắp tới, Bộ Nội vụ cùng Uỷ ban Dân tộc sẽ tiến hành tổng kết, đánh giá, trên cơ sở đó xây dựng nghị định mới để nâng cao hiệu quả chính sách cử tuyển đối với con em đồng bào dân tộc thiểu số.
Mới đây, Bộ Nội vụ cũng xây dựng Dự thảo Chính sách công chức, viên chức là người dân tộc thiểu số và đang lấy ý kiến của các cấp, bộ ngành. Thứ trưởng Trần Anh Tuấn cũng đồng tình với kiến nghị xây dựng Học viện Dân tộc của UBDT và xin ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng.
Kết luận tại buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chỉ đạo các bộ, ngành cần xác định công tác dân tộc là một vấn đề cơ bản, chiến lược, lâu dài và cũng là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị.
Cả hệ thống chính trị, trước hết là cấp uỷ đảng chính quyền, phải thực sự quan tâm chăm lo đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi theo chức năng, nhiệm vụ của mình. Phải tăng cường rà soát, kiểm tra, giám sát, việc thực hiện các chủ trương, chính sách cụ thể.
Để triển khai Chiến lược công tác dân tộc thiết thực và hiệu quả, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhanh và vững chắc đối với vùng dân tộc thiểu số và miền núi, các Bộ, ngành, địa phương phải ưu tiên trước hết cho các mục tiêu nâng cao dân trí; nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác dân tộc, tập trung đào tạo đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số, qua đó nâng cao sức mạnh của hệ thống chính trị trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số; tỷ lệ giảm hộ nghèo vùng dân tộc thiểu số và miền núi phải đạt năm sau cao hơn năm trước và cao hơn tỷ lệ giảm hộ nghèo bình quân chung cả nước.
Về những kiến nghị của UBDT, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định sẽ sớm xem xét và đi đến quyết định trong thời gian tới đây.
Phương Nhung