Tuyên bố chung hai nước Việt Nam và Thái Lan

Nhận lời mời của Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng thăm chính thức Vương quốc Thái Lan, từ ngày 25-27/6/2013. Nhân chuyến thăm, hai bên đã ra Tuyên bố chung Việt Nam-Thái Lan.

Tuyên bố chung hai nước Việt Nam và Thái Lan
Họp báo sau cuộc gặp giữa Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Thủ tướng Yingluck Shinawatra. Hai bên chính thức thiết lập quan hệ đối tác chiến lược, nâng mối quan hệ giữa hai nước lên một tầm cao mới (Ảnh: Xuân Sơn - VOV)
 
TTXVN trân trọng giới thiệu toàn văn Tuyên bố chung:

1. Nhận lời mời của Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng đã thăm chính thức Vương quốc Thái Lan, từ ngày 25 đến ngày 27 tháng 6 năm 2013.

Trong thời gian ở thăm Thái Lan, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có cuộc gặp song phương với Thủ tướng Yingluck Shinawatra; hội kiến với Chủ tịch Quốc hội kiêm Chủ tịch Hạ viện Somsak Kiatsuranont; Chủ tịch Thượng viện Nikom Wairatpanij ; lãnh đạo các đảng chính trị Thái Lan; doanh nghiệp Thái Lan; Hội hữu nghị Thái Lan-Việt Nam; nhận bằng Tiến sỹ danh dự trường Đại học Thammasat; gặp cộng đồng Việt kiều; thăm một số cơ sở kinh tế và văn hóa tại thủ đô Bangkok và tỉnh Nakhon Phanom.

2. Tại cuộc hội đàm trong bầu không khí chân thành và tin cậy, Thủ tướng Yingluck Shinawatra đánh giá cao những thành tựu Việt Nam đạt được theo hướng công nghiệp hóa và hiện đại hóa, chúc mừng Việt Nam ngày càng nâng cao vị thế trên trường quốc tế. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đánh giá cao những thành tựu kinh tế-xã hội của Thái Lan, bày tỏ ủng hộ kế hoạch của Thái Lan phát triển toàn diện và đóng vai trò tích cực trong khu vực và trên thế giới.

3. Hai nhà lãnh đạo trao đổi quan điểm về tình hình hiện nay và triển vọng của mối quan hệ Việt Nam-Thái Lan trên mọi lĩnh vực, bao gồm chính trị, an ninh-quốc phòng, kinh tế, thương mại, đầu tư và cam kết mở rộng hợp tác trên mọi lĩnh vực nhằm củng cố mối quan hệ và tình hữu nghị giữa hai nước và thúc đẩy hòa bình, ổn định và phát triển trong khu vực và trên toàn thế giới.

4. Hai nhà lãnh đạo nhất trí thúc đẩy giao lưu, hợp tác chặt chẽ hơn giữa các đảng chính trị của Thái Lan và Việt Nam, bao gồm trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm lãnh đạo, quản lý; tăng cường đối thoại chính trị ở các cấp, đặc biệt ở cấp cao nhất, tiếp tục đẩy mạnh giao lưu nhân dân; trong đó có giao lưu giữa thanh, thiếu niên và thế hệ trẻ hai nước.

5. Trên cơ sở mối quan hệ hữu nghị, hợp tác Việt Nam-Thái Lan tiếp tục phát triển, kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1976, và đánh dấu ý nghĩa lịch sử của chuyến thăm này, hai nhà lãnh đạo đã quyết định đưa quan hệ hai nước lên Đối tác Chiến lược nhằm mở ra triển vọng mới cho mối quan hệ hợp tác gần gũi hơn vì lợi ích của nhân dân hai nước, vì hòa bình, ổn định và phát triển trong khu vực, cũng như góp phần vào việc xây dựng Cộng đồng ASEAN đoàn kết, vững mạnh.

Với mục đích đó, và trên cơ sở các thỏa thuận, khuôn khổ và cơ chế hợp tác hiện có, hai nhà lãnh đạo nhất trí thúc đẩy quan hệ Đối tác Chiến lược trong các lĩnh vực sau:

(i) Về quan hệ chính trị: Tăng cường sự tin cậy và hiểu biết lẫn nhau thông qua trao đổi các chuyến thăm cấp cao và đối thoại chính trị chiến lược; duy trì mối quan hệ chính trị tốt đẹp tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển và tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực khác.

(ii) Về hợp tác quốc phòng và an ninh: Tăng cường, mở rộng và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc phòng và an ninh; tăng cường hợp tác để xử lý các thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống; đẩy mạnh hợp tác về lãnh sự; và tái khẳng định cam kết không cho phép bất kỳ một cá nhân hoặc tổ chức nào sử dụng lãnh thổ của nước mình thực hiện các hoạt động chống lại nước kia.

(iii) Về hợp tác kinh tế: Tăng cường hợp tác về đầu tư, thương mại, năng lượng, viễn thông, công nghệ thông tin và giao thông vận tải; phấn đấu tăng kim ngạch thương mại hai nước hàng năm đạt trên 15 tỷ USD vào năm 2020; tăng cường kết nối giao thông giữa hai nước và với các nước trong khu vực thông qua các mạng lưới giao thông đường bộ hiện có và hành lang kinh tế, đặc biệt là Hành lang kinh tế Đông-Tây, tuyến đường số 8 và tuyến đường số 12.

(iv) Về hợp tác xã hội, văn hóa, giao lưu nhân dân và các lĩnh vực hai bên cùng quan tâm: thành lập các Trung tâm nghiên cứu Việt Nam và Thái Lan tại một số trường đại học của mỗi nước; tăng cường hợp tác về lao động; nâng cao vai trò của các tổ chức hữu nghị như cộng đồng người Thái Lan tại Việt Nam và người Việt Nam tại Thái Lan cũng như thúc đẩy hợp tác ở các cấp địa phương; và tăng cường giao lưu nhân dân thông qua Hội Hữu nghị Việt Nam-Thái Lan và Thái Lan-Việt Nam.

(v) Về hợp tác khu vực và quốc tế: Tăng cường các nỗ lực chung nhằm xây dựng Cộng đồng ASEAN gắn kết về chính trị, liên kết về kinh tế và trách nhiệm xã hội, phát huy vai trò trung tâm Hiệp hội trong cấu trúc khu vực, vì hòa bình, hợp tác và phát triển ở khu vực; phối hợp chặt chẽ tại các diễn đàn khu vực và tăng cường phát triển kinh tế vùng và tiểu vùng, bao gồm cả Diễn đàn Mekong với các đối tác phát triển, thu hẹp khoảng cách phát triển trong khu vực Đông Nam Á; phối hợp ủng hộ các ứng cử viên của nhau trong Liên hợp quốc, các tổ chức quốc tế và khu vực.

Để triển khai mối quan hệ Đối tác Chiến lược, hai nhà lãnh đạo nhất trí giao cho hai Bộ Ngoại giao phối hợp cùng các bộ/ngành hữu quan xây dựng Kế hoạch Hành động về các lĩnh vực đã đề cập trên để thảo luận, bàn bạc tại kỳ họp chung của Ủy ban Hỗn hợp về Hợp tác song phương, do Bộ trưởng Ngoại giao hai nước đồng chủ trì.

6. Hai nhà lãnh đạo cam kết làm sâu sắc hơn mối quan hệ hợp tác giữa hai nước để xây dựng một Cộng đồng ASEAN thống nhất, gắn kết và vững mạnh và tăng cường các khuôn khổ của ASEAN như ASEAN+1, ASEAN+3, Diễn đàn Khu vực và các cuộc họp cấp Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN. Hai nhà lãnh đạo cũng nhất trí thúc đẩy tham vấn và hợp tác tại các diễn đàn đa phương khu vực và quốc tế như ACMECS, Tiểu vùng sông Mekong, Hội nghị thượng đỉnh Đông Á, Liên hợp quốc, WTO, APEC, ASEM…, cùng nhau giữ gìn và thúc đẩy hòa bình, ổn định, hợp tác, phát triển và phồn vinh ở khu vực và trên thế giới.

7. Hai nhà lãnh đạo nhất trí về sự cần thiết phối hợp chặt chẽ trong việc duy trì hòa bình và ổn định ở Biển Đông; tăng cường tin cậy và lòng tin lẫn nhau thông qua hợp tác hàng hải, thúc đẩy an ninh hàng hải bao gồm tự do hàng hải và quá cảnh; thực hiện kiềm chế không sử dụng vũ lực; giải quyết tranh chấp thông qua các biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982 và DOC và tiến tới sớm thông qua COC.

8. Hai nhà lãnh đạo nhấn mạnh sự cần thiết tăng cường hợp tác trong việc thực hiện các biện pháp bảo vệ sử dụng nguồn nước chung vì sự phát triển bền vững; và tiến hành nghiên cứu toàn diện về việc sử dụng bền vững nguồn nước sông Mekong.

9. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chân thành cảm ơn Thủ tướng Yingluck Shinawatra, Chính phủ Hoàng gia, nhân dân Thái Lan về sự đón tiếp trọng thị, nhiệt tình và hữu nghị. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trân trọng mời Thủ tướng Yingluck Shinawatra sớm sang thăm lại Việt Nam vào thời gian thích hợp cho cả đôi bên, Thủ tướng Yingluck Shinawatra bày tỏ cảm ơn và vui vẻ nhận lời mời. Thời gian cụ thể của chuyến thăm sẽ được thu xếp qua đường ngoại giao.

Bangkok, ngày 26 tháng 6 năm 2013.
Theo TTXVN