Kỷ niệm 68 năm ngày Thương binh Liệt sĩ (27/7):
Tưởng niệm 130 năm ngày thủ lĩnh đầu tiên của phong trào Cần Vương hy sinh
(Dân trí) - Trong chuỗi hoạt động ngày Thương binh Liệt sĩ (27/7), ngày 20/7, Tỉnh ủy – HĐND – UBND – UBMTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Ngãi tổ chức lễ dâng hương, tưởng niệm 130 năm ngày chí sĩ Lê Trung Đình hy sinh (1885 – 2015).
Ôn lại giai thoại về chiến công, đức dy sinh của chí sĩ yêu nước Lê Trung Đình - thủ lĩnh đầu tiên phong trào Cần Vương.
Chí sĩ yêu nước Lê Trung Đình sinh ra và lớn lên trong gia đình có truyền thống khoa bảng tại làng Phú Nhơn, phủ Sơn Tịnh (nay là phường Trương Quang Trọng, TP Quảng Ngãi). Cha cụ là cử nhân Lê Trung Lượng – vị quan thanh liêm, chính trực và được vua Tự Đức khen ngợi “Thanh như Lượng”, đồng thời vua ban chữ “Trung” làm quốc tính (chữ lót).
Với tấm gương người cha cùng người thầy Nguyễn Duy Cung, ngay từ lúc nhỏ, Lê Trung Đình sớm giác ngộ với tinh thần yêu nước, thương dân, ghét áp bức, bất công và chí khí khẳng khái. Giữa thời cuộc nhà Nguyễn đang bị thực dân Pháp đàn áp, cụ Lê Trung Đình thi đỗ cử nhân và cùng các cử nhân khác như Nguyễn Tự Tân, Nguyễn Tấn Kỳ (quê huyện Bình Sơn), Nguyễn Bá Loan (quê Mộ Đức),… tổ chức vận động thanh niên giỏi võ nghệ, lập căn cứ ở núi Tuyền Tung (thuộc xã Bình An, huyện Bình Sơn) để khởi nghĩa chống thực dân Pháp và phong chí sĩ yêu nước Lê Trung Đình làm Chánh quản hương binh.Ông Lê Trung Chánh - hậu duệ, cháu đích tôn bày tỏ niềm xúc động trước sự quan tâm của chính quyền địa phương.
Sau khi vua Hàm Nghi ban chiếu Cần Vương từ vùng núi Tân Sở thuộc tỉnh Quảng Trị, trong ngày 13/7/1885, chí sĩ Lê Trung Đình cùng các thủ lĩnh hương binh kéo quân về tỉnh, thành đòi cấp vũ khí, lượng thực để cùng hợp sức chống Pháp nhưng quyền Bố chánh Lê Duy Thụy và quyền Án sát Nguyễn Văn Dụ đã hèn nhát chối từ.
Trước sự bạc nhược đó, chí sĩ Lê Trung Đình nêu quyết tâm: “Tây chưa tới nhưng triều đình đã theo Tây, dâng nước ta cho giặc. Nếu ta không giành lấy mảnh đất này làm chỗ đứng chung để chống lại chúng, thì còn đợi chừng nào nữa”. Ngay trong đêm 13/7/1885, hơn 3.000 hương binh chia làm 3 đạo quân tập kết về khu vực bãi sông Trà Khúc làm lễ tế cờ, rồi vượt sông tấn công tỉnh thành Quảng Ngãi.
Nhờ lực lượng nội ứng bên trong, nghĩa quân nhanh chóng khống chế Bố chánh và Án sát, tịch thu ấn, triện, binh khí, tiền lương, thả tù phạm do thực dân Pháp bắt giữ. Đồng thời, Chánh tướng Lê Trung Đình ra lệnh chiêu an bá tánh, bổ nhiệm các chức vụ mới trong chính quyền như thống đốc, tham tán, đề đốc, lãnh binh và đưa Tuy lý viên Miên Trinh (dòng dõi hoàng tộc) làm Phụ chính Quốc vương nhằm mục đích chính nghĩa là giúp vua, cứu nước; chuẩn bị phát động phong trào Cần Vương ra toàn tỉnh, sẵn sàng chống lại thực dân Pháp xâm lược.
Làm chủ chính quyền được 5 ngày, nghĩa quân bị lực lượng của Nguyễn Thân – Tiểu phủ sứ Sơn phòng Nghĩa Định (thành viên Nghĩa hội phản bội) đánh úp; 7 vị tướng cùng Phó Thủ lĩnh Nguyễn Tự Tân hy sinh, riêng Thủ lĩnh Lê Trung Đình bị giặc bắt sống. Mặc dù Nguyễn Thân ra sức dụ hàng nhưng chí sĩ Lê Trung Đình vẫn giữ vững khí tiết, thà chết chứ không chịu khuất phục. Vào ngày 18/7/1885, chí sĩ yêu nước Lê Trung Đình bị xử chém ở phía Bắc thành Quảng Ngãi.Dâng hương trước mộ cụ Lê Trung Đình.
Trước lúc hy sinh, chí sĩ Lê Trung Đình sáng tác bài thơ bằng chữ Hán: “Kim Nhật lung trung điểu/Minh triêu trở thượng ngư/Thử thân hà tích túc/Xã tắc ai kỳ khu”. Dịch là “Nay là chim trong lồng/Mai đã cá trên thớt/Thân này tiếc gì đâu/Thương vận nước gập gềnh”.
Thắp nén hương trước phần mộ cụ Lê Trung Đình (xã Tịnh Ấn Đông, TP Quảng Ngãi), ông Lê Viết Chữ - Bí thư Tỉnh ủy kiêm Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi bày tỏ: “Công lao chí sĩ Lê Trung Đình hết sức to lớn, cuộc khởi nghĩa Lê Trung Đình mở đầu trong phong trào văn thân Cần Vương ở miền Nam Trung kỳ, khiến giặc ngoại xâm hoang mang và hoảng sợ. Tiếp nối truyền thống và tinh thần của cha ông, tôi mong muốn thế hệ hôm nay cần phát huy thành quả mà cha ông để lại, ra sức học tập, rèn luyện để góp sức xây dựng quê hương giàu đẹp hơn và thường xuyên chăm lo đến nơi yên nghỉ của chí sĩ Lê Trung Đình cùng các anh hùng, liệt sĩ đã hy sinh vì đất nước”.
Hiện nay, mộ chí sĩ Lê Trung Đình được xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh, vị trí tại xã Tịnh Ấn Đông thuộc TP Quảng Ngãi, nằm sát trục đường Quốc lộ 1A.