Triển khai Chính phủ điện tử để minh bạch hóa hành chính công

(Dân trí) - Theo ông Lê Mạnh Hà, Phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Chính phủ điện tử (CPĐT) là việc bắt buộc phải làm để minh bạch hóa nền hành chính công. Chỉ có ứng dụng công nghệ thông tin xây dựng hệ thống CPĐT hoàn thiện mới thực hiện được bước đột phá cải cách hành chính.

Ngày 22/7, hội thảo quốc gia về Chính phủ điện tử 2015 với chủ đề “Chính phủ điện tử, y tế điện tử và giao thông thông minh” đã được tổ chức tại TPHCM. Phát biểu khai mạc, ông Lê Mạnh Hà khẳng định trong thời điểm hiện tại, việc ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý các lĩnh vực đời sống là yêu cầu bức thiết, cần phải thực hiện ngay để tạo sự đột phá.

Triển khai Chính phủ điện tử để minh bạch hóa hành chính công
Theo ông Lê Doãn Hợp, nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin truyền thông thì trình độ công nghệ thông tin nước ta đã đủ để làm CPĐT, quan trọng là có muốn làm hay không

Theo khảo sát Chính phủ điện tử năm 2014 của Liên hiệp quốc, Việt Nam xếp thứ 99 trên 193 quốc gia về chỉ số phát triển chính phủ điện tử, riêng tại châu Á xếp hạng 26 trên 47. Về chỉ số sẵn sàng kết nối thông tin toàn cầu, Diễn đàn kinh tế thế giới xếp Việt Nam ở vị trí 85/143 quốc gia, tụt 1 hạng so với năm trước.

Ông Lê Mạnh Hà cho biết: “Mục tiêu của CPĐT là kết nối thông tin quản lý, điều hành từ trung ương đến tận các xã, phường một cách chặt chẽ, nhanh chóng. Hiện chúng ta đang đi bước đầu tiên là thí điểm kết nối Trung ương với hai thành phố lớn, trong đó có TPHCM. Hệ thống ở Văn phòng Chính phủ đã xong nhưng còn “tắc” ở thành phố vì Văn phòng TP chưa liên thông hết được với tất cả các sở ngành. Thông tin cứ đổ về thành phố mà ở đây bị đình lại, chưa liên thông được các cấp bên dưới thì không thông suốt được”.

Theo bà Võ Thị Trung Trinh, Phó giám đốc Sở Thông tin truyền thông TPHCM, kế hoạch cải cách hành chính của thành phố đã xác định rõ phải hiện đại hóa nền hành chính, nâng cao hiệu quả ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý hành chính. Thời gian qua, TPHCM đã đầu tư nhiều nhân lực, tài lực để thực hiện đồng bộ hệ thống văn phòng điện tử, một cửa điện tử… Tuy nhiên, theo báo cáo của Sở cho thấy vẫn còn nhiều sở - ngành chưa triển khai thành công, chưa kết nối vào hệ thống chung.

Đồng tình với ý kiến của ông Hà, ông Lê Doãn Hợp, Chủ tịch Hội Truyền thông số Việt Nam, nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin truyền thông cho rằng: “Xây dựng thành công CPĐT thì hoạt động hành chính công sẽ minh bạch hơn rất nhiều nhờ việc người dân có thể giám sát dễ dàng. Như ở Singapore, người ta xây dựng CPĐT rất tốt, hoạt động hành chính minh bạch nên công chức không có điều kiện tham nhũng, cũng không dám tham nhũng”.

Là người từng có 4 năm phụ trách vấn đề này khi còn giữ chức Bộ trưởng Bộ Thông tin truyền thông, ông Hợp góp ý: “Trước mắt, CPĐT phải làm được 3 điều. Thứ 1 là Chính phủ với chính quyền địa phương. Làm sao khi xảy ra 1 sự việc ở bất cứ xã phường nào thì Chính phủ đều có thể họp trực tiếp với người dân tại nơi đó. Hiện nay, chúng ta mới chỉ dừng lại ở việc họp trực tuyến giữa Chính phủ với các tỉnh thành. Thứ 2 là Chính phủ với doanh nghiệp. Làm sao mọi thủ tục đều thực hiện qua mạng, đăng tải công khai, nếu chính quyền làm sai nhiều lần so với thủ tục công bố thì phải xem như là tội lừa đảo. Thứ 3 là Chính phủ với công dân, mọi hoạt động hành chính đều phải minh bạch trước mắt người dân”.

Trao đổi bên lề hội thảo, ông Lê Mạnh Hà trăn trở về việc chậm triển khai CPĐT ở chính quyền các cấp, theo cách nói của ông là “có đi nhưng còn chậm”. Theo ông, việc chậm triển khai CPĐT làm chúng ta khó cải cách hành chính. Điều này không chỉ khiến hoạt đồng quản lý, điều hành kém hiệu quả mà còn dễ nảy sinh nhũng nhiễu, thiếu minh bạch. Hậu quả không chỉ là cản trở sự phát triển kinh tế mà còn có thể làm mất lòng tin trong dân.

Ông Lê Mạnh Hà nói: “Muốn làm được CPĐT thì không chỉ ở Trung ương mà chính quyền các cấp đều phải vào cuộc, nhất là tinh thần trách nhiệm của người đứng đầu các tỉnh, thành phố”.

Ông Lê Doãn Hợp thì khẳng định: “Hiện công nghệ thông tin không phải là vấn đề. Công nghệ đã chuẩn bị sẵn sàng để phục vụ chính quyền điện tử, quan trọng là chúng ta muốn làm hay không thôi!”.

Tùng Nguyên

 

Triển khai Chính phủ điện tử để minh bạch hóa hành chính công