TPHCM: Năm 2014 là năm bản lề đặc biệt quan trọng

(Dân trí) - Năm 2014 là năm cuối cùng để TPHCM phấn đấu đạt các mục tiêu đã đề ra trước thời điểm đánh giá toàn diện thành tựu của thành phố sau 40 năm giải phóng (30/4/1975 – 30/4/2015).

Bí thư Thành ủy Lê Thanh Hải cho rằng: “Năm 2014 là năm đặc biệt quan trọng để tập trung, nỗ lực lãnh đạo thực hiện đạt kết quả cao nhất Nghị quyết Đại hội IX Đảng bộ thành phố và chuẩn bị Đại hội X Đảng bộ thành phố. Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố khóa IX kêu gọi toàn Đảng bộ, toàn quân và nhân dân thành phố tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng kiên cường, đoàn kết, ra sức khắc phục khó khăn, vượt qua thách thức, đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội và các nhiệm vụ trọng tâm công tác xây dựng Đảng, chính quyền, vận động nhân dân năm 2014, thực hiện 6 chương trình đột phá, thiết thực chào mừng kỷ niệm 40 năm ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4/2015)”.

Sau 39 năm được giải phóng, Đảng bộ và chính quyền TPHCM đã đạt được nhiều thành tựu vượt bậc mà không phải địa phương nào cũng làm được; xây dựng TPHCM trở thành đô thị quy mô lớn nhất nước, tốc độ tăng trưởng kinh tế cao và mức sống của người dân luôn nằm trong top cao nhất nước.

39 năm sau ngày giải phóng, TPHCM đạt được nhiều thành tựu
39 năm sau ngày giải phóng, TPHCM đạt được nhiều thành tựu

Sau ngày giải phóng (30/4/1975), TPHCM cũng đối mặt với đầy rẫy những khó khăn hậu chiến để tái thiết thành phố, khôi phục kinh tế, chăm lo đời sống người dân. Những năm 1980, thành phố cũng phải “chạy ăn từng bữa”, “vần mình” với những bài toán phát triển kinh tế, tăng gia sản xuất, lương - giá - gạo - tiền… như các địa phương khác trên cả nước.

Nhưng nhờ những ý tưởng sáng tạo, phong cách làm việc năng động vốn có của người phương Nam, nhiều đơn vị đã vượt qua khó khăn, góp phần tạo tiền đề cho sự nghiệp đổi mới của Đảng và đất nước ta trong những năm cuối thập kỷ 1980. Sự nghiệp đổi mới rất nhanh chóng được những con người TPHCM năng động, sáng tạo hưởng ứng và phát huy, góp phần giải phóng sức sản xuất, làm giàu cho bản thân, làm giàu cho thành phố, tạo đòn bẩy thúc đẩy kinh tế phát triển, đưa đất nước phát triển ngày càng giàu mạnh, phồn vinh.

Bắt đầu từ thập niên 1990, các chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế của TPHCM như GDP, thu nhập đầu người, văn hóa – giáo dục… luôn đứng vào hàng "top ten" cả nước. Các công trình hạ tầng hiện đại mang tầm cao kỹ thuật, công nghệ và tầm vóc to lớn xuất hiện ngày càng nhiều ở TPHCM như cầu Phú Mỹ, Đại lộ Đông Tây, cầu Sài Gòn 2, cầu vượt Cát Lái, cầu Nguyễn Văn Cừ, đường Tân Sơn Nhất – Bình Lợi - Vành đai ngoài…

Những vùng đất đầm lầy hoang hóa năm xưa cũng dần chuyển mình thành những đô thị khang trang, hiện đại như Phú Mỹ Hưng, quận 7, 12, Bình Tân, Nhà Bè, Bình Chánh… Nhà máy, xí nghiệp liên tiếp được thành lập; hàng loạt khu công nghiệp – khu chế xuất được quy hoạch bài bản. Các tòa cao ốc chọc trời liên tục mọc lên; những con đường, tuyến phố đang được chỉnh trang, cải tạo… Sau 39 năm đất nước thống nhất, TPHCM đã thực sự thay đổi diện mạo.

Cùng với sự phát triển nhanh chóng của nền kinh tế, TPHCM cũng xuất hiện những bất cập khó giải quyết như khoảng cách giàu nghèo ngày càng tăng. Nhưng với chính sách an sinh xã hội đúng đắn, TPHCM luôn đi đầu trong cả nước về phong trào xóa đói giảm nghèo, chuẩn nghèo của TPHCM liên tục tăng và nay đã vượt qua chuẩn nghèo 2USD/ngày của thế giới, cao hơn 5 lần so với chuẩn nghèo cả nước.

Tuy nhiên, không thỏa mãn với những thành tựu đã đạt được, Bí thư Thành ủy Lê Thanh Hải yêu cầu các cấp, các ngành thành phố trong thời gian tới cần tiếp tục thực hiện toàn diện 6 Chương trình đột phá, tập trung nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, là chương trình xương sống tác động mạnh mẽ đến phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội thành phố gắn với đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, phát triển mạnh mẽ khoa học - công nghệ thực sự là động lực quan trọng nhất để phát triển thành phố.

Ông cũng yêu cầu cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính; tích cực chuẩn bị đội ngũ cán bộ, công chức đáp ứng yêu cầu triển khai thực hiện Đề án thí điểm mô hình chính quyền đô thị… Bởi theo đánh giá của Đảng bộ, chính quyền thành phố, việc áp dụng mô hình chính quyền đô thị sẽ là 1 bước “cởi trói” cho TPHCM phát triển mạnh mẽ hơn trong tương lai. Và năm 2014 chính là năm bản lề quan trọng để thực hiện các công việc cuối cùng trước khi TPHCM đánh giá quá trình xây dựng và phát triển thành phố sau 40 năm giải phóng.

Tùng Nguyên