Tổng thống Pháp ủng hộ Việt Nam trong nỗ lực bảo vệ chủ quyền

(Dân trí) - Về vấn đề Biển Đông, Tổng thống Pháp nhắc tới nguyên tắc các bên cần trọng luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước quốc tế về luật biển 1982 (UNCLOS 1982). Tổng thống Hollande khẳng định, Pháp ủng hộ Việt Nam trong nỗ lực giữ gìn hải phận của mình cũng như tích cực tham gia gìn giữ hòa bình Liên Hợp quốc.

9h30 sáng nay 6/9, sau Lễ đón chính thức tại Phủ Chủ tịch, Tổng thống Pháp Francois Hollande và Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã có buổi hội đàm, chứng kiến lễ ký kết các văn bản hợp tác. Sau đó hai ông cùng chủ trì buổi họp báo quốc tế.


Tổng thống Pháp Francois Hollande và Chủ tịch nước Trần Đại Quang chủ trì buổi họp báo quốc tế. (Ảnh: Đăng Khoa)

Tổng thống Pháp Francois Hollande và Chủ tịch nước Trần Đại Quang chủ trì buổi họp báo quốc tế. (Ảnh: Đăng Khoa)

Mở đầu bài phát biểu tại buổi họp báo, Tổng thống Pháp đề cập đến vấn đề hợp tác quốc phòng hai nước: “Chúng tôi mong muốn có đối thoại thường xuyên giữa hai Bộ Quốc phòng để góp phần vào giải quyết các vấn đề khu vực và toàn cầu”.

Về vấn đề Biển Đông, Tổng thống Pháp nhắc tới nguyên tắc các bên cần trọng luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước quốc tế về luật biển 1982 (UNCLOS 1982). “Các bên cần tôn trọng thượng tôn pháp luật trên biển và đại dương, tôn trọng hàng hải, hàng không, không sử dụng vũ lực và đe dọa sử dụng vũ lực. Các nguyên tắc này đã được nhắc lại nhiều lần”, ông Hollande nói.

Tổng thống Hollande khẳng định, Pháp ủng hộ Việt Nam trong nỗ lực giữ gìn hải phận của mình cũng như tích cực tham gia gìn giữ hòa bình Liên Hợp quốc.

Về lĩnh vực kinh tế, theo Tổng thống Pháp, hai nước đã có nhiều hoạt động đối tác với nhiều dự án trên các lĩnh vực. Trong chuyến thăm lần này, các hãng hàng không Việt Nam đã ký kết 3 hợp đồng mua 30 máy bay của hãng Airbus. “Tôi muốn chuyển lời cảm ơn tới các hãng hàng không Việt Nam đã tin tưởng vào sản phẩm của chúng tôi. Mong sao, sắp tới ngày càng có nhiều đường bay giữa Pháp và Việt Nam”, ông Hollande chia sẻ.


(Ảnh: Đăng Khoa)

(Ảnh: Đăng Khoa)

Tổng thống Francois Hollande cũng bày tỏ mong muốn hai nước đẩy mạnh hợp tác và nỗ lực trong việc phát triển thủy điện, năng lượng tái tạo và năng lượng hạt nhân. Pháp luôn sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm trong lĩnh vực này với phía Việt Nam.

Ông Hollande đánh giá cao vai trò của Việt Nam tại khu vực Đông Nam Á với tốc độ tăng trưởng kinh tế cao. Hiện nay có khoảng 300 công ty Pháp đang hoạt động tại Việt Nam, và ông Hollande mong muốn rằng, qua chuyến thăm lần này, sẽ có thêm nhiều công ty Pháp đến Việt Nam đầu tư.

“Ở TP Hồ Chí Minh có Viện Tim. Tôi mong có nhiều cơ sở thành công như vậy của Pháp ở Việt Nam. Tôi hoanh nghênh các bác sĩ Pháp và Việt Nam đóng góp vào sự hợp tác y tế tốt đẹp của hai nước”, Tổng thống Hollande bày tỏ hy vọng.

Người đứng đầu nước Pháp cũng mong muốn văn hóa sẽ là một trục quan trọng trong quan hệ chiến lược giữa hai nước; tiếng Pháp sẽ được dạy nhiều hơn ở Việt Nam, góp phần thúc đẩy quan hệ song phương. Hiện có 300.000 Việt Kiều tại Pháp, họ chính là cầu nối hai dân tộc.

Sau bài phát biểu của Tổng thống Pháp, Chủ tịch nước Trần Đại Quang cho biết, trong cuộc hội đàm với Tổng thống Pháp Hollande, hai bên đã trao đổi vào thống nhất nhiều biện pháp thúc đẩy quan hệ song phương, đồng thời trao đổi một số vấn đề quốc tế và khu vực mà cả hai đều quan tâm.

Chủ tịch nước cho rằng, quan hệ hai nước đang chuyển sang một giai đoạn mới, chuyến thăm sẽ tạo "xung lực" quan trọng đưa quan hệ song phương phát triển hiệu quả và thực chất hơn nữa.

Điểm lại quan hệ hai nước, theo Chủ tịch nước Trần Đại Quang: “Từ sau khi thiết lập quan hệ đối tác chiến lược năm 2013, quan hệ hai nước phát triển tốt đẹp trên nhiều mặt, từ chính trị, kinh tế đến thương mại, đầu tư và văn hóa. Hai bên nhất trí Việt Nam và Pháp cần hướng tới một tầm nhìn hợp tác dài hạn, đáp ứng quan tâm chung của hai nước, thắt chặt quan hệ chính trị hơn”.

Trong lĩnh vực kinh tế, hai bên sẽ chú trọng đến các dự án về hạ tầng, hàng không, y tế và môi trường. Về quốc phòng, hai nước sẽ tăng cường triển khai đối thoại chiến lược quốc phòng, hợp tác về trang thiết bị quân y, trang thiết bị quân sự cũng như về an ninh trên biển và trên không.

Chủ tịch nước cho biết, tại buổi hội đàm ngay trước buổi họp báo, hai bên cũng nhất trí thúc đẩy hợp tác về khoa học-công nghệ, văn hóa, giáo dục đào tạo, đảm bảo thành công của hội nghị hợp tác giữa các địa phương Việt Nam và Pháp sẽ được tổ chức tại Cần Thơ sắp tới.

Chủ tịch nước cũng cho hay, Việt Nam đánh giá cao vai trò của Pháp trong cuộc chiến chống biển đổi khí hậu thông qua sự thành công của Hội nghị COP21 năm ngoái. Hai nước cần hỗ trợ nhau để thực hiện cam kết trong lĩnh vực này.

Trong cuộc hội đàm, hai nước cũng nhất trí nguyên tắc tôn trọng thượng tôn pháp luật trên biển và đại dương; tôn trọng an ninh tự do hàng hải và hàng không; không sử dụng vũ lực và đe dọa sử dụng vũ lực trên cơ sở luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS 1982. Hai bên nhấn mạnh, tầm quan trọng của thực hiện đầy đủ Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), ủng hộ nỗ lực nhằm đạt được Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).

Nam Hằng