Tổng thống Israel “truyền lửa” tinh thần khởi nghiệp cho doanh nghiệp Việt Nam
(Dân trí) - Phát biểu tại diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam-Israel sáng nay, 21/3, Tổng thống Israel đã mượn hình ảnh sức sống dẻo dai của cây thông bên cạnh cửa sổ nhà ông thuở còn thơ ấu để nói tới sự vươn lên của đất nước Isarel từ bao khó khăn đã trở thành một quốc gia hình mẫu về khởi nghiệp.
Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam-Israel có sự tham dự của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Chủ tịch Phòng Thương mại Công nghiệp Việt Nam Vũ Tiến Lộc và hàng trăm doanh nghiệp của hai nước. Đây là một trong những hoạt động trong chuyến thăm của Tổng thống Israel Reuven Ruvi Rivlin tới Việt Nam lần này.
Những “cây Tùng, Bách trong giông bão”
Mở đầu bài phát biểu, Tổng thống Reuven Ruvi Rivlin đã cập đến nét tương đồng giữa Việt Nam và Israel, đó là nỗ lực đấu tranh giành độc lập, vươn lên trong gian khó.
Ông kể lại câu chuyện về cây thông bên cửa sổ phòng mình khi gia đình ông sống tại Jerusalem. Khi đó, nhà nước Isarel chưa thành lập và Jerusalem chưa rộng lớn như ngày nay. Hầu như ở Jerusalem hồi đó không có ô tô hay đường phố mà chỉ có rất nhiều cây cối.
“Vào mùa đông, Jerusalem vô cùng lạnh lẽo. Trong những đêm mưa gió, khi lên giường ngủ, tôi vẫn nghe rõ tiếng gió thét gào ngay phía cửa sổ và băn khoăn tự hỏi rằng liệu cây thông kia có thể tồn tại được qua đêm hay sẽ bị quật ngã. Nhưng ơn Chúa, cây thông đó vẫn sống qua mỗi đêm giông gió và đã trở thành biểu tượng của sự bền bỉ, dẻo dai”, ông nhớ lại.
Khi tới Việt Nam, ông nhớ tới hình ảnh cây thông ấy cũng như câu nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nhắc nhở người Việt Nam rằng, chính giông bão sẽ giúp cây Tùng, cây Bách vững trãi hơn. “Người dân Israel đã nỗ lực vươn lên từ những thiếu thốn về nguồn tài nguyên thiên nhiên và trở thành một dân tộc khởi nghiệp, một dân tộc đổi mới sáng tạo. Israel mong muốn truyền cảm hứng đó tới Việt Nam”, Tổng thống Israel nhấn mạnh.
Sự có mặt của đoàn doanh nghiệp Israel ở nhiều lĩnh vực tại diễn đàn doanh nghiệp lần này cho thấy sự quan tâm của Israel tới các cơ hội hợp tác thương mại, đầu tư với Việt Nam. Hiện nay, một số sinh viên Việt Nam đang theo học nông nghiệp, công nghệ sinh học, công nghệ thông tin, truyền thông ở Israel. Đây là những cầu nối góp phần chuyển giao công nghệ giữa hai nước.
Tổng thống bày tỏ niềm vui mừng khi giao thương giữa hai nước đã tăng mạnh chỉ trong vài năm qua. Mối quan hệ thương mại hai nước ngày một đa dạng trên nhiều lĩnh vực từ công nghệ xử lý nước, thủy lợi, nông nghiệp, công nghệ sữa, cho tới quốc phòng, thiết bị y tế, giáo dục,... Ông cũng mong muốn Hiệp định thương mại tự do Israel - Việt Nam sẽ sớm được ký kết.
Về hợp tác giữa hai nước, ông nói, “Nếu chúng ta hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp, sử dụng công nghệ của Israel thì chúng ta có thể đảm bảo an ninh lương thực cho hàng triệu người trên thế giới. Nếu hợp tác trong lĩnh vực công nghệ thông tin, chúng ta có thể kết nối được mọi người. Israel có thể thúc đẩy “giáo dục không dây và “y tế trực tuyến và sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm với Việt Nam”.
Kết thúc bài phát biểu, Tổng thống nhắc tới câu ngạn ngữ của Khổng Tử “Quân tử sỉ kỳ ngôn, nhi quá kỳ hành”, với ý nghĩa rằng người quân tử sẽ thấy hổ thẹn khi lời nói không đi đôi với việc làm. “Đó là những gì chúng tôi ghi nhận từ tổ tiên của chúng tôi, không nói nhiều nhưng đã làm được rất nhiều. Israel, Việt Nam sẽ nói ít hơn và chung tay hợp tác để làm được nhiều điều hơn nữa vì lợi ích của nhân dân hai nước và toàn nhân loại”, Tổng thống nhấn mạnh.
Học hỏi và hợp tác
Phát biểu tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam-Israel, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng, Việt Nam có thể học hỏi nhiều điều từ Israel.
"Các doanh nghiệp Việt Nam cần học cách làm sao để khởi nghiệp vì Israel là quốc gia khởi nghiệp hàng đầu trên thế giới. Hãy học cách mà người Israel sử dụng tài nguyên eo hẹp của mình, nhất là tài nguyên nước, hiệu quả như thế nào. Và trên tất cả, hãy học cách mà người Israel đoàn kết và lao động cùng nhau như thế nào để cùng tạo ra một đất nước Israel như tất cả chúng ta đều thấy”, Phó Thủ tướng phát biểu.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ kêu gọi các doanh nghiệp Israel đầu tư vào Việt Nam - một thị trường hơn 90 triệu dân, đa phần là trẻ và có thu nhập đang tăng. Hơn nữa, từ Việt Nam các doanh nghiệp Israel có thể tiếp cận thị trường ASEAN với quy mô hơn 600 triệu dân và 2.000 tỷ GDP, và nhiều thị trường khác mà Việt Nam đã và sẽ ký thỏa thuận tự do thương mại.
Hai nước có thể mở rộng hợp tác ở hầu hết các lĩnh vực kinh tế, từ nông nghiệp đến cải tạo nguồn nước, năng lượng tái tạo, lưới điện thông minh, thương mại điện tử, an ninh mạng, đào tạo nguồn nhân lực, giáo dục và y tế.
Phó Thủ tướng cho rằng: “Việt Nam không chỉ chào đón các doanh nghiệp sản xuất, mà còn mong muốn các công ty tư vấn, các nhà đầu tư tài chính và các quỹ đầu tư mạo hiểm tham gia phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp của Việt Nam”.
Diễn đàn doanh nghiệp lần này có sự tham dự của khoảng 25 doanh nghiệp Israel trong các lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, công nghệ quốc phòng, năng lượng tái tạo, công nghệ nước, y tế, giáo dục… Đây là những lĩnh vực quan trọng trong chiến lược xây dựng một nước Việt Nam công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Cuộc gặp gỡ ngày hôm nay sẽ là tiền đề cho sự hợp tác cụ thể trong tương lai. Hy vọng doanh nghiệp hai nước sẽ tìm được đối tác, ký được nhiều hợp đồng, thỏa thuận hợp tác.
Nam Hằng