Tổng Thanh tra Chính phủ: Vừa nhận nhiệm vụ đã liên tục nhận tin tố cáo

(Dân trí) - “Tôi vừa nhận nhiệm vụ mới, tin nhắn tố cáo liên tục đổ về điện thoại. Ngồi đây tôi cũng vừa nhận tin nhắn đây” - Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái chìa điện thoại cho Bí thư Tỉnh uỷ Hà Giang Triệu Tài Vinh ngồi cạnh xem. Phát biểu sau đó, ông Vinh dẫn lại ví dụ tin nhắn gửi đến cho ông Khái để nêu quan điểm không chấp nhận hình thức tố cáo này.

Sáng 8/11, Quốc hội có phiên thảo luận tại tổ về dự luật Tố cáo (sửa đổi).

Tại đoàn Bạc Liêu, Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái cho biết, về hình thức tố cáo, các cơ quan thẩm tra như UB Pháp luật, UB Tư pháp của Quốc hội muốn công nhận hình thức tố cáo qua thư điện tử, fax, điện thoại. Theo ông Khái, nếu những hình thức tố cáo này xác định với trách nhiệm cao thì khuyến khích, nhưng với tình trạng nguồn nhân lực hiện nay sẽ xử lý không kịp, không đáp ứng được thực tế.

“Điện thoại đâu có chữ ký, phải đi xác minh. Tôi lo sau này thụ lý, giải quyết hình thức này sẽ khó cho những cơ quan có thẩm quyền giải quyết tố cáo... Tôi vừa nhận nhiệm vụ Tổng Thanh tra Chính phủ, tin nhắn tố cáo đã liên tục đổ về. Ngồi đây tôi cũng vừa nhận tin nhắn đây” – ông Khái chìa điện thoại, mở tin nhắn đưa cho đại biểu ngồi cạnh là Bí thư Tỉnh uỷ Hà Giang Triệu Tài Vinh để minh chứng.

Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái trao đổi thêm với đại biểu bên lề phiên thảo luận.
Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái trao đổi thêm với đại biểu bên lề phiên thảo luận.

Theo Tổng Thanh tra Chính phủ, nên quy định trách nhiệm người tố cáo, phải rõ ràng. Đối với những người bị tố cáo chưa xác minh làm rõ, sẽ ảnh hưởng về uy tín, danh dự, cơ hội bổ nhiệm xem xét quy hoạch của người bị tố cáo.

“Khi giải quyết đơn thư tố cáo có thể xảy ra vi phạm, có thể không. Để thận trọng, nếu chưa có kết luận thì không nên xem xét. Sau này khi đã bổ nhiệm lại phát hiện ra vi phạm thì có thể loại ra”, ông Khái cho hay.

Đến phần phát biểu của mình, Bí thư Triệu Tài Vinh nêu quan điểm, chỉ nên chấp nhận 2 hình thức tố cáo là tố cáo bằng đơn thư và tới trực tiếp cơ quan chức năng tố cáo chứ không nên nhận tố cáo qua thư điện tử hay fax vì rất khó xử lý.

“Tổng Thanh tra vừa cho tôi xem tin nhắn đó, đúng là tố cáo đấy nhưng nhắn tin như thế này thì rất khó. Chúng ta vẫn có thể tìm được người sử dụng số điện thoại này nhưng lại phải dùng đến các biện pháp nghiệp vụ đặc biệt và có khi lần ra tới nơi thì người ta lại dùng một số thuê bao khác rồi” – ông Bí thư Hà Giang phát biểu.

Ông Vinh cũng chia sẻ, ngày càng nhận được nhiều thông tin khiếu nại, tố cáo kiểu này. “Thực tế ngồi đây họp nhưng cứ ra khỏi hội trường là tin nhắn đến ào ào, mình lại phải giao anh em xem xét mà có những việc đã giải quyết xong lâu rồi vẫn không thể nào dứt được. Đã đưa vào luật thì phải quản lý được xã hội chứ không phải để làm rối loạn thêm tình hình” - ông Vinh kêu gọi thống nhất quan điểm về vấn đề này.

Các “nguyên” lãnh đạo bị cách chức đều từ việc từ 7-8 năm trước

Góp ý về phạm vi điều chỉnh của luật, đại biểu Tạ Văn Hạ (Bạc Liêu) bày tỏ, bản thân ông cũng phân vân về việc xem xét tố cáo với đối tượng là cán bộ có chức có quyền đã nghỉ hưu. Lý do là vì xét trong bối cảnh hiện nay, phạm vi tiếp nhận tố cáo như thế thì mức ảnh hưởng rất lớn, sẽ dẫn tới nhiều sự xáo trộn. Các cơ quan nhà nước tiếp nhận cũng sẽ khó gánh lượng đơn lớn.

Dù vậy, mặt khác, theo đại biểu, trong thực tế ta đã xử lý những trường hợp cán bộ đã nghỉ hưu rồi, như Đảng đã xử lý cách các chức vụ trong Đảng với cựu Bộ trưởng công thương Vũ Huy Hoàng, hay một loạt các trường hợp khác nữa. Ông Hạ phân tích, cách chức như thế nghĩa là xoá bỏ chức vụ từng đảm nhiệm, cách chức khi những cán bộ đó đã nghỉ hưu rồi.

Một cán bộ đã bị Đảng kỷ luật đến thế rồi mà vẫn không tiếp nhận, giải quyết các tố cáo về người này thời còn đảm nhiệm chức vụ thì rất khó giải thích nhưng nếu mà chấp nhận thì cũng dở, ông Hạ băn khoăn.

Từ đó, đại biểu kiến nghị đưa ra thời hiệu để giải quyết các tố cáo với cán bộ đã nghỉ hưu là trong hạn 5 năm kể từ ngày người đó không còn đảm nhiệm chức vụ. Thời gian đó, theo ông Hạ, cũng là để người tiếp nhận nhiệm vụ mới có đủ thời gian tương đương một nhiệm kỳ tiếp quản công việc mà người bị tố cáo đã làm và đồng thời có đủ điều kiện để xem xét, đánh giá về vi phạm sai trái của người trước.

Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu ủng hộ quan điểm xem xét tố cáo với cả cán bộ đã nghỉ hưu.
Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu ủng hộ quan điểm xem xét tố cáo với cả cán bộ đã nghỉ hưu.

Về việc này, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu thông tin, có ý kiến phân tích, nếu quy định việc giải quyết tố cáo với các cán bộ đã nghỉ hưu thì thành ra bất nhất với luật Cán bộ, công chức đang áp dụng hiện nay. Tuy nhiên, cũng có thể hiểu là trước nay chưa hề có quy định về vấn đề này thì xây dựng luật này xong, theo nguyên tắc luật ban hành trước phải tuân thủ luật ban hành sau, cứ theo luật này mà vận dụng.

“Tôi ủng hộ quan điểm phải quy định như thế để phòng ngừa, răn đe với những người đương ngồi đây lúc này này, để cho mọi người thấy, chính sách pháp luật Việt Nam là kể cả khi nghỉ hưu rồi nhưng anh vi phạm pháp luật về quản lý hành chính trước đó thì vẫn phải chịu trách nhiệm. Ở các nước thì về mặt hành chính, sau khi nghỉ hưu người ta sẽ không xử lý nữa nhưng về mặt pháp lý hình sự thì vẫn xem xét trách nhiệm, gắn với thời hiệu cụ thể” – Phó Chủ tịch Quốc hội nói.

Trao đổi lại, Thượng tướng Lê Quý Vương – Thứ trưởng Bộ Công An phân tích, các trường hợp cán bộ đã nghỉ hưu vẫn bị xử lý vừa qua, trước hết là đều vì những việc liên quan đến các đối tượng gây ra sai phạm chứ không phải do thông tin tố cáo sai phạm của chính những người đó.

“Còn về mặt thời hiệu, ví dụ như với việc xử lý mấy trường hợp “nguyên”… lãnh đạo vừa rồi thì thời hiệu nên xác định thế nào? Các việc đó đều xảy ra từ 7-8 năm trước rồi” – tướng Vương nói.

P.Thảo