Tổng Bí thư: “Ở đâu có chính quyền, ở đó có giám sát”
(Dân trí) - “Luật tổ chức Chính quyền địa phương sắp tới trình Quốc hội sẽ thực hiện theo đúng nguyên tắc cơ bản: Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ. Ở đâu có chính quyền, ở đó có giám sát”, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nói.
Ngày 8/5, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội đã tiếp xúc cử tri trước kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII tại quận Hoàn Kiếm.
Theo cử tri Phạm Văn Bổng (phường Phan Chu Trinh), nông nghiệp, nông thôn, nông dân có vai trò đặc biệt quan trọng trong giai đoạn hiện nay. Tuy nhiên, thành quả đạt được trong lĩnh vực này còn chưa tương xứng với tiềm năng cũng như công sức người lao động bỏ ra. Đặc biệt, trong những tháng gần đây xảy ra tình trạng dưa hấu, hành đỏ bị ứ đọng ở cửa khẩu, không xuất khẩu được, gây thiệt hại cho người nông dân. Do vậy, đời sống của người nông dân còn gặp nhiều khó khăn.
Ông Phạm Văn Bổng đề nghị Chính phủ chỉ đạo các Bộ ngành cần quan tâm giải quyết các vấn đề phát triển nông nghiệp, cải thiện đời sống người dân ở vùng nông thôn. Trong đó, tập trung vào việc ban hành chính sách mới, có tính đồng bộ, kịp thời, phù hợp với thực tế và đặc biệt là đầu tư hợp lý, có trọng tâm.
Cùng vấn đề sản phẩm nông nghiệp “được mùa, mất giá”, cử tri Phạm Văn Tứ (phường Hàng Mã) cho rằng, nó liên quan trực tiếp đến cơ chế điều hành của Chính phủ với nền kinh tế thị trường hiện nay. “Nếu không có kế hoạch cụ thể để người dân sản xuất tràn lan, dẫn đến hệ quả được mùa mất giá, sản phẩm làm ra nhiều nhưng không tiêu thụ được. Ví như dưa hấu vừa rồi nếu các địa phương không đứng ra chia lửa thì ứ đọng chắc chắn còn nhiều”, cử tri Tứ nêu băn khoăn.
Cử tri Đỗ Cẩm Thục (phường Cửa Đông) đề cập đến vấn đề tổ chức bộ máy hành chính hiện nay còn cồng kềnh, nhiều tầng lớp, hoạt động chồng chéo. Cử tri đề nghị đẩy nhanh việc tinh giản biên chế, khắc phục tình trạng chồng chéo để giảm bớt thủ tục hành chính gây phiền hà, phức tạp cho dân.
Ngoài ra, cử tri Thục còn quan tâm đến bộ máy chính quyền địa phương hiện nay. Theo cử tri, Quốc hội nên thông qua sớm những vấn đề liên quan đến tổ chức HĐND và UBND, để các đơn vị sớm ổn định bộ máy và công tác nhân sự.
Trong khi đó, cử tri Nguyễn Văn Vượng (phường Tràng Tiền) đặc biệt quan tâm đến vấn đề xây dựng đường sá và tai nạn giao thông trong những ngày nghỉ lễ vừa qua. Cử tri kiến nghị việc xây dựng đường cao tốc hiện nay vẫn ở mức cao so với các nước trong khu vực. Cử tri đề nghị Quốc hội giám sát để làm rõ tại sao lại tốn kém như vậy.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho rằng, ý kiến của cử tri rất sát với nội dung Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII. Theo Tổng Bí thư mỗi kỳ họp Quốc hội có rất nhiều luật được xây dựng. Tuy nhiên, khi phổ biến, tuyên truyền luật thế nào để nhân dân hiểu rõ lại là vấn đề cần quan tâm hơn nữa.
“Xây dựng luật đã khó nhưng tổ chức, tuyên truyền để luật đi vào cuộc sống lại càng khó. Luật ra rồi nhưng người dân có hiểu không, cán bộ có thuộc luật không. Bà con đôi khi vi phạm pháp luật nhưng không biết vì chưa hiểu luật. Thời gian tới cần làm tốt hơn nữa tuyên truyền phổ biến pháp luật”, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nói.
Về tổ chức chính quyền địa phương, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho biết, vấn đề này đã bàn rất nhiều lần. Hiện vẫn còn hai ý kiến khác nhau, trong đó ý kiến cho rằng hoạt động của Hội đồng nhân dân còn mang tính hình thức. Cũng có ý kiến cho rằng phải có Hội đồng nhân dân vì đây là đơn vị đại diện cho dân, giám sát hoạt động của chính quyền.
“Luật tổ chức Chính quyền địa phương, Trung ương cũng đã cho ý kiến. Sắp tới trình Quốc hội theo hướng thực hiện theo đúng nguyên tắc cơ bản: Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ. Ở đâu có chính quyền, ở đó có giám sát”, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nói.
Quang Phong