“Tổng Bí thư có đủ điều kiện, uy tín để làm Chủ tịch nước”

(Dân trí) - Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu nhận định, việc giới thiệu Tổng Bí thư để Quốc hội bầu làm Chủ tịch nước đã được làm một cách thận trọng, chặt chẽ. Nguyên Phó Trưởng Ban Tuyên giáo TƯ Vũ Ngọc Hoàng nhận định, sự phối hợp công việc giữa Đảng và Nhà nước sẽ giúp việc chống tham nhũng tiêu cực tốt hơn. Nguyên Phó Trưởng Ban Tổ chức TƯ Lê Quang Thưởng tin Quốc hội sẽ bỏ phiếu tán thành việc này…

Tổng Bí thư làm Chủ tịch nước: Thuận Hiến pháp, pháp luật

Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu
Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu

Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu phân tích, phương án Trung ương Đảng giới thiệu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng để Quốc hội bầu đồng thời làm Chủ tịch nước diễn ra trong tình huống đặc biệt, người đang giữ cương vị Chủ tịch nước đột ngột qua đời. Vì thế có nhiều vấn đề về công tác nhân sự cấp cao trong Đảng dồn về cùng một lúc.

“Việc thì cấp bách, phải quyết định ngay mà cũng khó vì đất nước phải có nguyên thủ, nước không thể một ngày thiếu vua” – nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu phân tích.

Cũng từng có phương án khác là để nhân sự giữ quyền Chủ tịch nước một thời gian, hết nhiệm kỳ này rồi mới tính phương án Tổng Bí thư đồng thời là Chủ tịch nước. Phương án này, theo nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu, không phải không được nhưng mang tính tạm thời.

Thiệt, hơn giữa các phương án phải xem xét nhưng thống nhất 2 chức danh nếu thấy “trót lọt” thì nên bàn. Theo nguyên Tổng Bí thư, điều kiện đặt ra là chọn được người đủ uy tín để vừa giữ chức vụ đứng đầu Đảng đồng thời là người đại diện nhà nước thì nên thực hiện việc này.

“Muốn chọn một người khác làm Chủ tịch nước thì chắc không phải là không thể có người. Nhưng Bộ Chính trị đã phải tính toán để trình Trung ương xem xét, nghiên cứu kỹ lưỡng rồi. Việc này đã được làm một cách thận trọng, chặt chẽ” – nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu nhận xét.

Nguyên Phó Trưởng Ban Tổ chức TƯ Lê Quang Thưởng
Nguyên Phó Trưởng Ban Tổ chức TƯ Lê Quang Thưởng

Phân tích về khía cạnh pháp lý, nguyên Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Lê Quang Thưởng cho rằng, phương án Tổng Bí thư làm Chủ tịch nước bảo đảm sự thống nhất của Đảng và Nhà nước, phù hợp với tập quán quốc tế, công tác ngoại giao. Hiến pháp và các quy định của pháp luật liên quan đều không có vướng mắc trong việc để người đứng đầu Đảng đồng thời đảm nhận vị trí nguyên thủ quốc gia.

Ông Thưởng nhìn nhận, việc thu gọn đầu mối trong tình huống này, người giữ vị trí sẽ phải đảm nhận khối lượng công việc rất lớn, đòi hỏi sự bố trí khoa học, hiệu quả.

“Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có đầy đủ điều kiện và uy tín làm Chủ tịch nước. Tôi tin Quốc hội sẽ bỏ phiếu tán thành”, ông Thưởng nói.

Việc chống tham nhũng chắc chắn tốt hơn

Nguyên Phó Trưởng Ban Tuyên giáo TƯ Vũ Ngọc Hoàng (ảnh: Quang Phong)
Nguyên Phó Trưởng Ban Tuyên giáo TƯ Vũ Ngọc Hoàng (ảnh: Quang Phong)

Nguyên Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Vũ Ngọc Hoàng phân tích, chuyện phân công một người làm hai nhiệm vụ, một nhiệm vụ bên đảng và một nhiệm vụ bên nhà nước tất nhiên lãnh đạo đó sẽ vất vả hơn. Nhưng cả hai công việc đều nhằm một mục đích là phục vụ nhân dân. Vậy thì miễn là nhân sự được đề xuất đảm đương cả “hai vai” có đủ nhân cách, năng lực để làm việc.

Ông Hoàng cho rằng, với tình hình cụ thể của nước ta hiện nay, việc áp dụng mô hình Tổng Bí thư đồng thời là Chủ tịch nước là đúng và cần thiết. Bày tỏ sự ủng hộ, hoan nghênh, ông Hoàng phân tích, việc đó làm gọn bớt bộ máy của hệ thống chính trị còn nhiều rườm rà, thuận tiện cho sự kết hợp công việc của Đảng và Nhà nước trong đối nội và cả trong đối ngoại.

“Đến nay việc áp dụng mô hình này là việc đã chín muồi và thời điểm cũng thích hợp” – nguyên Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương nêu quan điểm.

Ông Hoàng phân tích, điều kiện cần thiết với người đảm đương cả “hai vai” này, đầu tiên cái tâm, hết lòng với sự nghiệp vì dân, vì nước. Thứ 2 là sự trong sạch, liêm khiết, gương mẫu về đạo đức và lối sống. Thứ 3 là quyết tâm đổi mới để phát triển dân tộc và đất nước. Thứ 4 là tự học không mệt mỏi và tập hợp được sự ủng hộ, hợp sức của đông đảo cán bộ, đảng viên, chiến sĩ và nhân dân, trong đó hết sức quan trọng là đội ngũ trí thức.

Với việc Ban chấp hành Trung ương nhất trí giới thiệu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng để Quốc hội bầu giữ chức Chủ tịch nước, ông Hoàng khẳng định tin tưởng, sự phối hợp công việc giữa Đảng và Nhà nước, trong đó có việc chống tham nhũng tiêu cực, chắc chắn sẽ tốt hơn so với các năm trước, kể cả so với mấy nhiệm kỳ gần đây.

Ông mong muốn người lãnh đạo đứng đầu Đảng tới đây quan tâm tập trung nhiều hơn nữa cho công cuộc đổi mới thể chế, cơ chế (nhất là về kiểm soát quyền lực, thực thi dân chủ, tự do tư tưởng và ngôn luận trong phản biện chính sách). “Như vậy thì tôi tin tình hình sẽ tốt hơn nhiều. Tôi mong và hy vọng sẽ được như thế” – ông Hoàng nói.

P.Thảo