Tích tụ ruộng đất, không “đo” nhu cầu thị trường sẽ thất bại

(Dân trí) - “Việc tích tụ, tập trung ruộng đất phải tuyệt đối tránh hình thức, phong trào. Nếu không căn cứ vào nhu cầu của thị trường, năng lực của chủ thể, việc này chắc chắn sẽ thất bại” – Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng khuyến cáo…

Ngày 14/4, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng dự Hội nghị Giải pháp tích tụ tập trung đất đai phục vụ phát triển nông nghiệp quy mô lớn, công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp tại Vĩnh Phúc.

Thời gian qua, nhiều hình thức tích tụ, tập trung ruộng đất được triển khai đa dạng, bước đầu đạt được những kết quả tích cực như dồn điền đổi thửa, chuyển nhượng – cho thuê quyền sử dụng đất, góp vốn bằng quyền sử dụng đất.

Đến nay, trên thực tế đã có nhiều mô hình sử dụng đất (trang trại, hợp tác xã, tổ hợp tác, doanh nghiệp) và phương thức thực hiện tích tụ, tập trung đất đai có hiệu quả, đóng góp tích cực cho việc phát triển sản xuất nông nghiệp của Việt Nam, tiêu biểu tại các tỉnh Vĩnh Phúc, Thái Bình, Hà Nam, Nghệ An, An Giang và nhiều địa phương trên cả nước.

Nguyên Thứ trưởng Bộ TN-MT Nguyễn Mạnh Hiển phát biểu tại hội nghị.
Nguyên Thứ trưởng Bộ TN-MT Nguyễn Mạnh Hiển phát biểu tại hội nghị.

Phát biểu tại hội nghị, Bí Thư tỉnh ủy Hà Nam Nguyễn Đình Khang cho rằng, tích tụ ruộng đất là cần thiết. Kinh nghiệm trong quá trình tích tụ ruộng đất là phải đặt lợi ích của người dân lên trên hết, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho người dân.

Chia sẻ với những ý kiến này, PGS.TS Trần Thị Minh Châu - Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cho rằng, việc tích tụ, tập trung đất đai quy mô lớn phải bắt nguồn từ hiệu quả sản xuất, không phải cứ có đất đai quy mô lớn là hiệu quả.

“Tích tụ, tập trung ruộng đất chỉ là tiền đề, không phải cái quyết định hiệu quả cho sản xuất nông nghiệp. Nếu chỉ đưa các mô hình sản xuất lớn nhưng không phù hợp thì không có hiệu quả” - bà Châu nói.

Nữ TS cũng đề nghị, khi đưa ra giải pháp tích tụ, tập trung đất đai phải đứng trên lợi ích của người nông dân, phải đảm bảo đời sống cho người nông dân; phải có chế định hợp đồng, bình đẳng giữa người nông dân với doanh nghiệp. Các hình thức tích tụ, tập trung ruộng đất cũng cần rất đa dạng.

Nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Địa chính, Bộ TN-MT Nguyễn Đình Khang cho rằng, khi tích tụ, tập trung đất đai phải sử dụng một cách có hiệu quả nhất, phù hợp từng giai đoạn, từng địa phương.

“Tích tụ đất đai phải trên cơ sở thực sự có hiệu quả, có điều kiện cụ thể như phải có định hướng, có khả năng đáp ứng yêu cầu của thị trường; từ định hướng này phải có quy hoạch, kế hoạch cụ thể”, ông Sơn nhận định.

Tán thành quan điểm, nguyên thứ trưởng Bộ TN-MT Nguyễn Mạnh Hiển khuyến cáo, việc tích tụ, tập trung ruộng đất nhất định phải thực hiện theo quy hoạch, không vội vàng triển khai một cách tràn làn, phong trào.

Thống nhất với những mục tiêu tổng quát đưa ra, Phó Thủ tướng Trịnh Đình nhấn mạnh, tích tụ, tập trung ruộng đất phải dựa trên cơ sở quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất gắn với tái cơ cấu sản xuất ngành nông nghiệp nói riêng, tái cấu trúc nền kinh tế nói chung.

“Việc tích tụ, tập trung ruộng đất phải tuyệt đối tránh hình thức, phong trào. Nếu tích tụ, tập trung ruộng đất một cách hình thức, phong trào, không căn cứ vào nhu cầu của thị trường, năng lực của chủ thể thì chắc chắn sẽ thất bại”, Phó Thủ tướng phát biểu.

Phó Thủ tướng: “Việc tích tụ, tập trung ruộng đất phải tuyệt đối tránh hình thức, phong trào.
Phó Thủ tướng: "“Việc tích tụ, tập trung ruộng đất phải tuyệt đối tránh hình thức, phong trào".

Lãnh đạo Chính phủ cũng lưu ý, việc tích tụ, tập trung ruộng đất phải phù hợp với điều kiện thực tế của từng vùng, từng khu vực, mỗi địa phương; phù hợp với đặc điểm về đất đai, địa hình, khí hậu, văn hoá, tập quán, không thể chỗ này cũng như chỗ khác, ở đâu cũng làm giống hệt nhau…

Theo Phó Thủ tướng, tích tụ, tập trung ruộng đất phải đi đôi với đẩy mạnh phát triển công nghiệp, dịch vụ nói chung, phát triển kinh tế ngành nghề ở nông thôn nhằm mục đích tạo nhiều việc làm mới, từ đó giảm lao động trong nông nghiệp.

“Không thể tích tụ, tập trung đất đai khi có quá nhiều người canh tác trên một đơn vị diện tích. Muốn giảm lao động trong nông nghiệp, phải tăng hàm lượng khoa học, đưa công nghiệp, dịch vụ về nông thôn, phát triển kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới”, Phó Thủ tướng phân tích.

P.T