Thủ tướng yêu cầu quan tâm đến trồng rừng, phát triển công nghiệp chế biến gỗ

(Dân trí) - Chiều 8/12, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cùng đoàn công tác Trung ương đã có buổi làm việc với UBND tỉnh Đắk Lắk về kết quả thực hiện chỉ tiêu phát triển kinh tế, xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh năm 2018 và nhiệm vụ năm 2019.

Báo cáo tại buổi làm việc, ông Phạm Ngọc Nghị - Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk đã báo cáo với Thủ tướng về kết quả thực hiện chỉ tiêu phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo quốc phòng anh ninh năm 2018. Cụ thể, trong 18 chỉ tiêu chủ yếu, có 17 chỉ tiêu tỉnh Đắk Lắk đã đạt và vượt kế hoạch đề ra, duy có 1 chỉ tiêu về tỉ lệ che phủ rừng là không đạt kế hoạch.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Đắk Lắk
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Đắk Lắk

Trong năm 2018, Đắk Lắk đã đạt được nhiều kết quả trên nhiều lĩnh vực như tổng sản phẩm xã hội ước đạt 51.496 tỉ; tăng trưởng kinh tế đạt 7,82%, đạt trên 100% kế hoạch; huy động vốn đầu tư toàn xã hội 277.726 tỉ đồng, đạt trên 100%; thu ngân sách nhà nước của tỉnh năm 2018 trên địa bàn đạt 5.500 tỉ đồng, đạt 117,5% dự toán TW giao và đạt 110% dự toán HĐND tỉnh giao…

Lãnh đạo UBND tỉnh Đắk Lắk kiến nghị với Thủ tướng những vấn đề liên quan đến điện năng lượng tái tạo, các dự liên quan đến ổn định dân di cư tự do và bố trí đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số…

Sau khi nghe báo cáo, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có kết luận về tiềm năng, lợi thế của Đắk Lắk với vị trí chiến lược, nhất là về quốc phòng, an ninh. Thêm vào đó, Đắk Lắk còn là một tỉnh có quy mô diện tích lớn, đông dân, có số lượng lớn đồng bào di cư tự do đến sinh sống nhiều nhất cả nước. Đi kèm với đó là những vấn đề bất lợi, phức tạp của xã hội nhất là nạn phá rừng. Do đó, Thủ tướng lưu ý Đắk Lắk cần đặc biệt quan tâm có biện pháp ngăn chặn, phòng ngừa, không để tình trạng “mất bò mới lo làm chuồng”; không để một “đốm lửa” nhỏ trở thành “đám cháy”. Bên cạnh đó, tỉnh cần cảnh giác, phòng ngừa, ngăn chặn sự phá hoại của kẻ xấu, gây mất ổn định chính trị, trật tự xã hội và đời sống bình yên của người dân trên địa bàn.

Thủ tướng đánh giá cao việc trong năm 2018, hoạt động đầu tư trên địa bàn Đắk Lắk có kết quả tốt, số doanh nghiệp thành lập mới gia tăng. Môi trường đầu tư kinh doanh có cải thiện, thành tích trong công tác xây dựng nông thôn mới được duy trì. Cơ sở hạ tầng về du lịch của tỉnh tiếp tục được quan tâm với việc xuất hiện thêm một số khách sạn lớn. An ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội cơ bản ổn định; an ninh biên giới giữ vững, công tác đối ngoại được đảm bảo. Công tác xây dựng Đảng được quan tâm. Đặc biệt, sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Đắk Lắk từ tỉnh đến cơ sở.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc còn nêu hai nhiệm vụ trọng điểm mà Đắk Lắk phải thực hiện song song, đó là phát triển kinh tế xã hội và đảm bảo quốc phòng an ninh, giữ vững biên cương Tổ quốc. Theo đó, tỉnh cần đưa các lợi thế của tỉnh thành hiện thực, trong đó phải quan tâm đến trồng rừng và phát triển công nghiệp chế biến gỗ.

Bên cạnh đó, Thủ tướng cho rằng hiện nay vị thế nhà xuất khẩu cà phê lớn thứ hai thế giới mang lại cho Việt Nam nói chung và Đắk Lắk nói riêng sức mạnh nắm giữ, điều tiết nguồn cung trên thị trường xấp xỉ 2 tỉ người dùng cà phê mỗi ngày. Việt Nam là một quốc gia quyền lực về cà phê, trong đó Đắk Lắk là tỉnh trọng tâm.

Thủ tướng gợi ý nông nghiệp xanh và nông nghiệp công nghệ cao là hướng phát triển quan trọng của Đắk Lắk và yêu cầu tỉnh “không được để sa mạc hóa vùng đất quan trọng và chiến lược này”. Đây là trung tâm cây công nghiệp chất lượng cao, chế biến sâu, nâng cao giá trị gia tăng. Thủ tướng nêu định hướng cần giải quyết vấn đề đất đai trên tinh thần tạo điều kiện cho đồng bào dân tộc tại chỗ có đất sản xuất, chấm dứt tình trạng “phát canh, thu tô”.

Về tiềm năng văn hóa bản địa và truyền thống giàu ý chí cách mạng của người dân Đắk Lắk, Thủ tướng cho rằng đây là những yếu tố quan trọng để phát triển du lịch theo hướng bền vững, hiệu quả, Thủ tướng chỉ đạo cần “lấy văn hóa làm trụ cột quan trọng để phát triển bền vững Tây nguyên nói chung và Đắk Lắk nói riêng”.

Thúy Diễm