Thủ tướng: Xây dựng lòng tin thực chất, ngoại giao phòng ngừa trên Biển Đông
(Dân trí) - Ngày 8/9/2016, trong khuôn khổ Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 28-29 và các Hội nghị Cấp cao liên quan, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dẫn đầu đoàn đại biểu Việt Nam tham dự các Hội nghị Cấp cao ASEAN+1 với Hoa Kỳ, Ấn Độ và Hội nghị Cấp cao Đông Á (EAS).
Tại các hội nghị, các nhà lãnh đạo thảo luận sâu rộng về nhiều vấn đề cùng quan tâm. Lãnh đạo các nước chia sẻ mối quan tâm, lợi ích chung và tầm quan trọng của việc bảo đảm hòa bình, ổn định, an ninh an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông; đề cao việc giải quyết hòa bình các tranh chấp, tôn trọng luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982, tôn trọng các tiến trình ngoại giao và pháp lý, kiềm chế không có hành động làm phức tạp thêm tình hình, không quân sự hóa, ủng hộ ASEAN và Trung Quốc thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và sớm hoàn tất Bộ Quy tắc ứng xử (COC) hiệu quả ở Biển Đông.
Ứng xử chuẩn mực để tránh hành vi áp đặt, sử dụng sức mạnh
Phát biểu tại các Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ vui mừng trước những bước phát triển mạnh mẽ và sâu rộng trong quan hệ giữa ASEAN với các đối tác, nhấn mạnh hợp tác giữa ASEAN với các đối tác đóng vai trò quan trọng trong việc bảo đảm hòa bình, an ninh, ổn định và phát triển ở khu vực.
Phát huy vai trò của Việt Nam, nước điều phối quan hệ ASEAN-Ấn Độ giai đoạn 2015-2018, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị hai bên tăng cường hợp tác hơn nữa nhằm phát huy các tiềm năng cũng như cam kết chính trị của hai bên.
Về quan hệ ASEAN-Hoa Kỳ, Thủ tướng cho rằng, tăng cường nền tảng quan hệ hai bên, nhất là cam kết chính trị mạnh mẽ của các nhà lãnh đạo, có ý nghĩa quan trọng; ASEAN coi trọng quan hệ với Hoa Kỳ và hoan nghênh các cam kết của Hoa Kỳ ở khu vực và ASEAN. Thủ tướng đề nghị Hoa Kỳ tiếp tục triển khai Sáng kiến Hạ nguồn sông Mekong (LMI), hỗ trợ các nước Mekong nâng cao năng lực thích ứng với biến đổi khí hậu, chống hạn hán, xâm nhập mặn, quản lý và sử dụng bền vững nguồn nước.
Tại Hội nghị Cấp cao Đông Á (EAS), diễn đàn của các nhà lãnh đạo để đối thoại về các vấn đề chiến lược, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh nhu cầu tạo dựng và tăng cường lòng tin giữa các nước, tăng cường vai trò của các thể chế đa phương ở khu vực, xây dựng nền tảng trật tự khu vực thuận lợi cho hòa bình, ổn định và hợp tác, phát triển.
Theo đó, Thủ tướng cho rằng, cần đề cao thượng tôn pháp luật, tuân thủ luật pháp quốc tế, tăng cường xây dựng và chia sẻ các chuẩn mực ứng xử trong quan hệ giữa các quốc gia cũng như khi tiến hành các hoạt động ở khu vực, tránh mọi hành vi đơn phương, áp đặt, đe dọa hoặc sử dụng sức mạnh. Việt Nam và các thành viên ASEAN khác sẽ nỗ lực phát huy vai trò vừa là chủ thể trong việc xây dựng lòng tin, gìn giữ hòa bình, vừa có vai trò trung tâm thúc đẩy các đối tác cùng phấn đấu cho các mục tiêu phù hợp với lợi ích chung. Đánh giá EAS, cùng với các diễn đàn khác của ASEAN, đã tạo nền tảng khá vững chắc cho việc định hình một cấu trúc khu vực trong tương lai, Thủ tướng cho rằng cần tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động của EAS, xem xét đưa hợp tác biển thành lĩnh vực ưu tiên mới.
Bộ quy tắc tránh va chạm giúp ngăn ngừa sự cố ở Biển Đông
Trong thảo luận về tình hình khu vực và quốc tế, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhận định tình hình khu vực Châu Á-Thái Bình Dương đang có những chuyển biến nhanh chóng và phức tạp, với những cơ hội thuận lợi và cả thách thức đan xen.
Chia sẻ lo ngại về những diễn biến phức tạp tại Biển Đông, Thủ tướng khẳng định đây không chỉ là vấn đề tranh chấp chủ quyền biển, đảo, mà còn là duy trì hòa bình, hợp tác, bảo đảm an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông cũng như tôn trọng luật pháp quốc tế, trong đó có thực hiện hiệu quả DOC và không tiến hành các hoạt động quân sự hóa.
Thủ tướng nhấn mạnh, tất cả các bên cần thể hiện thiện chí và quyết tâm chuyển sang giai đoạn mới để đưa Biển Đông thành khu vực hòa bình, ổn định và hợp tác, phát triển. Điều quan trọng là các bên tự kiềm chế, không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực; giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Luật Biển 1982, tôn trọng đầy đủ các tiến trình ngoại giao và pháp lý. Thủ tướng cũng cho rằng thực tế hiện nay đòi hỏi đẩy mạnh các biện pháp xây dựng lòng tin thực chất và ngoại giao phòng ngừa trên biển, nhất là thực hiện hiệu quả DOC và sớm thông qua COC trong năm 2017; đồng thời thúc đẩy hợp tác thực tiễn trên các lĩnh vực được các bên nhất trí.
Trên tinh thần đó, Việt Nam hoan nghênh việc thông qua Tài liệu Hướng dẫn vận hành Đường dây nóng giữa Bộ Ngoại giao các nước ASEAN và Trung Quốc về các tình huống khẩn cấp trên biển và Tuyên bố ASEAN-Trung Quốc về áp dụng Bộ quy tắc tránh va chạm bất ngờ trên biển (CUES) ở Biển Đông. Thủ tướng bày tỏ hy vọng các biện pháp này sẽ được triển khai hiệu quả, góp phần xây dựng lòng tin và ngăn ngừa sự cố ở Biển Đông.
Thủ tướng cũng bày tỏ mong muốn các đối tác tiếp tục có những đóng góp tích cực vào duy trì hòa bình, ổn định ở khu vực, chia sẻ kinh nghiệm giải quyết tranh chấp trên biển bằng biện pháp hòa bình, tăng cường hỗ trợ ASEAN nâng cao năng lực xử lý các vấn đề trên biển.
P.T