Thủ tướng Việt Nam – Campuchia tuyên bố hoàn thành hệ thống mốc giới giữa 2 nước

(Dân trí) - Ngày 26/12/2015, tại tỉnh Gia Lai và An Giang, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Campuchia Hunsen đã cùng tham dự lễ khánh thành cột mốc 30 tại Gia Lai và cắt băng khánh thành cột mốc 275 tại cửa khẩu quốc tế Tịnh Biên - Phnom Den.

Cột mốc 30 và đoạn đường nối hai trạm kiểm soát cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh - O Za Dao thuộc tỉnh Gia Lai (Việt nam) và tỉnh Ratanakiri (Camphuchia) nằm trên tuyến biên giới qua xã Lanan, huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai và cột mốc 275 thuộc địa phận xã Xuân Tô, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang.

Tham dự Lễ khánh thành có các Phó Thủ tướng Chính phủ Campuchia; lãnh đạo một số Bộ, ngành, địa phương và nhân dân khu vực biên giới giữa 2 nước.

Đây là lần thứ ba Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Hunsen tới dự Lễ khánh thành các cột mốc biên giới, thể hiện rõ sự quyết tâm và nỗ lực của Chính phủ hai nước Việt Nam và Campuchia trong thực hiện các Hiệp ước, Hiệp định và các thỏa thuận về biên giới lãnh thổ. Mốc 30 và 275 cùng với 314 đã được Thủ tướng Chính phủ hai nước thống nhất xác định sau khi hai bên ký Bản Ghi nhớ ngày 23/4/2011. Ngày 20/11/2015 tại Thủ đô Phnom Penh, đại diện hai bên đã thống nhất khởi công xây dựng cùng lúc 2 cột mốc này.

 

Hai Thủ tướng bắt tay mừng việc hoàn thành cột mốc số 30 tại Gia Lai.
Hai Thủ tướng bắt tay mừng việc hoàn thành cột mốc số 30 tại Gia Lai.

Với việc hoàn thành xây dựng hai cột mốc 30 và 275, Việt Nam và Campuchia đã hoàn thành việc xác định, xây dựng tất cả các cột mốc đại có gắn quốc huy tại 10/10 cặp cửa khẩu quốc tế, cùng với cột mốc ở điểm đầu (mốc ngã ba biên giới Việt Nam-Lào-Campuchia) và cột mốc cuối cùng (mốc 314) trên đường biên giới đất liền Việt Nam - Campuchia và 297 cột mốc chính đã xây dựng. Có thể nói công tác phân giới cắm mốc giữa hai nước đã cơ bản hoàn thành với việc hình thành được “xương sống” của hệ thống mốc giới trên toàn tuyến.

Đây là một sự kiện có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, khẳng định tính đúng đắn của công tác phân giới cắm mốc mà hai nước đã và đang triển khai, thể hiện quyết tâm của lãnh đạo và nhân dân hai nước trong việc sớm hoàn thành toàn bộ công tác phân giới cắm mốc biên giới đất liền Việt Nam-Campuchia; góp phần quan trọng vào việc củng cố và tăng cường quan hệ hữu nghị truyền thống giữa hai nước.

Phát biểu tại Lễ khánh thành, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, trong thời gian qua, mối quan hệ giữa Việt Nam - Campuchia không ngừng được củng cố và phát triển theo phương châm "láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài". Kỳ họp lần thứ 14 Ủy ban hỗn hợp Việt Nam - Campuchia về hợp tác Kinh tế - Văn hóa, Khoa học kỹ thuật và Hội nghị hợp tác và Phát triển các tỉnh biên giới Việt Nam - Campuchia họp tháng 10/2015 đã đánh giá toàn diện về hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư, an ninh quốc phòng, văn hóa, giáo dục, du lịch giữa hai nước đã tiếp tục phát triển tốt đẹp và đạt nhiều kết quả tích cực.

Hợp tác giữa các địa phương hai nước được đẩy mạnh. Chính quyền và nhân dân hai bên biên giới tăng cường hợp tác, giúp đỡ lẫn nhau đồng thời phối hợp chặt chẽ quản lý biên giới; ngăn chặn các hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại; giải quyết tình trạng xâm canh, xâm cư; ngăn chặn phòng chống các loại tội phạm và các hoạt động gây rối; góp phần quan trọng giữ vững an ninh, trật tự khu vực biên giới, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện đời sống nhân dân.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ đến nay công tác phân giới, cắm mốc giữa hai nước đã đạt được nhiều kết quả rất quan trọng. Công tác quản lý biên giới về cơ bản được duy trì theo đúng quy định của các Hiệp ước, Hiệp định và Thỏa thuận liên quan giữa hai nước.

Việc khánh thành cột mốc số 30 và đoạn đường nối hai Trạm kiểm soát cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh - O Za Dao, cùng với khánh thành cột mốc số 275 đánh dấu việc Ủy ban liên hợp phân giới, cắm mốc biên giới đất liền Việt Nam - Campuchia đã hoàn thành việc xác định, xây dựng tất cả các cột mốc đại có gắn quốc huy ở 10 cặp cửa khẩu quốc tế trên đường biên giới đất liền giữa hai nước và hoàn thành được gần 90% công việc phân giới, cắm mốc trên toàn tuyến biên giới Việt Nam - Campuchia.

“Đây là sự kiện có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, thể hiện quyết tâm của Lãnh đạo và nhân dân hai nước trong việc thúc đẩy và sớm hoàn thành toàn bộ công tác phân giới cắm mốc biên giới đất liền giữa Việt Nam và Campuchia, cùng nhau xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển bền vững” - Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng, Cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh - O Za Dao nằm trên quốc lộ 19 của Việt Nam, nối với quốc lộ 78 của Campuchia, là một trong những tuyến đường trọng yếu nối các tỉnh Tây Nguyên của Việt Nam với các tỉnh Đông Bắc của Campuchia. Việc hoàn thành đoạn đường nối hai Trạm kiểm soát cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh - O Za Dao sẽ tạo điều kiện thông suốt tuyến đường quan trọng này, khai thác tiềm năng kinh tế, du lịch cũng như hoạt động thương mại, đầu tư giữa hai nước nói riêng và vùng tam giác phát triển Việt Nam - Lào - Campuchia nói chung.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu tại buổi lễ khánh thành những cột mốc đại sau cùng trên đường biên giới Việt Nam - Campuchia.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu tại buổi lễ khánh thành những cột mốc đại sau cùng trên đường biên giới Việt Nam - Campuchia.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao nỗ lực của Ủy ban liên hợp phân giới cắm mốc hai nước, các Bộ, các ngành và địa phương hữu quan của cả hai bên, đã cố gắng, nỗ lực thực hiện tốt nhiệm vụ phân giới cắm mốc đường biên giới đất liền hai nước thời gian qua; đồng thời nhấn mạnh thời gian tới hai bên còn rất nhiều việc phải làm để hoàn thành toàn bộ nhiệm vụ quan trọng này. Thủ tướng trân trọng đề nghị Thủ tướng Hunsen cùng chỉ đạo Ủy ban liên hợp phân giới cắm mốc hai nước tiếp tục nỗ lực và hợp tác chặt chẽ hơn nữa trong giải quyết các vấn đề tồn đọng, thúc đẩy sớm hoàn thành toàn bộ công tác phân giới cắm mốc biên giới đất liền giữa hai nước Việt Nam - Campuchia và quản lý tốt tình hình biên giới nhằm xây dựng đường biên giới hòa bình, ổn định, hợp tác cùng phát triển bền vững cho hôm nay và cho các thế hệ mai sau của hai nước Việt Nam và Campuchia.

Về phần mình, phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Campuchia Hunsen nhấn mạnh việc khánh thành các cột mốc biên giới thời gian qua khẳng định hai nước đã cố gắng triển khai thực hiện các giải pháp giải đồng bộ giải quyết các vấn đề về biên giới mặc dù có những lúc gặp phải một số khó khăn, vướng mắc nhất định.

“Thành quả lịch sử đáng ghi nhận trong ngày hôm nay sẽ góp phần to lớn trong việc biến khu vực biên giới đã được xác định rõ ràng, cụ thể của hai nước trở thành khu vực hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển toàn diện; phục vụ đời sống thanh bình, thịnh vượng của nhân dân hai nước” - Thủ tướng Hunsen phát biểu.

Thủ tướng Hunsen cũng cho rằng sự kiện hôm nay là một bằng chứng cụ thể cho thấy sự hợp tác keo sơn giữa hai nước nhằm biến khu biên giới trước đây đã từng bị bỏ quên, không có người sinh sống, thiếu mọi cơ sở hạ tầng, không có sự phát triển trở thành một khu vực đầy tiềm năng về kinh tế, thương mại, đầu tư, du lịch… Thủ tướng Hunsen cảm ơn và đánh giá cao Ủy ban hỗn hợp phân giới cắm mốc đường bộ biên giới hai nước đã kiên trì phấn đấu tổ chức thông suốt việc cắm các mốc giới, dành được sự hợp lý hoàn toàn về mặt pháp lý; đồng thời bày tỏ tự hào vì cả hai nước đều vượt qua nhiều khó khăn trong việc xây dựng đường biên giới giữa hai nước và đến nay hai bên chỉ còn lại 16,8% trong tổng số chiều dài toàn tuyến biên giới và thời gian tới sẽ tiến tới xác định biên giới trên biển.

“Một lần nữa Chính phủ Vương quốc Campuchia khẳng định kiên định duy trì lập trường xây dựng đường biên giới giữa Campuchia và Việt Nam thành một đường biên giới đúng đắn, rõ ràng, cụ thể, trên cơ sở luật pháp nhà nước và quốc tế. Điều này đã được Chính phủ Campuchia trong mọi giai đoạn luôn giữ vững nhằm kết thúc vấn đề biên giới đường bộ và đường biển giữa hai nước. Dựa vào cơ sở nguyên tắc chủ yếu này, Chính phủ Campuchia sẽ cố gắng hết mình để cùng Chính phủ Việt Nam đảm bảo việc hai nước có chung một đường biên giới mang tính quốc tế và biến đường biên giới được thể hiện trên bản đồ thành các mốc giới tại thực địa và đường biên giới đó phải đi song song với việc thực hiện tốt công tác quản lý; cùng nhau xây dựng một khu vực biên giới phát triển phồn vinh, khu vực hòa bình, đời sống người dân an cư thịnh vương” - Thủ tướng Hunsen nói và nhấn mạnh rằng Lễ khánh thành ngày hôm nay là một biểu tượng mới, khẳng định thêm một lần nữa lòng quyết tâm của hai nước trong thúc đẩy quan hệ hợp tác, củng cố và phát triển tình hữu nghị, láng giềng tốt, có lợi ích chung về địa chính trị, địa kinh tế.

Biên giới đất liền Việt Nam - Campuchia có chiều dài khoảng 1.137 km, đi qua địa giới hành chính 10 tỉnh của Việt Nam là Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Bình Phước, Tây Ninh, Long An, Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang và 9 tỉnh của Campuchia gồm Rattanakiri, Mondulkiri, Cratie, Tboung Khmum, Prey Veng, Svey Rieng, Kandal, Takeo, Kampot.

P.Thảo