Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Hỗ trợ tối đa để ngư dân yên tâm bám biển

(Dân trí) - Ngày 15/4, tại Đà Nẵng, Văn phòng Chính phủ phối hợp với Bộ NN-PTNT và các bộ ngành liên quan cùng các địa phương ven biển đã tổ chức hội nghị về giải pháp và chính sách phát triển thủy sản.

Tham dự hội nghị có Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cùng các Bộ NN-PTNT, Công thương, Kế hoạch - đầu tư và Ngân hàng Nhà nước.


Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát cho biết, đến năm 2013, đã có 117.998 tàu cá trên cả nước tham gia hoạt động khai thác thủy sản. Cả nước có 3.750 tổ, đội sản xuất trên biển với khoảng 22 nghìn tàu cá tham gia/145 nghìn lao động và 50 nghiệp đoàn đã được thành lập và đi vào hoạt động.

 

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Cao Đức Phát, hiện nay nghề khai thác thủy sản ở nước ta còn nhiều hạn chế. Có đến 99% tàu cá đóng từ vật liệu gỗ, 85-90% tàu cá sử dụng động cơ từ các thiết bị cũ hoặc thiết bị giao thông đường bộ, trang thiết bị bảo quản thô sơ (dưới 10% tàu có thiết bị bảo quản bằng hộp xốp thổi)…


Ngoài ra với gần 1 triệu lao động đánh cá nhưng chủ yếu là lao động phổ thông và hầu hết chưa được đào tạo nghề. Số thuyền trưởng, máy trưởng được tập huấn chỉ mới 30%; số tàu công suất thấp (dưới 90CV) khai thác ven bờ còn lớn (chiếm 76,9%), nguồn lợi hải sản ven bờ có dấu hiệu suy giảm trong khi sản lượng khai thác xa bờ cũng đã xấp xỉ ngưỡng khai thác bền vững theo dự báo.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Hỗ trợ tối đa để ngư dân yên tâm bám biển
Bộ trưởng Cao Đức Phát đề nghị Chính phủ nghiên cứu, sửa đổi để tiếp tục thực hiện và nâng cao hiệu quả của một số chính sách ưu đãi về tín dụng để ngư dân đóng mới tàu cá công suất lớn


Tuy cả nước đã hình thành 3.750 tổ, đội sản xuất với 145 nghìn lao động trên biển nhưng do thiếu chính sách hỗ trợ nên mức độ liên kết chưa thực sự chặt chẽ, vẫn còn tình trạng ngư dân sản xuất đơn lẻ, thiếu vốn, không được hỗ trợ khi gặp sự cố trên biển. Ngoài ra, hạ tầng phục vụ khai thác còn nhiều hạn chế, chưa được đầu tư đúng mức, xuống cấp dẫn đến giảm hiệu quả sản xuất.


Bên cạnh đó, ngành nuôi trồng, chế biến, xuất khẩu thủy sản cũng gặp nhiều tồn tại cần được khắc phục như cạnh tranh không lành mạnh giữa các doanh nghiệp xuất khẩu, công tác xúc tiến thương mại còn nhiều hạn chế, sử dụng vốn đầu tư của một số nhà máy chế biến chưa hiệu quả…


Từ những hạn chế, tồn tại nêu trên, Bộ NN-PTNT đề nghị Chính phủ tiếp tục thực hiện các cơ chế, chính sách như: Hỗ trợ ngư dân tham gia khai thác trên các vùng biển xa; hỗ trợ khắc phục rủi ro, thiên tai trên biển; hỗ trợ việc áp dụng quy trình sản xuất nông nghiệp tốt trong thủy sản; tiếp tục ưu tiên nguồn vốn tín dụng ưu đãi cho các địa phương vay không có lãi suất để đầu tư hạ tầng sản xuất…


Thống đốc Nguyễn Văn Bình nêu một số khó khăn khi ngư dân vay vốn đóng mới tàu cá công suất lớn
Thống đốc Nguyễn Văn Bình nêu một số khó khăn khi ngư dân vay vốn đóng mới tàu cá công suất lớn

Bộ NN-PTNT cũng đề nghị Chính phủ nghiên cứu, sửa đổi để tiếp tục thực hiện và nâng cao hiệu quả của một số chính sách ưu đãi về tín dụng để ngư dân đóng mới, hiện đại hóa tàu cá; ưu tiên vốn tín dụng ưu đãi để nuôi trồng, chế biến, bảo quản, xuất khẩu thủy sản; hỗ trợ trang thiết bị thông tin và giám sát hoạt động của tàu cá trên biển…


Bên cạnh đó, Bộ NN-PTNT cũng đề xuất một số chính sách mới như: Chính sách cho vay ngắn ngắn hạn phục vụ sản xuất cho ngư dân thực hiện đối với 28 ngàn tàu cá khai thác xa bờ với mức vay trung bình 200 triệu đồng, thực hiện trong 10 năm (trong gói tín dụng 3.000 tỷ đồng). Thực hiện hỗ trợ 50% bảo hiểm thân tàu, 100% bảo hiểm tai nạn cho thuyền viên đánh bắt thủy sản trên biển; hỗ trợ đào tạo nhân lực nghề cá; xem xét bổ sung đối tượng được miễn, giảm học phí là học sinh, sinh viên ngành khai thác để khuyến khích đào tạo nguồn nhân lực cho khai thác và quản lý khai thác thủy sản…


Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu chỉ đạo hội nghị
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu chỉ đạo hội nghị

Theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình, thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa X về nông nghiệp, nông dân và nông thôn, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách triển khai như Nghị định số 41/2010/NĐ-CP, Quyết định số 68/2013/QĐ-TTg, Quyết định 262/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ…


Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho rằng, về cơ bản vốn tín dụng đã đáp ứng kịp thời cho nhu cầu phát triển của ngành thủy sản bao gồm khai thác, chế biến, xuất khẩu. Những kết quả về sản lượng và giá trị xuất khẩu của lĩnh vực thủy sản thời gian qua có sự đóng góp không nhỏ của ngành ngân hàng. Bên cạnh đó, các chính sách tín dụng đặc thù của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước đã kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với người nuôi, chế biến và xuất khẩu.

Ngư dân đã được đầu tư nhiều trang thiết bị hiện đại để bám biển dài ngày
Ngư dân đã được đầu tư nhiều trang thiết bị hiện đại để bám biển dài ngày

Đối với những khó khăn, vướng mắc của ngư dân trong việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng; Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho rằng, hiện nay ngư trường đánh bắt gần bờ đã cạn kiệt, hiệu quả khai thác thấp, vì vậy để khai thác hiệu quả phải đóng mới tàu có công suất lớn với giá trị đầu tư cao; trong khi đó khai thác xa bờ luôn tiềm ẩn những rủi ro do thời tiết, tranh chấp dẫn đến tàu bị bắt giữ; thiếu các hình thức bảo hiểm cần thiết như bảo hiểm tàu, thuyền viên; nhiều trường hợp đã mua bảo hiểm nhưng khi gặp rủi ro thì bị cơ quan bảo hiểm từ chối thanh toán với lý do thuyền trưởng và máy trưởng chưa được cấp chứng chỉ chuyên môn gây khó khăn cho ngân hàng trong việc thu hồi nợ.

Đối với các tổ chức tín dụng thì ngư dân thiếu các tài sản đảm bảo cho vay; trường hợp ngư dân đồng ý thế chấp bằng chính con tàu thì ngân hàng cũng rất ngại vì không quản được. Việc xử lý tài sản đảm bảo là con tàu cũng gặp nhiều khó khăn về thủ tục và giá trị phát mại. Ngân hàng không quản được dòng tiền cũng như nguồn tiền trả nợ vì khi ngư dân đánh bắt thì bán cho các cơ sở hậu cần nghề cá, trực tiếp thu tiền…

“Vì vậy, để khuyến khích ngư dân đóng tàu có công suất lớn đánh bắt xa bờ, góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo của tổ quốc thì phải sử dụng từ nguồn vốn của Chính phủ hoặc tín dụng chính sách với các điều kiện đặc thù cho lĩnh vực này. Đó cũng là lý do mà dư nợ cho vay để đóng mới các tàu có công suất lớn đánh bắt xa bờ trong thời gian qua còn hạn chế”, Thống đốc Nguyễn Văn Bình phát biểu.

Thu mua cá của ngư dân ở cảng cá Thọ Quang, Đà Nẵng
Thu mua cá của ngư dân ở cảng cá Thọ Quang, Đà Nẵng

Là một trong những địa phương ven biển có ngành đánh bắt thủy sản phát triển, bà Trần Thị Thu Hà – Phó Chủ tịch tỉnh Bình Định - cũng cho rằng ngành đánh bắt xa bờ càng ngày càng khó khăn do ngư trường khai thác ngày càng hạn hẹp, tàu nhỏ công nghệ khai thác lạc hậu nên hiệu quả kém, quy hoạch hậu cần nghề cá đã được đầu tư nhưng chưa đáp ứng được nhu cầu sản xuất, đặc biệt là các luồng lạch ra vào biển không đảm bảo đã gây nhiều thiệt hại cho ngư dân. Phó Chủ tịch tỉnh Bình Định cũng đề nghị Chính phủ hỗ trợ để nạo vét các luồng lạch vì tỉnh nghèo không có kinh phí.

Đối với TP Đà Nẵng, Chủ tịch Văn Hữu Chiến cho biết, TP Đà Nẵng có hần 10 vạn lao động nghề cá với 87 tổ đoàn kết trên biển. Đà Nẵng đã được Chính phủ quy hoạch là 1 trong 6 trung tâm nghề cá của cả nước nên Chủ tịch Văn Hữu Chiến đề nghị Chính phủ quan tâm đầu tư mở rộng âu thuyền Thọ Quang để tàu cá của ngư dân vào trú bão vì hiện nay âu thuyền này đã quá tải.

Chủ tịch TP Đà Nẵng cho biết nếu Chính phủ hạ lãi suất cho vay từ 6% xuống còn 5% thì địa phương sẽ hỗ trợ tiếp 2% cho ngư dân đóng tàu mới. Như vậy khi đóng tàu mới, ngư dân chỉ còn 3% lãi suất, điều này sẽ tạo điều kiện cho ngư dân đóng tàu công suất lớn, bám biển dài ngày. TP Đà Nẵng cũng đã có thêm 12 tàu mới công suất lớn sau khi có sự hỗ trợ của nhà nước.

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị Bộ NN-PTNT và Ngân hàng Nhà nước khẩn trương trình Chính phủ Nghị định trong tháng tới về các vấn đề bàn thảo trong hội nghị này để nhanh chóng hỗ trợ ngư dân. Thủ tướng cho biết hiện đã có 15 chính sách về ngư dân, chính sách nào còn phù hợp thì giữ lại, còn thiếu thì bổ sung để đưa vào Nghị định.

“Tất cả chúng ta quán triệt một cách sâu sắc chiến lượt biển của chúng ta không ngoài mục đích giữ vững chủ quyền biển đảo, với tinh thần huy động sức mạnh của Nhà nước và nhân dân để chúng ta CNH-HĐH”, Thủ tướng phát biểu.

Theo Thủ tướng, nhìn lại hơn 10 năm qua, cái được lớn nhất là cơ chế chính sách về ngư dân đã hoàn thiện để ngành đánh bắt, nuôi trồng, xuất khẩu thủy sản tăng mạnh. Theo đó, đánh bắt của chúng ta đứng thứ 9, xuất khẩu đứng thứ 4 và nuôi trồng đứng thứ 3 trên thế giới. Từ đó, thủy sản đóng góp 27-28% trong GDP. Năm 2013 thủy sản chiếm gần 50% GDP. “Cái được là đời sống ngư dân được cải thiện, góp phần bảo vệ chủ quyền quốc gia”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Tuy nhiên, ngành thủy sản cũng còn nhiều hạn chế. Theo Thủ tướng, các hạn chế đó là năng lực sản xuất và hiệu quả còn thấp, trong đó 99% tàu gỗ, nhỏ; 90% động cơ cũ, tỉ lệ thất thoát 25-30%. Ngoài ra, thu nhập tăng nhưng nhìn chung cuộc sống của ngư dân còn nhiều khó khăn, 16% dân sống ở các bãi ngang là hộ nghèo (gấp đôi bình quân), vốn để phát triển nghề cá còn thiếu, khoa học kỹ thuật chưa đạt được trình độ thế giới…

Thủ tướng đề nghị các Bộ ngành rà soát lại các chính sách về tín dụng, đóng tàu mới bằng vỏ sắt, cải hoán nâng cấp tàu cũ, đóng tàu hậu cần, hỗ trợ tín dụng cho người đánh bắt và nuôi trồng, thời gian cho vay tăng lên 10 năm.

“Hỗ trợ tối đa, tốt nhất cho ngư dân trong những khuôn khổ chính sách hiện có, đầu tư hạ tầng, rà soát lại nơi neo đậu tàu trú bão, xây dựng cảng cá gắn với dịch vụ hậu cần, hệ thống thông tin để đảm bảo liên lạc an toàn cho ngư dân…”, Thủ tướng phát biểu chỉ đạo.

Công Bính