Thủ tướng: Nâng cao dân trí để công phá “vùng lõi đói nghèo”

(Dân trí) - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phân tích, dù đất nước gặp khó khăn nhưng Chính phủ vẫn trình ra Quốc hội để thông qua chương trình trái phiếu Chính phủ, hỗ trợ xây trường, nâng cao dân trí, góp phần vào việc xóa vùng lõi đói nghèo của Việt Nam…

Đây là một nội dung trả lời của Thủ tướng với câu hỏi chất vấn trực tiếp của đại biểu Quốc hội đặt ra sáng 17/11.

Cụ thể, tại phiên chất vấn của Thủ tướng, đại biểu Cao Thị Xuân (Thanh Hóa) nhậ xét, chủ trương đóng cửa rừng tự nhiên của Thủ tướng đã được xã hội đón nhận rất tích cực. Nhưng cử tri còn băn khoăn về hiệu lực và hiệu quả của chủ trương này. Đại biểu đề nghị Thủ tướng cho biết Chính phủ có giải pháp gì để thực hiện nghiêm túc chủ trương trên, đồng thời giải quyết được đời sống của một bộ phận lớn đồng bào sống phụ thuộc vào rừng?

Mở rộng vấn đề, đại biểu muốn biết Chính phủ có giải pháp gì để thúc đẩy kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc miền núi, giảm di cư tự do, giảm khoảng cách về trình độ phát triển giữa các dân tộc.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại phiên trả lời chất vấn trước Quốc hội sáng 17/11.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại phiên trả lời chất vấn trước Quốc hội sáng 17/11.

Đáp lại câu hỏi của đại biểu, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, chủ trương đóng cửa rừng tự nhiên là cần thiết. Hiện tại nhiều quốc gia đang diễn ra hội nghị bảo vệ động vật hoang dã với chủ trương đóng cửa rừng tự nhiên trên toàn thế giới. Việt Nam đã thực hiện một bước theo chủ trương này. Đây là chủ trương được nhân dân và đảng bộ nhiều địa phương ủng hộ.

Để hiện thực hóa chủ trương này, Thủ tướng cho rằng, cần phải xử lý nghiêm vi phạm; tiếp tục vận động trồng rừng; hạn chế di dân tự do.

Ngoài ra, một biện pháp quan trọng là gắn trách nhiệm của chính quyền địa phương, nơi nào, huyện nào, xã nào, tỉnh nào để xảy ra việc phá rừng tự nhiên đều phải xử lý nghiêm bất cứ lực lượng nào vi phạm.

Vận động để hạn chế người di cư tự do, nhất là vào vùng Tây Nguyên cũng để khống chế mức tối đa nguy cơ phá rừng tự nhiên.

Còn về công tác dân tộc, người đứng đầu Chính phủ phân tích, Việt Nam có 54 dân tộc anh em với 53 dân tộc là người thiểu số. Cả nước có 13 triệu đồng bào dân tộc thiểu số, tỷ lệ đói nghèo của đồng bào dân tộc trên 20%, gấp 3 lần trung bình đói nghèo của cả nước. “Lõi đói nghèo” của Việt Nam nằm ở chính vùng đồng bào các dân tộc thiểu số.

Vì vậy, theo Thủ tướng, cần phải có chính sách cần thiết để xử lý vấn đề này, để nâng cao mức sống cho đồng bào dân tộc. Đó là nhiệm vụ rất quan trọng mà Đảng, Nhà nước quan tâm trong nhiều năm, trong đó cái gốc để giải quyết được xác định là phải tập trung nâng cao dân trí.

“Năm nay thu ngân sách nhà nước gặp nhiều khó khăn nhưng Chính phủ vẫn trình Quốc hội để thông qua chương trình trái phiếu Chính phủ để hỗ trợ xây dựng các trường học ở vùng cao, để nâng cao dân trí, góp phần vào việc xóa vùng lõi đói nghèo của Việt Nam…” – Thủ tướng phát biểu.

Ngoài ra, người đứng đầu Chính phủ cũng nhắc đến yêu cầu phổ biến khoa học, công nghệ, giáo dục xây dựng hạ tầng, vấn đề giữ gìn văn hóa… khi quan tâm đến đồng bào dân tộc. Thủ tướng cho biết, cả nước sẽ tiếp tục triển khai Chương trình 135 ở các huyện đặc biệt khó khăn, chính sách đặc thù của các dân tộc miền núi đã được thực hiện.

Những vùng khó khăn, nhà nước sẽ cho xây dựng các trường học, chế độ với học sinh dân tộc bán trú đang được áp dụng là cấp không 15 kg gạo, trả tiền cho cấp dưỡng để lo ăn uống cho trẻ đến trường. Tại các trường nội trú dân tộc, nhà nước 460.000 đồng/tháng, chi trả tiền thuê nhà ở cho trẻ đi học, về cơ bản là nhà nước nuôi hoàn toàn để có nguồn nhân lực trong tương lai cho các vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Thủ tướng cũng nhấn mạnh giải pháp đưa khoa học công nghệ lên vùng núi, vùng xa, vùng cao. Cùng với chính sách nâng cao dân trí, đây được xác định là biện pháp cần thiết cho giảm nghèo bền vững đối với vùng đồng bào dân tộc.

PV