Thủ tướng: Đất tốt dành cho đối tác, đất xấu đẩy... cho dân
(Dân trí) - Nói về việc giải quyết vấn đề đất và nước cho Tây Nguyên, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo tăng cường liên kết vùng, tránh tình trạng “đèn nhà ai, nhà nấy rạng”. Thủ tướng cũng đề cập hiện tượng đất tốt thì nông, lâm trường dành cho “đối tác”, đất xấu thì đẩy cho người dân…
Chiều ngày 20/6, tại thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đăk Lăk, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có buổi giao ban với các tỉnh Tây Nguyên về tình hình kinh tế-xã hội, bảo đảm an ninh quốc phòng vùng Tây Nguyên, tập trung vào vấn đề nước và rừng. Tham dự cuộc giao ban có các thành viên Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, lãnh đạo của 16 Bộ, 5 tỉnh Tây Nguyên.
Phát biểu tại cuộc họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng với vị trí chiến lược quan trọng, Tây Nguyên luôn được Đảng, Nhà nước dành sự quan tâm đặc biệt, giúp vùng có bước phát triển ngoạn mục thời gian qua. Tuy nhiên, các địa phương trong vùng không thể chủ quan, cần nhìn rõ hạn chế, yếu kém để khắc phục.
Về vấn đề đất và nước, Thủ tướng nhấn mạnh đây là những vấn đề rất quan trọng đối với Tây Nguyên để người dân có sinh kế lâu dài.
Thủ tướng yêu cầu các tỉnh Tây Nguyên phải thực hiện tốt các chương trình Trung ương đã ban hành như Nghị định 75 của Chính phủ về rừng và đất rừng, chương trình nước sạch, đất sản xuất, đất ở; tháo gỡ các “điểm nghẽn” để thu hút vốn đầu tư, với tinh thần lấy người dân, doanh nghiệp là trọng tâm phát triển.
Còn với nước, một vấn đề lớn với Tây Nguyên trong bối cảnh biến đổi khí hậu, sa mạc hóa, nhất là hiện tượng El Nino thời gian vừa qua, Thủ tướng cho rằng cần nghiên cứu lại, từ điều tra cơ bản nguồn nước, lập quy hoạch các hồ chứa nước, những công trình phục vụ phát triển Tây Nguyên, nếu không chúng ta sẽ thất bại, kể cả áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật mới về tưới nhỏ giọt, tưới phun ở những vùng sản xuất tập trung.
Thủ tướng yêu cầu hoàn thiện quy hoạch kinh tế - xã hội, quy hoạch ngành, lĩnh vực vùng Tây Nguyên để đề xuất, sửa đổi, bổi sung, ban hành mới cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ đặc thù phát triển vùng. Nghiên cứu đề xuất chủ trương về tổ chức hoạt động điều phối liên kết vùng, tránh tình trạng “đèn nhà ai, nhà nấy rạng”.
Tập trung thực hiện tái cơ cấu kinh tế, nhất là tái cơ cấu nông nghiệp, gắn với xây dựng nông thôn mới, có kế hoạch hành động triển khai Nghị quyết 19, 35 về cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển; tận dụng tối đa các lợi ích từ các hiệp định thương mại tự do. Từ nay đến năm 2020, đẩy mạnh thực hiện chương trình tái canh cây cà phê, một đặc sản, thế mạnh của Tây Nguyên. Các tỉnh Tây Nguyên cần thực hiện nghiêm công tác quản lý, bảo vệ, phục hồi và phát triển rừng bền vững; tập trung chỉ đạo tiếp tục sắp xếp, đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động các nông, lâm trường, không để xảy ra tình trạng như người dân phản ánh là đất tốt thì nông, lâm trường dành cho “đối tác”, trong khi đất xấu thì đẩy cho người dân.
Quang cảnh Hội nghị.
Nhấn mạnh phát triển kinh tế đi đôi với đảm bảo an sinh xã hội, Thủ tướng lưu ý các tỉnh trong vùng thực hiện tốt việc duy trì, bảo tồn và xúc tiến hoạt động văn hóa, duy trì truyền thống đậm đà bản sắc các dân tộc Tây Nguyên để Tây Nguyên luôn là điểm đến hấp dẫn của khách du lịch và bạn bè trong nước và quốc tế. Thủ tướng yêu cầu các tỉnh Tây Nguyên phải phát huy tinh thần tự lực, tự cường, phải tự giàu lên từ chính mảnh đất của mình.
Thủ tướng nêu rõ, Tây Nguyên cần phấn đấu mạnh mẽ, quyết liệt hơn, cùng với cả nước hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu đề ra cho năm 2016.
Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, hiện nông, lâm nghiệp chiếm 80% cơ cấu kinh tế toàn vùng Tây Nguyên. Tuy trong 6 tháng đầu năm nay, các tỉnh Tây Nguyên đối mặt với khô hạn kéo dài, khiến sản xuất nông nghiệp thiệt hại 5.400 tỷ đồng, hàng chục nghìn hecta cà phê và lúa mất trắng, kinh tế Tây Nguyên cũng có những điểm sáng như tăng trưởng kinh tế đạt 6%. Toàn vùng có 80 xã được cấp tỉnh công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, có 1 huyện là Đơn Dương của tỉnh Lâm Đồng được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.
P.T