Thông qua chiến lược phát triển bền vững các biển Đông Á
(Dân trí) - Chiều 20/11, trong khuôn khổ Đại hội biển Đông Á, các Bộ trưởng và Trưởng đoàn đại biểu các nước đã cùng nhau ký kết, thông qua Thỏa thuận Đà Nẵng với các mục tiêu quan trọng cho 5 năm tới.
Thỏa thuận Đà Nẵng đặt ra bốn mục tiêu cho mỗi quốc gia để đạt được các tiến bộ trong 5 năm tiếp theo, cụ thể là: Đến năm 2017, Chương trình Đối tác khu vực trong quản lý môi trường các biển Đông Á (PEMSEA) sẽ trở thành một tổ chức tự duy trì và sẽ quản lý, điều phối các nguồn lực, các kết quả, dịch vụ và cơ chế tài chính để thúc đẩy thực hiện Chiến lược phát triển bền vững các biển Đông Á (SDS-SEA), ở cấp khu vực, quốc gia và địa phương.
Đến năm 2018 có được một Hệ thống báo cáo khu vực về đại dương và vùng bờ phục vụ theo dõi tiến độ, các tác động, lợi ích và sẽ tiếp tục cải tiến quy hoạch và quản lý việc thực hiện SDS-SEA.
Đến năm 2021, dựa trên các thông tin khoa học tốt nhất, sẽ xây dựng và triển khai thực hiện được các chính sách biển và vùng bờ biển quốc gia, hỗ trợ xây dựng luật pháp, soạn thảo thể chế tại 100% các nước đối tác PEMSEA, phù hợp với các cam kết phát triển bền vững môi trường quốc tế.
Đến năm 2021, các chương trình quản lý tổng hợp vùng bờ biển nhằm phát triển bền vững các vùng biển và vùng bờ biển sẽ được mở rộng để thực hiện tại ít nhất 25% đường bờ biển của khu vực và các lưu vực sông liền kề.
Bộ trưởng và Trưởng đoàn các nước khẳng định, các mục tiêu đặt ra trong Thỏa thuận Đà Nẵng là đầy tham vọng và sẽ phải vượt qua rất nhiều thách thức để có thể đạt được. Trong đó, mục tiêu 1 là rất cần thiết để đảm bảo tăng cường phối hợp và hợp tác giữa các quốc gia và các bên liên quan để phát triển bền vững khu vực. Để tiếp tục có được những hỗ trợ từ PEMSEA, các quốc gia sẽ tiếp tục ủng hộ PEMSEA để đạt được mục tiêu này.
Khánh Hồng