Thời đại người máy càng phải gìn giữ truyền thống dân tộc, bản sắc Việt Nam
(Dân trí) - Tiếp xúc các đại biểu Quốc hội, cử tri Hoàng Thị Hoa đặt vấn đề các hiện tượng tha hóa, suy đồi đạo đức ngày càng phổ biến - đó là nỗi đau của một dân tộc có đến 4.000 năm văn hiến như nước ta. Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân đồng tình: “Lo lắng đạo đức xã hội xuống cấp lúc này là rất đúng!”.
Làm sao để vực dậy đạo đức xã hội?
Chiều 18/10, Đoàn Đại biểu Quốc hội TPHCM đơn vị 1 gồm Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân cùng các đại biểu Văn Thị Bạch Tuyết, Lâm Đình Thắng và Ngô Tuấn Nghĩa đã có buổi tiếp xúc cử tri quận 4 (TPHCM) trước kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV.
Trong buổi tiếp xúc này có 11 cử tri được phát biểu ý kiến trực tiếp tại hội trường về nhiều vấn đề tồn tại ở địa phương như giải phóng mặt bằng, ngập nước, đầu tư công, phòng chống tham nhũng... Trong đó, giáo dục là ngành mà các cử tri đề cập nhiều nhất.
Cử tri Hoàng Thị Hoa đề cập đến 1 vấn nạn đang gây nhiều nhức nhối trong dư luận xã hội, đó là đạo đức xã hội đang xuống cấp trầm trọng với nhan nhản sự việc tiêu cực, kinh tởm đối với đạo đức làm người. Bà nói: “Tôi thấy xã hội suy hoá, đạo đức xuống cấp. Đó là nỗi đau của một dân tộc, của một đất nước có 4.000 năm văn hiến! Chúng ta phải làm gì, làm sao để vực dậy đạo đức xã hội?”.
Theo bà, tình trạng này xảy ra có nhiều nguyên nhân, nhưng trong đó không né tránh được trách nhiệm của ngành giáo dục, bởi đây là thiết chế cơ bản để giáo dục đạo đức cho con người khi họ còn ở trên ghế nhà trường. Đồng thời, bà cũng đề nghị các ngành chức năng chú ý đến công tác tuyên truyền, phản biện lại các tin tức giả mạo trái đạo đức lan truyền trên mạng xã hội mà không được kiểm chứng vì nó đang góp phần làm cho người ta cảm thấy xã hội tiêu cực, thiếu đạo đức. Bà nói: “Cần truyền thông đến người dân kịp thời, chính xác, tránh hoang mang!”.
Ý kiến của cử tri Hoàng Thị Hoa được đông đảo cử tri đồng tình và cả hội trường vỗ tay hoan nghênh. Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân đồng tình: “Lo lắng về đạo đức xã hội xuống cấp lúc này là rất đúng! Vấn đề đạo đức xã hội đã được đặt ra từ rất lâu, đó là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị. Chúng ta sẽ phải cùng nhau bàn bạc và khắc phục những điều đó”.
Đồng thời, Bí thư Nguyễn Thiện Nhân đề cao vấn đề gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc để chống lại các tác hại xấu, tiêu cực, làm xói mòn đạo đức xã hội.
Ông nói: “Mặc dù thời đại internet, thời đại người máy rồi, nhưng những mối quan hệ giữa người với người, mối quan hệ gia đình, đồng nghiệp, những nét đẹp của dân tộc chúng ta phải giữ. Chúng ta đã đổi mới theo kinh tế thị trường được hơn 40 năm rồi, có nhiều điều mới lạ chúng ta phải học, học để làm sao chung sống được với cơ chế thị trường, vừa giữ được bản sắc của người Việt Nam, truyền thống dân tộc!”.
Ông cũng nhận định ngành giáo dục có trách nhiệm rất lớn để giữ gìn truyền thông dân tộc. Ông nói: “Giáo dục đại học không chỉ là đào tạo ra con người biết kiếm tiền mà phải đào tạo con người vừa biết kiếm tiền, vừa biết làm cho mọi người xung quanh mình được hạnh phúc”.
Không cấm dạy thêm nhưng phải kiểm soát
Phát biểu tại hội trường, cử tri Đặng Kiều Anh Thư (phường 16) thì bức xúc về vấn đề dạy thêm - học thêm tràn lan. Bà nói: “Trước đây dạy thêm, học thêm chỉ có ở bậc trung học; nay kéo đến cả bậc tiểu học. Nó khiến trẻ phải học suốt ngày đêm, không có thời gian vui chơi, phụ huynh phải tốn kém tiền học phí”.
Từ đó, bà Anh Thư góp ý ngành giáo dục cần có biện pháp để hạn chế tình trạng này. Trong đó, bà kiến nghị chế tài xử phạt phải mạnh hơn, quy định rõ trách nhiệm của người đứng đầu khi để xảy ra vấn nạn dạy thêm - học thêm trong trường của mình... Đồng thời, bà cũng đề nghị cần nghiên cứu nâng cao mức lương cho giáo viên để đảm bảo cuộc sống, không phải vì mưu sinh mà tìm mọi cách để dạy thêm.
Cử tri Dương Ngọc Huệ (phường 2) cũng đồng tình là cần có chính sách thu hút người tài, người có tâm vào ngành giáo dục, nhất là về chế độ lương bổng và nhà ở cho giáo viên. Có như vậy mới thu hút được người giỏi tham gia sự nghiệp trồng người và hạn chế các tiêu cực.
Ngoài ra, bà Huệ cũng góp ý về quy định xử phạt trong ngành giáo dục. Bà nói: “Tôi thấy nên xem xét lại điều 32 của nghị định xử phạt hành chính trong giáo dục. Học sinh được xem như “nhất quỷ nhì ma, thứ ba học trò”. Đôi khi các em có ứng xử không đúng mực với thầy cô. Còn thầy cô cũng có áp lực cơm áo, gạo tiền, nhiều khi cũng phản ứng không đúng nhưng xử phạt mấy chục triệu là quá nặng”.
Theo bà Huệ, hiện đã có luật Viên chức quy định đầy đủ chế tài xử lý các hành vi sai phạm của giáo viên như thế nào. Do đó, nên xem lại điều 32 nghị định xử phạt hành chính trong giáo dục có cần thiết hay không.
Bà nhấn mạnh: “Học sinh bị phạt 1 roi, giáo viên bị phạt vài chục triệu đồng. Như vậy vô hình chung làm giáo viên thui chột với nghề. Tôi đề nghị cần xem xét lại điều này, để câu nói “mỗi ngày đến trường là 1 ngày vui” không chỉ dành cho học sinh, mà còn là dành cho giáo viên!”.
Về dạy thêm - học thêm, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân cho rằng: “Chúng ta không khuyến khích dạy thêm - học thêm mà khuyến khích làm sao việc dạy ở trường hiệu quả. Nhưng thực tế nhiều phụ huynh vẫn muốn cho con mình học thêm để nâng cao kiến thức, trình độ. Người ta có nhu cầu nên xã hội đáp ứng. Việc cần làm là làm sao để dạy thêm - học thêm không thành biến tướng, không dạy thêm học sinh của chính lớp mình, phải có sự kiểm soát, phải dạy ở nơi đăng ký rõ ràng... Qua đây, nếu phụ huynh nào thấy có hiện tượng dạy thêm - học thêm tiêu cực, không đúng thì phản ánh cho thành phố”.
Bí thư Nhân cũng lấy ví dụ ở 1 đất nước có nền giáo dục tiên tiến mà ông từng có dịp tham quan là Phần Lan cũng có dạy thêm - học thêm. Ông cho biết: “Giáo viên dạy thêm ngay trong trong trường, chuyên dạy cho các học sinh yếu kém và phụ huynh không tốn kém gì cả!”.
Còn về nghị định xử phạt hành chính trong giáo dục, theo Bí thư Nhân, quy định này chủ yếu là để bảo vệ sức khỏe, phẩm giá cho giáo viên vì chính giáo viên đôi khi cũng bị xúc phạm, cần bảo vệ... chứ không phải được đặt ra để xử phạt giáo viên. Tuy nhiên, về điều 32 của nghị định này, ông cũng tiếp thu: “Chúng tôi sẽ tiếp thu ý kiến của cử tri, nghiên cứu lại và đề xuất Quốc hội xem xét”.
Tùng Nguyên - Nguyễn Quang