Thi tốt nghiệp THPT: Tốn kém chỉ để lọc bỏ 2% học sinh trượt?
(Dân trí) - Cách thức tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT một lần nữa trở thành vấn đề làm nóng phiên thảo luận về luật Giáo dục (sửa đổi) tại UB Thường vụ Quốc hội chiều 8/8.
Gợi ý thảo luận về dự án luật, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng nhắc đến sự cố sai phạm liên tiếp được phát hiện trong kỳ thi chung quốc gia vừa qua. Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh: “Việc đó để lại cho chúng ta nhiều điều đáng phải suy nghĩ về thực trạng vấn đề thi cử như vậy. Vậy thì dự thảo luật soạn ra đã thấu đáo chưa?”.
Thi tốt nghiệp trung học phổ thông là vấn đề lớn được UB Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng (cơ quan chủ trì thẩm tra, giải trình, chỉnh lý dự án luật) nêu ra.
Cụ thể, lãnh đạo UB này phân tích, luật Giáo dục hiện hành quy định: học sinh học hết chương trình trung học phổ thông, có đủ điều kiện theo quy định thì được dự thi, nếu đạt yêu cầu thì được cấp bằng tốt nghiệp trung học phổ thông.
Về vấn đề này có 2 loại ý kiến. Ý kiến thứ nhất cho rằng việc tổ chức kỳ thi để cấp bằng tốt nghiệp trung học phổ thông là cần thiết để đánh giá mức độ đạt chuẩn giáo dục của học sinh, cung cấp dữ liệu quốc gia cho việc nghiên cứu, xây dựng, điều chỉnh chính sách giáo dục và là nguồn thông tin tham khảo cho các cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp tổ chức tuyển sinh.
Kỳ thi này còn có ý nghĩa cung cấp chứng nhận hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông cho mục địch liên thông và hội nhập hệ thống giáo dục quốc tế. Việc tổ chức thi do Chính phủ quyết định phù hợp với yêu cầu và trình độ phát triển kinh tế - xã hội từng thời kỳ.
Ý kiến thứ hai đề xuất không tổ chức thi mà nên xét và cấp bằng tốt nghiệp trung học phổ thông để phù hợp với mục tiêu, tính chất của cấp học này; tương thích với xu hướng đổi mới đánh giá theo quá trình; giảm áp lực, tốn kém do thi cử mang lại. Điều chỉnh này cũng tạo điều kiện tốt hơn đối với các trường hợp người học theo học trình độ trung cấp ở các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, có tích lũy khối lượng kiến thức văn hóa trung học phổ thông theo quy định được học lên các trình độ cao hơn.
Thường trực UB Văn hoá, Giáo dục ủng hộ ý kiến thứ nhất.
Đề nghị trưng cầu ý dân về thi tốt nghiệp THPT
Tham gia ý kiến về vấn đề này, Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải đặt vấn đề, tổ chức thi tốt nghiệp THPT mà đến 98-99% học sinh đỗ, chỉ khoảng 2%, tức cứ 1 triệu người dự thi mới lọc ra được 200 em không đủ điều kiện tốt nghiệp, phải đánh trượt thì quá tốn kém, lãng phí. Theo bà Hải, nếu vì mục đích đó thì việc xét tốt nghiệp, xét cả quá trình học phổ thông cũng có thể lọc được.
“Tuy nhiên, nếu không tổ chức thi tốt nghiệp thì việc dạy và học của học sinh như thế nào? Bộ Giáo dục có dám khẳng định không thi nhưng chất lượng dạy – học vẫn đảm bảo như thi không? Bỏ thi thì việc dạy và học có được nghiêm túc như hiện nay nữa không? Việc kiểm tra thanh tra, kiểm soát chất lượng giảng dạy, đầu vào có đảm bảo được không?” – bà Hải nêu các câu hỏi giả định.
Về kỳ thi chung “2 trong 1” đang tổ chức, Trưởng ban Dân nguyên phân tích, nguồn gốc kỳ thi này là từ đánh giá, kỳ thi đại học luôn được đánh giá là kỳ thi nghiêm túc nhất trong mọi hoạt động thi cử tại Việt Nam nhưng lại không được coi là kỳ thi quốc gia vì thi đại học là do mỗi trường đại học tự tổ chức. Vì thế, việc gộp kỳ thi đại học vào thi THPT, mục đích là để đem tinh thần nghiêm túc của kỳ thi đại học vào kỳ thi quốc gia.
“Nhưng cách thức tổ chức kỳ thi chung thì không còn là các trường đại học tự tuyển lựa học sinh cho mình nữa mà phải nhờ vào các địa phương. Và thực tế, kỳ thi đại học không tạo được ảnh hưởng tích cực sang kỳ thi phổ thông mà ngược lại, ảnh hưởng theo hướng tiêu cực, dẫn đến việc “nắn chỉnh” kết quả kỳ thi phổ thông vì mục đích nhắm vào đại học” – bà Hải nói.
Trưởng ban Dân nguyện bày tỏ: “Cách thức tổ chức thì như này tôi rất băn khoăn. Cử tri cũng có nhắn tin trao đổi với tôi nhiều vì tôi cũng từng là “người trong ngành”. Từ đó, tôi thấy còn phương án khác có thể xem xét là tổ chức 2 kỳ thi, vẫn thi tốt nghiệp phổ thông và nguồn điểm đó dùng để tham khảo cho các trường đại học, coi như đó là mức điểm sàn để sàng lọc thí sinh vào trường từ ban đầu”.
Bà Hải cho rằng cần thận trọng, nghiêm túc và có thêm thời gian để lấy ý kiến cử tri trong việc làm luật giáo dục, nhất xây dựng quy định về thi tốt nghiệp phổ thông.
Tán thành quan điểm này, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc phân tích, việc thi tốt nghiệp phổ thông vừa qua đang để lại nhiều vấn đề cần phải giải quyết, xử lý, kết cả về việc vi phạm pháp luật. Tiếp xúc cử tri cũng cho thấy 2 luồng ý kiến, có nên tổ chức thi chung không hay tiến hành cấp tín chỉ cho các học sinh học tiếp lên hoặc trong quá trình đó có thể rẽ ngang.
“Thi mà giao cho địa phương như thế này thì có nhiều phức tạp. Vấn đề này liên quan đến rất nhiều đối tượng, cần thận trọng, phải xin ý kiến chuyên gia thêm thời gian nữa để cho chắc chắn chứ nếu thông qua luật vào kỳ họp thứ 6 (tháng 10 năm nay- PV) quyết thì hơi sớm, chưa đủ chín. Tôi cho là nên lắng nghe tiếp, chưa quyết vội, chúng ta bàn thêm một kỳ nữa, đến kỳ họp thứ 7 chẳng hạn, để Chính phủ có điều kiện nghe thêm rồi trình luật cho chắc chắn” – ông Phúc nêu quan điểm.
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến đề nghị trưng cầu ý dân về vấn đề thi tốt nghiệp phổ thông để khi Quốc hội quyết định có sự đồng thuận của người dân, đồng thời cũng có thêm cơ sở khoa học, con số đo đếm cụ thể.
P.Thảo