Tham nhũng vặt và hối lộ trong khu vực công tăng

(Dân trí) - Phát hiện của PAPI cho thấy tham nhũng vặt và hối lộ là những vấn đề còn thường trực ở nhiều lĩnh vực. Người dân đánh giá hiện trạng tham nhũng vặt có chiều hướng gia tăng.

Sáng 2/7, tại Đà Nẵng, Viện Nghiên cứu lập pháp tổ chức giới thiệu ấn phẩm “Báo cáo chỉ số quản trị và hành chính công (PAPI) năm 2013” do Chương trình phát triển Liên hiệp quốc cùng Trung tâm Nghiên cứu và đào tạo thuộc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Trung tâm nghiên cứu hỗ trợ và phát triển cộng đồng thực hiện.
 
Chỉ số PAPI là công cụ theo dõi, đánh giá chính sách của Việt Nam trong giai đoạn chuyển đổi để trở thành quốc gia có mức thu nhập trung bình bậc trung; là tiếng nói của người dân Việt Nam xuất phát từ trải nghiệm tương tác với các cấp chính quyền và sử dụng dịch vụ công. PAPI đo lường trải nghiệm của người dân với việc thực thi chính sách, pháp luật, quy định của các cấp chính quyền địa phương ở 6 nội dung chính (hay còn gọi là trục nội dung): tham gia của người dân ở cấp cơ sở; công khai, minh bạc; trách nhiệm giải trình với người dân; kiểm soát tham nhũng; thủ tục hành chính công và cung ứng dịch vụ công.
Tham nhũng vặt và hối lộ trong khu vực công tăng
Hội thảo giới thiệu “Báo cáo chỉ số quản trị và hành chính công (PAPI) năm 2013” diễn ra sáng 2/7, tại Đà Nẵng

Phát hiện của PAPI cho thấy tham nhũng vặt và hối lộ là những vấn đề còn thường trực ở nhiều lĩnh vực. Người dân đánh giá hiện trạng tham nhũng vặt có chiều hướng gia tăng. Người trả lời đồng tình với những nhận định cho nhiều người phải đưa hối hộ, “lót tay”: khi xin việc vào khu vực Nhà nước (44% số lượng người trả lời đồng tình với nhận định này trong năm 2012, tăng đáng kể so với tỷ lệ 29% trong năm 2011); khi đi khám, chữa bệnh ở bệnh viện công tuyến huyện (tỷ lệ người đồng tình với nhận định này là 42% trong năm 2012, tăng so với 31% trong năm 2011); khi làm thủ tục xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (tỷ lệ người trả lời đồng ý với nhận định này là 32% trong năm 2012, tăng so với 21% trong năm 2011).
Hiện tượng phải đưa lót tay để xin việc làm trong cơ quan Nhà nước rất phổ biến trên toàn quốc. Trung bình trên cả nước chỉ có 39,07% số người trả lời cho biết không có hiện tượng “lót tay chạy việc”.
Tuy nhiên, phạm vi và quy mô đòi hối lộ, nhũng nhiễu dường như chưa được phản ánh đầy đủ. Người dân lựa chọn không tố giác do cái giá phải trả cho việc tố giác lớn hoặc do chưa tin tưởng vào hệ thống pháp luật phòng, chống tham những hiện nay có thể bảo vệ họ. Mức độ chịu đựng hối lộ, tham nhũng vặt là tương đối lớn, cho thấy hiện tượng người dân chủ động thực hiện hành vi đưa hối lộ để lách những thủ tục hành chính rườm rà với hy vọng nhận được chất lượng dịch vụ công tốt hơn.
Ngoài hiện tượng “lót tay”, “vị thân” trong tuyển dụng công chứng, viên chức, thậm chí ở cả vị trí thấp nhất trong hệ thống chính quyền cũng rất phổ biến.
Đa số người dân cho rằng quan hệ thân quen với người có chức có quyền là yếu tố quan trọng khi xin việc vào khu vực Nhà nước. Chỉ có 1/4 người được hỏi cho biết quan hệ thân quen là không quan trọng. Gần 50% số người được hỏi cho biết quan hệ thân quen là quan trọng hoặc rất quan trong và khoảng 1/4 còn lại trả lời họ không biết.

Khánh Hồng