Bạc Liêu:
Tham nhũng "vặt" còn diễn ra ở nhiều nơi
(Dân trí) - Báo cáo công tác phòng, chống tham nhũng 6 tháng đầu năm 2017 của tỉnh Bạc Liêu cho thấy, tình trạng sách nhiễu, gây phiền hà ở một bộ phận công chức, viên chức vẫn còn diễn ra ở một số đơn vị, địa phương.
Dự thảo báo cáo về công tác phòng, chống tham nhũng 6 tháng đầu năm 2017 của tỉnh Bạc Liêu tại kỳ họp lần thứ 4 - HĐND tỉnh Bạc Liêu khóa IX diễn ra từ ngày 13-14/7, cho biết, số người kê khai tài sản, thu nhập trong năm là 4.911 người. Tuy nhiên, đến nay chưa thực hiện việc xác minh tài sản, thu nhập của các đối tượng kê kai nên chưa phát hiện trường hợp không trung thực trong minh bạch tài sản, thu nhập.
Trong 6 tháng đầu năm 2017, ngành Thanh tra tỉnh Bạc Liêu đã tổ chức 30 cuộc thanh tra theo kế hoạch và đột xuất tại 32 địa phương, đơn vị trong các lĩnh vực, như: Công tác quản lý đầu tư, xây dựng cơ bản; quản lý, sử dụng tài chính, ngân sách, mua sắm công;… Qua đó, ngành Thanh tra đã phát hiện 9 đơn vị vi phạm với số tiền trên 3,3 tỷ đồng; kiến nghị thu hồi hơn 2,3 tỷ đồng; khắc phục, chấn chỉnh 926 triệu đồng; đã thu hồi được hơn 1,8 tỷ đồng (đạt tỷ lệ 78,4%).
Cũng trong 6 tháng đầu năm 2017, cơ quan công an tiếp tục điều tra 2 vụ có liên quan đến “Tham ô tài sản” xảy ra tại Ban quản lý dự án xây dựng dân dụng & công nghiệp tỉnh Bạc Liêu và Trường Trung cấp Văn hóa – Nghệ thuật Bạc Liêu.
TAND tỉnh cũng thụ lý 3 vụ án, với 6 bị cáo có liên quan đến hành vi tham nhũng, gồm: Vụ “Lạm quyền trong thi hành công vụ” tại Ngân hàng Navibank chi nhánh Cần Thơ và Công ty Xổ số Bạc Liêu, với 3 bị cáo; vụ “Tham ô tài sản” tại Ban quản lý dự án xây dựng dân dụng & công nghiệp Bạc Liêu, với 1 bị cáo; vụ “Tham ô tài sản” xảy ra tại Bưu điện huyện Đông Hải, với 2 bị cáo.
Theo UBND tỉnh Bạc Liêu, qua công tác 6 tháng đầu năm 2017 cho thấy, hoạt động thanh, kiểm tra đã phát hiện nhiều sai phạm, việc xử lý sau thanh tra có hiệu quả hơn trước đã góp phần chấn chỉnh hạn chế, thiếu sót trong quản lý và phòng ngừa tham nhũng. Các vụ án tham nhũng được xử lý nghiêm minh đã góp phần làm cho tình hình tham nhũng, lãng phí ở một số lĩnh vực được kiềm chế và có xu hướng giảm đã tạo lòng tin trong nhân dân.
Tuy nhiên, UBND tỉnh Bạc Liêu cũng đánh giá, việc tự kiểm tra để phát hiện tham nhũng ở một số cơ quan, đơn vị, địa phương còn hạn chế; việc phát hiện tham nhũng chủ yếu qua dư luận xã hội, đơn thư tố cáo, báo chí phản ánh hoặc khi cơ quan chức năng thực hiện việc thanh tra thì mới phát hiện sai phạm.
Tình trạng vô cảm, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp vẫn còn diễn ra ở một số nơi; một số cán bộ lãnh đạo, quản lý còn thiếu gương mẫu trong thực hành, tiết kiệm, chống lãng phí, chưa phát huy vai trò trách nhiệm trong đấu tranh, ngăn chặn hành vi tham nhũng ở đơn vị, địa phương mình.
UBND tỉnh Bạc Liêu cho rằng, đội ngũ cán bộ làm công tác phòng, chống tham nhũng tuy trình độ chuyên môn, nghiệp vụ đã được nâng lên nhưng vẫn chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ do đối tượng có hành vi tham nhũng thường là những người có chức vụ, quyền hạn, nhiều thủ đoạn để che giấu hành vi phạm tội.
Trong khi đó, một số người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương vẫn còn biểu hiện nói chưa đi đôi với làm; còn nể nang, né tránh trách nhiệm nên có tình trạng nương nhẹ trong xử lý cán bộ, công chức sai phạm thuộc quyền quản lý.
UBND tỉnh Bạc Liêu dự báo, tình hình tham nhũng vẫn còn diễn biến khá phức tạp, luôn là những tiềm ẩn với những thủ đoạn ngày càng tinh vi, khó phát hiện. Tình trạng sách nhiễu, gây phiền hà (tham nhũng vặt) ở một bộ phận công chức, viên chức vẫn còn diễn ra ở một số đơn vị, địa phương.
“Tham nhũng, lãng phí trong quản lý, sử dụng đất đai và đầu tư xây dựng cơ bản; quản lý và sử dụng tài chính, ngân sách, vốn tài sản Nhà nước tại một số cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp gây dư luận bức xúc”, báo cáo của UBND tỉnh Bạc Liêu nêu rõ.
Huỳnh Hải