Tăng cường kết nối và hợp tác phát triển bền vững giữa ba nền kinh tế Campuchia-Lào-Việt Nam

(Dân trí) - Sau 2 ngày làm việc, hội nghị cấp cao khu vực tam giác phát triển Campuchia-Lào-Việt Nam lần thứ 9 (CLV 9) diễn ra tại thành phố Siem Reap, Campuchia, đã kết thúc vào ngày 24-11-2016. Tham dự hội nghị lần này có Thủ tướng ba nước Campuchia, Lào và Việt Nam. Đoàn Việt Nam do Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc dẫn đầu tham dự hội nghị.

* Tăng cường kết nối giữa ba nền kinh tế

Hội nghị đánh giá cao những kết quả hợp tác đạt được giữa ba nước trong các lĩnh vực thương mại, đầu tư, du lịch, nông nghiệp, giao lưu nhân dân. Nhờ sự nỗ lực của ba nước, Tam giác phát triển Campuchia-Lào-Việt Nam từ khu vực khó khăn đã trở thành khu vực có tiềm năng phát triển kinh tế, đời sống người dân và an sinh xã hội được cải thiện rõ rệt. Điển hình là trường hợp của Campuchia, khi bắt đầu tham gia Khu vực Tam giác phát triển Campuchia-Lào-Việt Nam, thu nhập bình quân đầu người chỉ là 294 USD/người/năm, thì nay đã là 1.300 USD/người/năm.

Tại hội nghị, các nhà lãnh đạo đã trao đổi về tình hình và triển vọng của Khu vực Tam giác phát triển Campuchia-Lào-Việt Nam và vai trò của hợp tác CLV đối với sự phát triển của mỗi nước. Các nhà lãnh đạo khẳng định cam kết thúc đẩy hợp tác CLV trên cơ sở quan hệ hữu nghị truyền thống, láng giềng tốt đẹp, cùng có lợi, đoàn kết và hiểu biết lẫn nhau. Các nhà lãnh đạo cũng khẳng định quyết tâm hợp tác hướng tới phát triển bền vững và bao trùm tại khu vực CLV, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân và phối hợp cùng các nước ASEAN khác hiện thực hóa Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025.

Về định hướng hợp tác trong thời gian tới, các nhà lãnh đạo nhất trí tăng cường kết nối giữa 3 nền kinh tế cả về hạ tầng cứng, hạ tầng mềm và giao lưu nhân dân. Trên tinh thần đó ba nước tiếp tục phối hợp chặt chẽ về kinh tế, đầu tư, đồng thời duy trì an ninh chính trị, hòa bình, ổn định biên giới, tạo nền tảng thuận lợi cho thúc đẩy hợp tác văn hóa, giáo dục và nhất là lĩnh vực du lịch. Ba nhà lãnh đạo cũng thống nhất phối hợp chặt chẽ thực hiện thành công các mục tiêu Thiên niên kỷ đến năm 2030 của Liên hợp quốc; trong đó, lưu ý đến vấn đề bảo vệ môi trường, quản lý sử dụng nguồn nước và các nguồn tài nguyên thiên nhiên khác.

Hội nghị ghi nhận những kết quả đạt được trong việc xây dựng Kế hoạch hành động Kết nối 3 nền kinh tế Campuchia-Lào-Việt Nam đến năm 2030 và giao Ủy ban điều phối chung tiếp tục hoàn thiện tài liệu quan trọng này để sớm đưa vào thực hiện. Nhằm phát huy tiềm năng của 13 tỉnh biên giới Campuchia-Lào-Việt Nam, hội nghị nhất trí giao Bộ Nông nghiệp ba nước phối hợp xây dựng Kế hoạch phát triển ngành công nghiệp cao su và giao Ủy ban điều phối chung xây dựng Quy hoạch phát triển ngành du lịch khu vực Tam giác phát triển CLV.

Ngoài ra, các nhà lãnh đạo cũng khẳng định cam kết mạnh mẽ đối với việc bảo vệ môi trường, sử dụng và quản lý bền vững các nguồn tài nguyên thiên nhiên, trong đó có tài nguyên nước và rừng; nhất trí triển khai các chương trình hợp tác về khí tượng thủy văn, thích ứng và giảm tác động của biến đổi khí hậu, quản lý nguồn nước. Để bảo đảm an ninh và an toàn cho doanh nghiệp và người dân, trong thời gian tới, hợp tác rà phá bom, mìn và đấu tranh phòng, chống buôn bán ma túy, buôn người, khủng bố, các loại tội phạm xuyên quốc gia sẽ tiếp tục được đẩy mạnh. Các nhà lãnh đạo cũng kêu gọi sự tham gia tích cực hơn của cộng đồng doanh nghiệp và các đối tác phát triển vào các dự án hợp tác CLV; thống nhất tăng cường phối hợp với các cơ chế hợp tác tiểu vùng Mê Kông.

Kết thúc Hội nghị, Thủ tướng 3 nước Campuchia, Lào, Việt Nam đã ký kết Tuyên bố chung của Hội nghị cấp cao CLV 9, thông qua danh sách 15 dự án ưu tiên của khu vực Tam giác phát triển CLV để phối hợp vận động đầu tư từ các đối tác phát triển và chứng kiến Lễ ký “Hiệp định xúc tiến và tạo thuận lợi thương mại trong khu vực TGPT CLV”.

Các nhà lãnh đạo nhất trí tổ chức Hội nghị cấp cao CLV 10 tại Việt Nam vào năm 2018.

* Việt Nam tích cực đóng góp vào sự phát triển của Tam giác CLV

Tham dự hội nghị cấp cao CLV 9, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có bài phát biểu tại hội nghị, khẳng định tầm quan trọng của hợp tác CLV trong xây dựng và triển khai các chính sách phát triển kinh tế, đồng thời bảo đảm an ninh, ổn định xã hội và sự ấm no, hạnh phúc của người dân 3 nước.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, quan điểm chung của ba nước thống nhất tại hội nghị là sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ hơn nữa, tận dụng mọi cơ hội và phát huy mọi nguồn lực phục vụ phát triển; trong đó, có thể tiếp tục tranh thủ các đối tác phát triển như Nhật Bản, ADB và nhiều đối tác khác. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh đến việc kêu gọi và khuyến khích sự tham gia của khối kinh tế tư nhân tham gia vào cơ chế hợp tác thuận lợi này. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ: “Lãnh đạo ba nước nhất trí xác định, kết nối ba nền kinh tế là nhiệm vụ quan trọng thời gian tới”.

Thủ tướng Chính phủ cũng nhấn mạnh, cùng với sự hình thành của Cộng đồng kinh tế ASEAN, quan hệ hữu nghị, hợp tác toàn diện Campuchia-Lào-Việt Nam ngày càng gắn kết chặt chẽ, hiệu quả hơn. Ba nước cùng nhau vượt thách thức chung của khu vực, nắm bắt cơ hội phát triển mới và cùng chia sẻ lợi ích.

Trên tinh thần đó, để hợp tác CLV có thể phát huy hết thế mạnh, đóng góp cho hòa bình, thịnh vượng của mỗi nước và cả khu vực, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh 7 đề xuất của Việt Nam để ba nước phối hợp nhanh chóng triển khai trong thời gian tới gồm:

- Xây dựng cơ chế để phương tiện (đăng ký tại) các tỉnh thuộc Khu vực TGPT CLV được đi lại thuận tiện trong Khu vực không hạn chế về số lượng;

- Thực hiện mô hình kiểm tra “một cửa, một lần dừng” tại cặp Cửa khẩu quốc tế Mộc Bài (Việt Nam)-Bà Vẹt (Campuchia) trong năm 2017;

- Thiết lập cơ chế đối thoại định kỳ giữa đại diện các cơ quan của Chính phủ Campuchia, Lào, Việt Nam với cộng đồng doanh nghiệp đầu tư vào 3 nước để kịp thời nắm bắt và giải quyết những vấn đề vướng mắc của doanh nghiệp;

- Việt Nam sẽ tăng số lượng học bổng đào tạo dạy nghề cho 2 nước Cam-pu-chia và Lào và huấn luyện cho tham gia các cuộc thi tay nghề ASEAN, nâng mức học bổng để tăng chất lượng cuộc sống của sinh viên 2 nước Cam-pu-chia và Lào;

- Kêu gọi Lào, Campuchia tham gia Công ước về Luật sử dụng dòng nước quốc tế cho mục đích phi giao thông thủy, đồng thời cùng Việt Nam nghiên cứu tham gia Công ước về bảo vệ và sử dụng các dòng nước xuyên biên giới và hồ quốc tế;

- Chính phủ 3 nước phối hợp xây dựng chương trình vận động ODA và xây dựng chương trình chung xúc tiến đầu tư và du lịch của 3 nước;

- Công ty Viễn thông Viettel đầu tư hiện đại hóa mạng viễn thông 3 nước bằng công nghệ 4G, hỗ trợ xây dựng Chính phủ điện tử cho 3 nước và áp dụng mức cước gọi giữa thuê bao của Viettel tại 3 nước tương đương với mức cước trong nước.

Đáp lại đề xuất của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Campuchia Hun Xen cũng đề nghị Viettel hỗ trợ xây dựng cầu truyền hình giữa 3 Thủ tướng và giữa các cơ quan 3 nước để tăng cường trao đổi và tiết kiệm ngân sách đi lại.

Trọng Đức (tổng hợp)
TTXVN