“Tam sơn tứ hải mà đại gia rừng, biển ít, đại ca lại rất nhiều”
(Dân trí) - Nói về chuyện sống với rừng, giữ rừng, làm giàu từ tài nguyên “rừng vàng, biển bạc”, Thượng tướng Võ Trọng Việt - Chủ nhiệm UB Quốc phòng & An ninh của Quốc hội trăn trở, làm sao để có nhiều “đại gia”, làm giàu cho đất nước, giảm thiểu số “đại ca” phá nước, bán rừng…
Tướng Võ Trọng Việt là ủy viên UB Thường vụ Quốc hội đầu tiên góp ý kiến tại phiên thảo luận về dự án luật Bảo vệ và phát triển rừng (sửa đổi) diễn ra chiều 16/3.
Trước rừng vây quân thù, nay rừng làm giàu cho quân gian
Chủ nhiệm UB Quốc phòng và An ninh khái quát về thực trạng công tác bảo vệ, phát triển rừng: “Trồng được một cây thì chặt trăm cây. Cứ báo cáo độ che phủ rừng bao nhiêu phần trăm nhưng toàn rừng nghèo, mới trồng chứ như nhiều lãnh đạo địa phương nói “nhìn từ bên ngoài thì thấy xanh tốt chứ vào trong, rừng nào cũng viêm đại tràng nặng”.
Ông Việt thở dài than, rừng vàng, biển bạc đều cạn cả. Rừng đầy tiềm năng nhưng người dân sống bám rừng lại nghèo. Rừng ở trên cao nhưng chính sách đầu tư ở dưới thấp, con người chủ yếu lấy của rừng về, chưa đầu tư lên rừng được bao nhiêu, nguồn gỗ quý, thú quý, khoáng sản quý trong rừng, con người lấy gần hết rồi.
“Trước ta hay nói “rừng che bộ đội, rừng vây quân thù”, giờ rừng làm giàu cho quân gian, cho lâm tặc. Đất nước có thêm nhiều đại gia nhưng cũng nảy sinh rất nhiều đại ca mà “đại gia” rừng, biển thì ít, số “đại ca” lại rất nhiều. Tam sơn tứ hải, làm sao phải giảm số đại ca, tăng số đại gia lên đất nước mới giàu” – tướng Việt nói.
Chủ niệm UB Quốc phòng và An ninh cũng phân tích, các cơ quan quản lý có thấy trớ trêu khi những cánh rừng đại ngàn toàn cây to trăm tuổi mà rồi bị chặt hạ thết để trồng cao su, trồng keo, trồng bạch đàn. Rừng nghèo, kiệt nhanh chóng.
Nói lại chuyện phong trào chuyển đối mục đích sử dụng đất rừng diễn ra rầm rộ ở nhiều địa phương mấy năm trước, ông Việt cho rằng, đó là việc lợi dụng để phá rừng. Theo ông Việt, đáng ra, địa phương muốn chuyển đổi mục đích rừng, giao khoán thì theo luật quy định của luật này là phải được Bộ Tài nguyên Môi trường thẩm định, thế mới giám sát được nhau.
Lãnh đạo UB Quốc phòng và An ninh chỉ rõ, luật bảo vệ và phát triển rừng quy định vừa chặt lại vừa hở, khắt khe với việc người dân tranh thủ vành đai quanh rừng để trồng cây lương thực ngắn ngày nhằm tăng thu nhập, đời sống nhưng lại hở trong vấn đề cấp phép các dịch vụ thương mại rừng, những hoạt động ảnh hưởng tới lõi rừng đặc dụng.
Kiểm lâm có máy định vị vẫn lạc trong rừng, lâm tặc biết rõ vị trí từng cây gỗ quý
Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ phát biểu tại phiên thảo luận.
“Tôi gắn bó với rừng nhiều nên hiểu rõ sự cần thiết có một luật để phục vụ mục đích bảo vệ, phát triển rừng chứ cứ giữ các quy định hiện tại thì kiểm lâm vẫn “lực bất tòng tâm” trước “lâm tặc” – Chủ nhiệm UB Võ Trọng Việt phân tích.
Bất cập thấy rõ là thực tế, các kỹ sư lâm nghiệp đào tạo 4-5 năm về nhưng thạo rừng không bằng các lâm tặc. Kỹ sư, kiểm lâm được trang bị máy móc định vị, kiến thức bài bản nhưng cho vào rừng là lạc trong khi lâm tặc biết rõ vị trí từng cây gỗ quỹ trong rừng có thể chặt. Họ tính toán chuẩn xác việc chặt hạ cây thế nào, xẻ gỗ, vận chuyển đường nào ra khỏi rừng, đi hết thời gian bao lâu.
Ông Việt băn khoăn: “Lâm tặc đưa được gỗ về nơi tiêu thụ, phải qua bao nhiêu trạm kiểm soát mà vẫn thông hết. Vụ 100 cây gỗ pơ mu ở Quảng Nam bị xẻ thịt mà Thủ tướng phải lên tiếng chỉ đạo đó, họ tính toán cả một con đường thông suốt từ Lào về Việt Nam để đưa gỗ đi. Điều đó chứng tỏ kiểm lâm nào họ cũng mua chuộc được hết. Còn để lâm tặc lộng hành như vậy là có tội với nhân dân, với đất nước”.
Đánh giá dự thảo luật được chuẩn bị công phu, đảm bảo tính thống nhất nhưng Thượng tướng Đỗ Bá Tỵ - Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ cũng cho rằng, do quản lý rừng lâu nay còn nhiều bất cập nên dự thảo còn nhiều vấn đề phải nghiên cứu thêm vì có điều còn quy định khá chung, nhất là liên quan quy trình, thủ tục, thẩm định, phê duyệt.
Lưu ý quan tâm đến rừng khu vực biên giới, Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh nhất thiết biên giới phải có rừng, trừ nơi có thành phố, đông dân cư chứ không để đồi trọc. Rừng này phải là rừng phòng hộ, rừng đặc dụng không được khai thác hoặc phải có chính sách cụ thể.
Liên quan đến chuyển từ giao rừng sang cho thuê, Chủ nhiệm UB Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình đề nghị nghiên cứu kỹ hơn vì rất nhiều người dân sống gắn bó với rừng.
“Có hay không người dân đang sống ở đó nhưng đến một ngày người khác thông báo rừng không còn của người dân. Thậm chí như ở bờ biển cũng thế, tỉnh cho thuê rồi nên người dân ở đó sống thế nào?” – ông Phan Thanh Bình đặt vấn đề
Ngoài ra, ông Bình cũng lưu ý khi cho thuê khác với giao rừng thì có chia cắt rừng và các tài nguyên trong rừng hay không? Mối quan hệ giữa chủ rừng và kiểm lâm thế nào cũng phải được tính đến, trong đó xây dựng kiểm lâm đủ mạnh để bảo vệ rừng.
P.Thảo