"Sửa đổi Hiến pháp nhằm xây dựng một đạo luật gốc"
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ mục đích của việc sửa đổi Hiến pháp năm 1992 nhằm xây dựng một đạo luật gốc, tiên tiến, phù hợp với thực tế, điều kiện lịch sử của Việt Nam.
Trong khuôn khổ chương trình phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3/2013 diễn ra trong hai ngày (28-29/3), Chính phủ đã họp chuyên đề về dự thảo Báo cáo kết quả lấy ý kiến dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.
Theo báo cáo của thường trực Ban Chỉ đạo của Chính phủ tổng kết thi hành Hiến pháp năm 1992, đến nay Ban Chỉ đạo đã nhận đủ 30 báo cáo của các Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; 63 báo cáo của Hội đồng nhân dân, Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố.
Đa số ý kiến cho rằng dự thảo sửa đổi Hiến pháp có nhiều sửa đổi, bổ sung quan trọng như ghi nhận rõ một số nguyên tắc nền tảng (như tất cả quyền lực thuộc về nhân dân; phân công, phối hợp và kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, quyền con người, quyền công dân); định danh rõ các cơ quan thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp; thể hiện tư duy mới trong quy định về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân; bổ sung các thiết chế hiến định độc lập.
Dự thảo cũng đã ghi nhận và thể hiện nhất quán các nguyên tắc vận hành của nền kinh tế thị trường định hướng Xã hội Chủ nghĩa trong thời kỳ quá độ lên Chủ nghĩa Xã hội với nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế; khẳng định khái quát ở tầm hiến định vai trò và các công cụ quản lý vĩ mô của Nhà nước để đảm bảo mọi tổ chức, cá nhân được tự do kinh doanh và thực hiện nghĩa vụ với nhà nước theo quy định của pháp luật, mọi thành phần kinh tế cùng phát triển lâu dài, hợp tác, bình đẳng và cạnh tranh theo pháp luật.
Bên cạnh đó, cũng có nhiều ý kiến cho rằng các quy định của Dự thảo chưa thể hiện rõ nguyên tắc phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực giữa các cơ quan thực hiện quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp; chưa thể hiện rõ nguyên tắc phân cấp giữa chính quyền Trung ương và chính quyền địa phương, bảo đảm tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của địa phương theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XI.
Các quy định về vị trí, nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ chưa có những đột phá lớn, chưa tạo ra một Chính phủ chủ động, linh hoạt với đủ các thẩm quyền để quản lý, điều hành các lĩnh vực của đời sống kinh tế xã hội.
Phát biểu tại Phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ, mục đích của việc sửa đổi Hiến pháp lần này nhằm xây dựng một đạo luật gốc, tiên tiến, phù hợp với thực tế, điều kiện lịch sử của Việt Nam trên cơ sở kiên định các nguyên tắc cơ bản của Cương lĩnh xây dựng đất nước mà Đại hội XI của Đảng đề ra, đồng thời chỉ sửa đổi những vấn đề đã rõ mà thực tiễn chứng minh cần thiết phải sửa đổi, bổ sung nhằm thực hiện mục tiêu xây dựng thành công sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, phát huy tốt nhất quyền con người, quyền công dân, quyền làm chủ của nhân dân; xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa của dân, do dân và vì dân.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị cơ quan chủ trì xây dựng dự thảo báo cáo tiếp thu ý kiến của các thành viên Chính phủ tại phiên họp; đồng thời làm phiếu xin ý kiến các cơ quan chức năng về những vấn đề cần tiếp tục làm rõ để tổng hợp, sớm hoàn thiện báo cáo của Chính phủ về kết quả lấy ý kiến vào dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.
Theo Thiện Thuật
TTXVN