Sự phi lý của Trung Quốc trên Biển Đông

Hôm qua 27-11, ngày thảo luận thứ 2 của Hội thảo Quốc tế Việt Nam học lần thứ 4 đã diễn ra vô cùng sôi nổi với điểm nóng vẫn xoay quanh vấn đề trên Biển Đông.

Đông đảo học giả trong nước và quốc tế dự hội thảo Việt Nam học lần thứ 4
Đông đảo học giả trong nước và quốc tế dự hội thảo Việt Nam học lần thứ 4
 
Hầu hết các ý kiến đều tập trung vào việc đưa ra những chứng cứ, lập luận chứng tỏ sự vô lý trong các luận điểm của Trung Quốc khi đề ra đường lưỡi bò. TS. Nguyễn Minh Mẫn - Khoa Lịch sử, Đại học Sư phạm thành phố Hồ Chí Minh đưa ra lập luận, Trung Quốc muốn gia tăng quyền kiểm soát của mình trên biển Đông nhằm mục đích đảm bảo nguồn cung năng lượng - điểm chính trong chiến lược “An ninh năng lượng” của Trung Quốc. Các học giả khẳng định, những chứng cứ mà Trung Quốc đưa ra để độc chiếm Biển Đông đều rất mơ hồ.

Khẳng định thêm ý kiến này, GS. Sử học Đỗ Bang (Đại học Huế) cho biết, theo nghiên cứu của ông, từ thời Tự Đức tới thời Pháp thuộc, các tài liệu đều xác định Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam. Ông và các cộng sự chưa tìm thấy một trang sử, một bản đồ chính thống nào nói Hoàng Sa, Trường Sa là của Trung Quốc dưới thời nhà Thanh. Trước 1974 (thời điểm Trung Quốc dùng vũ lực để chiếm Hoàng Sa), tất cả tài liệu lịch sử đều chứng minh Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam.

Luận điểm này cũng được các nhà khoa học nước ngoài tán đồng, GS.TSKH Erik Franckx - Trưởng khoa Luật Quốc tế, ĐH Brussels, Bỉ cho biết, trong nhiều thập kỷ, các quốc gia không biết sự tồn tại của đường 9 đoạn. Lần đầu tiên Trung Quốc đính kèm bản đồ có đường lưỡi bò trình lên Tổng Thư ký Liên hợp quốc là vào năm 2009. Tất cả những tranh chấp trên biển Đông thời gian qua đều xuất phát từ khu vực đường 9 đoạn này. GS. Erik Franckx cũng cho rằng, một đường biên giới phải được sự đồng thuận của ít nhất 2 bên chứ không thể do 1 bên đơn phương đưa ra. Để khẳng định cho luận điểm này, các nhà khoa học đã nêu lại Định ước Berlin năm 1885. Trong đó có 1 điểm rất quan trọng, đó là: Việc thực hiện chủ quyền phải liên tục trên vùng lãnh thổ đó. Như vậy, những lý lẽ của Việt Nam có tính logic và đầy đủ căn cứ hơn nhiều những luận điểm mơ hồ phi lý của Trung Quốc.

Trong cuộc hội thảo, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu cũng cho rằng, giải quyết được những tranh chấp này không dễ. Đa số các tham luận đưa ra tại hội thảo đều thống nhất rằng, sẽ rất khó thực hiện khi Trung Quốc thể hiện thái độ không muốn làm theo luật pháp quốc tế, hay nói cách khác, không muốn “quốc tế hóa” vấn đề Biển Đông. Về vấn đề này, Tiến sĩ Lokshin Grigory, Viện Nghiên cứu Viễn Đông, Viện Hàn lâm Liên bang Nga cho rằng vũ lực chưa bao giờ và sẽ không bao giờ là chìa khóa để giải quyết tranh chấp trên Biển Đông. GS.TSKH Vladimir Kolotov - Viện Hồ Chí Minh ĐHTHQG St.Petersburg lại nhấn mạnh, chúng ta cần nhanh chóng thực hiện các biện pháp để tránh chính sách tằm thực của Trung Quốc đang từ từ xâm lấn dần, trước khi mọi sự đã rồi.  

Hội thảo sẽ đi đến những kết luận vào buổi sáng trước khi diễn ra phiên bế mạc vào trưa nay 28-11. 
 
 
Hành vi bất chấp luật pháp quốc tế

Tôi cho rằng, việc in hình “lưỡi bò” vào hộ chiếu của công dân là âm mưu thâm độc, mang tính khiêu khích của Trung Quốc trong vấn đề tranh chấp ở Biển Đông. Qua việc này, tôi nhìn thấy hình ảnh một người khổng lồ nhưng lại nhỏ nhen, ích kỷ, và đầy thủ đoạn, bất chấp luật pháp quốc tế.

Việt Nam cần phản đối mạnh mẽ và có những biện pháp ứng xử nhất quán đối với các công dân Trung Quốc nhập cảnh vào Việt Nam sử dụng loại hộ chiếu phi pháp này. Chúng ta cần từ chối cho nhập cảnh những người mang hộ chiếu có in hình “lưỡi bò”. Khi cấp thị thực cho người Trung Quốc, các cơ quan lãnh sự của Việt Nam tại nước ngoài nên ghi rõ là Việt Nam không thừa nhận “đường lưỡi bò” trên hộ chiếu, và dứt khoát không dán thị thực vào những cuốn hộ chiếu có hình “lưỡi bò”.
Ông Nguyễn Bảo Khánh (Phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân, Hà Nội)

Phải vạch rõ ý đồ xấu xa 
Sự phi lý của Trung Quốc trên Biển Đông
 
Có thể thấy, việc Trung Quốc in “đường lưỡi bò” vào hộ chiếu là hành vi hết sức xảo quyệt, bộc lộ ý đồ xâm phạm quyền chủ quyền biển đảo của Việt Nam và của nhiều nước trong khu vực Đông Nam Á. Nếu các nước không tinh tường, lực lượng kiểm soát biên giới - cửa khẩu không phát hiện ra hình “đường lưỡi bò”, đóng dấu vào hộ chiếu mới này, thì đương nhiên rơi vào bẫy toan tính của phía Trung Quốc. Khi đó, Trung Quốc sẽ có điều kiện rêu rao Việt Nam và những nước đã đóng dấu vào hộ chiếu có hình “đường lưỡi bò”, là đã thừa nhận “bản đồ chín đoạn” - sự phi lý mà Trung Quốc tự công bố từ năm 2009.

Tôi mong muốn Đảng, Nhà nước và người dân phải đấu tranh kiên quyết, bằng biện pháp ngoại giao, hòa bình, để khẳng định chủ quyền của Việt Nam, cũng như vạch rõ ý đồ xấu xa của phía Trung Quốc, qua việc phát hành hộ chiếu in hình “đường lưỡi bò”.

Ông Hoàng Khắc Quý (Nguyên phóng viên Ban Tin thế giới, Thông tấn xã Việt Nam)


Cần có động thái kiên quyết hơn 
Sự phi lý của Trung Quốc trên Biển Đông
 
Trước thông tin về việc Trung Quốc cấp hộ chiếu in hình “đường lưỡi bò” cho công dân của họ, thành viên Hội Cựu chiến binh chúng tôi đã trao đổi và có chung tâm trạng hết sức phẫn nộ, bức xúc. 

Tôi rất đồng tình với thái độ dứt khoát của Nhà nước ta, thể hiện qua việc Bộ Ngoại giao đã gặp đại diện Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội để trao công hàm phản đối và yêu cầu phía Trung Quốc hủy bỏ những nội dung sai trái in trong hộ chiếu. Chúng tôi mong muốn Nhà nước ta có động thái kiên quyết hơn để yêu cầu Trung Quốc bỏ hộ chiếu in hình “đường lưỡi bò”; đồng thời cần thể hiện quan điểm, lập trường của Nhà nước ta trên các diễn đàn quốc tế; tranh thủ sự ủng hộ của dư luận trong nước, quốc tế về chủ quyền biển, đảo, về Hoàng Sa - Trường Sa.

Ông Trần Mạnh Hùng (Hội viên Hội Cựu chiến binh phường Bạch Mai, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội).
 
Theo Đỗ Nguyễn
An ninh Thủ đô