Sổ đỏ làm “nóng” phiên chất vấn HĐND Huế

(Dân trí) – Trong phiên chất vấn kỳ họp thứ 6 HĐND tỉnh TT-Huế diễn ra sáng 19/7, câu chuyện về tình trạng chậm cấp giấy CNQSDĐ và chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) liên tục sụt giảm đã thu hút được sự chú ý của các đại biểu.

1 trong 20 địa phương có tỷ lệ GCNQSDĐ thấp

Theo đó, đại biểu nêu ra vấn đề: “Nghị quyết số 30/2012/QH13 của Quốc hội yêu cầu đến 31/12/2013 căn bản hoàn thành việc cấp giấy CNQSDĐ lần đầu trong phạm vi cả nước; Chỉ thị 1474/CT-TTg ngày 24/8/2011 của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu đến cuối năm 2012 phải hoàn thành việc cấp giấy CNQSDĐ cho tất cả các tổ chức đang sử dụng đất.

Tuy nhiên, theo báo cáo của Sở Tài nguyên - Môi trường thì đến nay số hộ gia đình, cá nhân, tổ chức được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở trên địa bàn tỉnh còn thấp, trong đó đất ở đô thị đạt 77,8%, đất ở nông thôn 76,8%; đất do các tổ chức sử dụng đạt thấp hơn như đất cơ sở tôn giáo 52,1%, đất sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp 59,85%, nhất là đất lâm nghiệp đạt rất thấp chỉ có 27,3%.

Đề nghị UBND tỉnh TT-Huế cho biết nguyên nhân của tình trạng trên và trách nhiệm chính thuộc về ai? sắp tới UBND tỉnh sẽ  triển khai, thực hiện những giải pháp nào để đạt được mục tiêu, yêu cầu đề ra?”

Ông Nguyễn Đình Đấu, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh TT-Huế cho biết, đến cuối năm 2012, Huế nằm trong 20 địa phương có tỷ lệ giấy CNQSDĐ (GCN) thấp. Sau nhiều phiên họp, Hội nghị triển khai cấp giấy và cam kết thực hiện chỉ tiêu cấp GCN – đến 31/12/2013 toàn tỉnh đạt trên 90% tỷ lệ diện tích được cấp GCN lần đầu.

Đến ngày 25/6, với sự nỗ lực của các ban ngành, toàn tỉnh đã cấp được 395.736 GCN với diện tích 155.046,2ha, tỷ lệ 46%. Trong đó, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư đã cấp được 391.674 GCN với diện tích 88.051ha, đạt tỷ lệ 65,9% và tổ chức, các cơ sở tôn giáo đã cấp được 4.062 GCN với diện tích 66.995,1ha, tỷ lệ 32,9%.

Về nguyên nhân cấp GCN thấp, do nhiều nguyên nhân như nhân lực cán bộ, cơ chế chính sách. Các loại đất tín ngưỡng cộng đồng không có khả năng nộp lệ phí trước bạ. Nhiều trường hợp làm nhà ở ổn định từ ngày 15/10/1993 đến trước ngày 1/7/2004 nhưng không có giấy tờ hợp lệ về QSDĐ. Cộng đồng dân cư thuộc dân tộc Kinh đang sử dụng đất lâm nghiệp khá lớn, nhưng Luật Đất đai và các văn bản Trung ương chưa quy định rõ việc giao đất và CNQSDĐ nông nghiệp cho đối tượng này. Và việc cấp giấy cho người sử dụng đất nhưng không có các loại giấy tờ về QSDĐ tại khu Kinh thành Huế gặp vướng mắc do chưa xác định chính xác được thời điểm công nhận di tích Kinh thành Huế, đặc biệt lại nằm trong vùng di sản.

Sổ đỏ làm “nóng” phiên chất vấn HĐND Huế
Kỳ họp thứ 6 HĐND tỉnh TT-Huế (17-19/7) đã thẳng thắn chỉ ra nhiều điểm tồn tại cần phải khắc phục sớm trong thời gian tới là chậm cấp sổ đỏ và sụt giảm chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh

Ông Đấu cũng khẳng định, ngoài những nguyên nhân khách quan và chủ quan, ngoài trách nhiệm thuộc về Sở TN&MT thì tất cả các ủy ban thành phố, huyện, thị xã cũng có trách nhiệm lớn trong việc chậm cấp giấy CNQSDĐ.

Tuy nhiên, theo đại biểu Đào Chuẩn, việc chỉ tiêu trên 90% toàn tỉnh được cấp GCS lần đầu đến cuối năm nay là khó thực hiện, có thể hạ chỉ tiêu xuống để dễ làm hơn.

PCI tỉnh TT-Huế liên tục sụt giảm

Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của TT-Huế tuy đã có những cải thiện tích cực trong năm 2009 (vươn lên đứng 14/63 tỉnh thành cả nước). Tuy nhiên, từ đó đến nay, chỉ số PCI liên tục giảm hàng năm. Riêng năm 2012, PCI của tỉnh tụt 8 bậc, xuống đứng vị trí 30/63 trong cả nước.

Trong đó có những chỉ số vẫn giảm sâu như Chỉ số Chi phí thời gian để thực hiện các quy định của Nhà nước giảm 39 bậc (đứng 43/63), Chỉ số đào tạo lao động giảm 22 bậc (đứng 42/63). Đặc biệt, Chỉ số tiếp cận đất đai, từ năm 2007 đến nay luôn xếp ở nhóm thấp nhất chủ yếu do chỉ tiêu tỷ lệ diện tích đất trong tỉnh có giấy CNQSDĐ chính thức đạt thấp nhất cả nước (29,2%, xếp thứ 63/63)

Theo Wikipedia, PCI được xem là "tiếng nói" quan trọng của các doanh nghiệp dân doanh về môi trường kinh doanh địa phương, là kênh thông tin tham khảo tin cậy về địa điểm đầu tư, là một động lực cải cách quan trọng đối với môi trường kinh doanh cấp tỉnh của Việt Nam. Cho nên, nếu PCI sụt giảm liên tục như vừa qua tại tỉnh TT-Huế là một dấu hiệu không tốt mà tỉnh cần xem xét lại.

Ông Nguyễn Văn Phương, Giám đốc Sở Kế hoạch và đầu tư cho hay, 3 điểm yếu nhất về các chỉ số trên đang được tỉnh khắc phục. Nguyên nhân giảm sút và yếu kém ở 3 chỉ tiêu này được phân tích qua rất nhiều yếu tố, tuy nhiên có thể kể đến các điểm chính như sau:

Các doanh nghiệp khảo sát cho rằng không có bất kỳ sự thay đổi nào sau khi thực hiện cải cách hành chính, hiệu quả làm việc của cán bộ nhà nước không tốt hơn. Các loại phí, lệ phí của nhiều thủ tục không giảm. Và số giờ trung vị thanh tra thuế làm việc với doanh nghiệp kéo dài đến 8 giờ, trong khi tốt nhất thời gian này chỉ là 1 giờ.

“Các thủ tục giao đất, cấp giấy CNQSDĐ chưa thực hiện đồng thời dẫn đến Quyết định giao đất và cấp giấy chứng nhận trở thành 2 công đoạn. Văn phòng đăng ký QSDĐ ở một số địa phương cấp huyện yêu cầu người dân nộp thêm nhiều loại giấy tờ không có trong quy định của danh mục thủ tục hành chính, dẫn đến việc chậm trễ khi đăng ký thủ tục cấp GCNQSDĐ. Để tiếp cận đất đai, các doanh nghiệp phải thực hiện nhiều thủ tục, diễn ra tại nhiều cấp nhiều ngành. Việc cán bộ yếu và thiếu chuyên môn, gây phiền hà doanh nghiệp và người dân, hồ sơ phải chỉnh sửa nhiều đã làm nản lòng doanh nghiệp” – ông Phương khẳng định về vấn đề tiếp cận đất đai từ phía doanh nghiệp.

Sổ đỏ làm “nóng” phiên chất vấn HĐND Huế
Việc sụt giảm năng lực cạnh tranh tại TT-Huế đã ảnh hưởng đến việc doanh nghiệp nhìn nhận vào tỉnh. Cần có những biện pháp "sát sườn" hơn nữa để lấy lại hình ảnh của Huế

Tuy nhiên, cũng có các trường hợp dự án khi được cho thuê đất chậm triển khai thực hiện, ủy ban tỉnh đã xem xét thu hồi đất. Nhưng nhà đầu tư đều lấy nguyên nhân khách quan để xin gia hạn kéo dài thời gian thực hiện dự án, làm giảm hiệu quả sử dụng đất. Việc thu hồi đất với các trường hợp này đã gây ảnh hưởng đến cách nhìn nhận không tốt của doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, 91,5% doanh nghiệp không hài lòng với chất lượng lao động trên địa bàn TT-Huế, xếp 41/63, giảm 21 bậc. Chất lượng dạy nghề của các đơn vị nhà nước giảm 3 bậc, xếp 21/63. Đặc biệt,  chất lượng cung cấp dịch vụ giới thiệu việc làm của các nhà cung cấp dịch vụ tư nhân tại Huế được đánh giá rất thấp, xếp thứ 58/63, giảm 44 bậc.

Hiện tỉnh TT-Huế đã thành lập ban chỉ đạo về cấp GCNQSDĐ để đẩy nhanh tiến độ cấp giấy. Và lập hội đồng tư vấn giải quyết vướng mắc trong cấp quyền sử dụng đất, đền bù giải phóng mặt bằng nhằm tham mưu kịp thời các tình huống phát sinh

Sở Kế hoạch và đầu tư đã được tỉnh chỉ đạo phải giảm số ngày đăng ký kinh doanh, nâng cao chất lượng phục vụ giải quyết thủ tục hành chính về đăng ký kinh doanh, cấp giấy chứng nhận đầu tư. Giảm số ngày và chuẩn hóa quy trình cấp đăng ký kinh doanh cấp huyện. Sở Tài nguyên Môi trường phải giảm số ngày chờ đợi được cấp GCNQSDĐ. Các sở ban ngành khác giảm số ngày cấp chứng chỉ hành nghề, chứng chỉ đủ điều kiện hoạt động sau khi có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.

Cán bộ còn gây khó khăn, sách nhiễu trong thủ tục hành chính

Trả lời về lề lối làm việc, ý thức trách nhiệm cán bộ và nguyên nhân người dân/doanh nghiệp vẫn còn khó khi tiếp cận các cơ quan chức năng, ông Cái Vĩnh Tuấn, GĐ Sở Nội vụ TT-Huế cho biết, “Qua kiểm tra, vẫn còn tình trạng cán bộ công chức sử dụng thời gian làm việc để đi ăn sáng, uống café buổi sáng, uống rượu uống bia buổi trưa, một số nơi phân công chưa hợp lý dẫn tới xử lý công việc chậm so với quy định. Một số ủy ban cấp xã việc niêm yết công khai các thủ tục hành chính chưa đầy đủ. Một bộ phận cán bộ, công chức chưa thực sự tận tâm trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính cho người dân; còn gây khó khăn, sách nhiễu trong tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính”.

 



Đại Dương