“Quyền lực giao cho Chủ tịch UBND đặc khu quá lớn sẽ khiến lợi ích nhóm trỗi dậy”
(Dân trí) - “Trong hoạt động quản lý nhà nước của chúng ta vừa qua, chưa có điều kiện đó mà lợi ích nhóm đã câu kết. Giờ quyền lực giao cho Chủ tịch UBND đặc khu quá lớn mà hệ thống kiểm soát lại không đúng tầm, những câu kết, lợi ích nhóm có thể trỗi dậy” – đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân cảnh báo.
Ban Tư vấn sẽ là vòng kim cô hay tạo cơ chế đùn trách nhiệm?
Thảo luận về dự thảo luật đơn vị hành chính, kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc sáng 4/4, đại biểu Phạm Tri Thức nhận xét, thiết chế Ban Tư vấn, hỗ trợ phát triển đặc khu do Thủ tướng thành lập là để thử nghiệm phương thức kiểm soát quyền lực mới, mang tính đặc thù, nghe “có vẻ hay” nhưng thực chất lại… khó hiểu.
Ông Thức phân tích, việc kiểm soát quyền lực chỉ thực hiện với các cơ quan thực hiện quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp, cơ quan kiểm soát cũng phải là cơ quan có quyền lực. Nhưng rõ ràng, Ban này lại không thể xếp vào nhóm cơ quan quyền lực nào.
Đại biểu Nguyễn Văn Sơn (Hà Tĩnh) cũng bình luận, dự luật thiết kế các tầng nấc quản lý quá nhiều. Nhìn vào hệ thống cơ quan kiểm soát, chi phối thì sau khi luật ra đời, để chọn được người làm Chủ tịch UBND đặc khu sẽ rất khó vì có quá nhiều bó buộc, điều kiện.
Ông Sơn nêu quan điểm, nếu mô hình tổ chức chính quyền đặc khu đã có HĐND thì nên bỏ Ban Tư vấn, hỗ trợ phát triển đặc khu.
Đại biểu Hoàng Đức Thắng (Quảng Trị) chia sẻ khó khăn của ban soạn thảo với bài toán đầy mâu thuẫn phải giải quyết là quy định vừa phải tạo được đột phá, cơ chế giao quyền vượt trội nhưng cũng phải lo việc kiểm soát quyền lực, tránh lạm quyền.
Về Ban tư vấn, ông Thắng nhận định, về bản chất, đây là cơ quan tư vấn nhưng thực tế sẽ là cơ quan trung gian có thẩm quyền kiểm soát quyền lực tại đặc khu. Cụ thể, Ban tư vấn sẽ như một cấp quản lý phía trên cấp tỉnh.
“Như vậy thì cơ chế này sẽ trở thành một chiếc vòng kim cô bó buộc với Chủ tịch UBND đặc khu hay lại tạo ra cơ chế đùn đẩy trách nhiệm, Chủ tịch đặc khu có việc gì cũng cứ xin ý kiến chứ không chịu quyết định?” - ông Thắng đặt câu hỏi.
Mặt khác, đại biểu lại dẫn chứng điều khoản quy định Chủ tịch UBND đặc khu được quyền quyết định các vấn đề nhưng phải báo cáo bằng văn bản, xin ý kiến Ban Tư vấn. Ông Thắng băn khoăn về tính chất pháp lý của quy định này khi luật buộc Chủ tịch đặc khu phải lấy ý kiến Ban Tư vấn nhưng lại có thể nghe hoặc không nghe theo ý kiến này, tuỳ thích.
Đại biểu nêu vấn đề: “Có cần thiết không một tổ chức tư vấn trung gian như vậy? Thay vì việc lập Ban Tư vấn có thể thêm cơ chế về chế độ thỉnh thị báo cáo, chế độ xin tư vấn, sử dụng chuyên gia… với Chủ tịch UBND đặc khu sẽ thực chất, hiệu quả hơn”.
Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) cũng bày tỏ băn khoăn khi vì sợ giao quá nhiều quyền cho trưởng đặc khu, sợ lạm quyền mà quay lại mô hình tổ chức đủ cả HĐND, UBND. Nếu thế thì không phù hợp, không còn gì đặc biệt nữa. Ông Phương cho rằng, đã gọi là đặc khu thì phải đặc biệt phải ở thẩm quyền được giao, đặc biệt trong cơ chế vận hành. Theo đó, việc quản lý cũng phải theo hướng thật sự thông thoáng.
Ông Phương đề nghị giữ nguyên phương án thiết kế bộ máy không có HĐND mà chỉ có UBND tại đặc khu. Ông cũng trấn an những ý kiến lo ngại sợ kiểm soát được quyền lực. Theo ông, căn nguyên các lo ngại là do trước nay vấn đề công khai minh bạch, trách nhiệm giải trình chưa được chú trọng nên mới dẫn đến các sai phạm, tưởng như không kiểm soát được.
“Thiết kế rất nhiều cơ quan có quyền giám sát nhưng nếu thông tin bưng bít hết thì cũng không giám sát được. Vậy thì công khai minh bạch và cơ chế giải trình là công cụ cơ bản để đảm bảo việc giám sát. Bài học xót xa bộc lộ trong mấy phiên toà vừa qua là nhiều cán bộ đã nói cơ quan, đơn vị họ nhiều lần làm thế nhưng không ai nói gì. Nếu có người nói, chỉ rằng đó là sai, nhắc nhở, uốn nắn thì đã không xảy ra những việc như vậy. Như vậy là chính các cơ quan quản lý nhà nước đã không làm tròn bổn phận, trách nhiệm của mình” – ông Phương nói.
Ông đề nghị bỏ quy định về Ban Tư vấn do Thủ tướng thành lập đặt tại đặc khu vì chỉ làm tăng thêm tầng nấc quản lý, tăng thêm sự lòng vòng và làm cho trưởng đặc khu thêm ỷ lại.
Bộ Chính trị không chọn phương án Chính phủ trình
Ngược lại, đại biểu Lê Thanh Vân (Cà Mau) lại nhìn nhận, dù được “cài cắm” nhiều cấp giám sát nhưng việc giao quyền tại đặc khu vẫn chưa đảm bảo an toàn. HĐND được thiết kế làm kênh giám sát ngang cấp nhưng hội đồng lại không hoạt động thường xuyên. Còn Ban Tư vấn thì không phải một thiết chế quyền lực, không sử dụng quyền lực nhà nước để tác động, điều chỉnh hoạt động của Chủ tịch UBND đặc khu, khó hiệu quả.
“Như vậy, quyền lực giao cho Chủ tịch UBND đặc khu quá lớn mà hệ thống kiểm soát lại không đúng tầm. Những câu kết, lợi ích nhóm có thể trỗi dậy. Trong hoạt động quản lý nhà nước của chúng ta vừa qua chưa có điều kiện đó mà lợi ích nhóm đã câu kết, giờ nếu giao quyền lực lớn hơn mà không có lồng ghép cơ chế kiểm soát quyền lực thì rất nguy hiểm” – ông Vân cảnh báo.
Thứ trưởng KH-ĐT Đỗ Quang Trung, đại diện cơ quan chủ trì soạn thảo luật chia sẻ, chính cơ quan này cũng phân vân với quy định này. Thực tế, trong điều kiện hiện tại, với năng lực cán bộ của Việt Nam, không dễ tìm một người thật giỏi về làm trưởng đặc khu nên vẫn cần hoạt động tư vấn. Nhưng đáng lẽ, người được giao quyền chính là người được chủ động quyết định, bỏ tiền ra thuê tư vấn khi cần. Ở đây, Ban Tư vấn lại được thiết kế để làm 2 việc, vừa tư vấn, vừa giám sát nên vướng.
Đại diện cơ quan tiếp thu, chỉnh lý luật – Chủ nhiệm UB Pháp luật Nguyễn Khắc Định giải thích, có sự thay đổi phương án thiết kế mô hình chính quyền đặc khu lần này vì Chình phủ trình 2 phương án nhưng phương án Bộ Chính trị quyết định không phải 1 cũng không phải 2 mà là phương án 3.
Theo đó, để dung hoà cả 2 phương án, ban soạn thảo đã thiết kế lại mô hình đặc khu, tuy có HĐND nhưng cũng rất gọn, không có các ban trực thuộc, chỉ có văn phòng HĐND. UBND cũng tinh giản nhiều, chỉ có một Chủ tịch và 2 Phó Chủ tịch, cũng chỉ có 7 phòng ban trực thuộc thay cho mô hình hàng chục phòng ban ở các UBND cấp huyện thông thường.
Còn quy định về Ban tư vấn, hỗ trợ phát triển đặc khu thì thực tế Thủ tướng Chính phủ cũng đồng ý với hướng thiết kế này.
“Bản thân chúng tôi cũng có băn khoăn nên mới đưa nội dung này ra báo cáo để xin ý kiến các đại biểu. Cá nhân tôi thì thấy, bỏ được Ban tư vấn này cũng tốt vì bản thân Thủ tướng hay Chủ tịch UBND đặc khu cần thì hoàn toàn có thể lập đội tư vấn cho mình mà không cần ghi vào luật” – ông Định thẳng thắn.
P.Thảo