Kỳ họp thứ 20 – HĐND TPHCM khóa VIII:

Quy hoạch “treo”, đời sống người dân cũng... “treo”!

(Dân trí) - UBND TP đã rốt ráo thu hồi giấy phép các dự án chậm triển khai. Tuy nhiên, trên quy hoạch sử dụng đất vẫn còn quy hoạch dự án, chỉ chờ chủ đầu tư mới nên thực tế đời sống người dân trong khu quy hoạch vẫn chẳng khá lên.

Thành phố không còn dự án “treo”

Về vấn đề quy hoạch “treo”, các đại biểu đã nhắc đến rất nhiều lần trong các buổi thảo luận tổ và thảo luận tại hội trường. Trong buối chất vấn các sở ngành, Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Quyết Tâm nhắc lại các ý kiến của đại biểu và yêu cầu các sở liên quan trả lời cho cử tri.

Tại nghị trường ngày 10/12, đại biểu Phạm Thị Thanh Hiền cũng phản ánh 2 dự án “treo” ảnh hưởng nhiều đến đời sống nhân dân là dự án Viện trường Y tế TPHCM và khu đô thị Tây Bắc. Dự án Viện trường Y tế TPHCM có tổng diện tích hơn 100 ha (tại 3 ấp thuộc xã Phước Hiệp) có 275 hộ dân bị ảnh hưởng. Khu đô thị Tây bắc rộng đến 5.000 ha có 11.000 hộ dân đang sinh sống. Quy hoạch từ rất lâu nhưng chỉ lác đác vài dự án triển khai.

Đại biểu Phạm Thị Thanh Hiền phản ánh hàng ngàn hộ dân Củ Chi khốn khổ vì quy hoạch treo
Đại biểu Phạm Thị Thanh Hiền phản ánh hàng ngàn hộ dân Củ Chi khốn khổ vì quy hoạch treo

Giám đốc Sở Xây dựng Trần Trọng Tuấn cho biết, UBND TP đã chỉ đạo rà soát và tham mưu UBND TP ban hành các quyết định thu hồi dự án, ban hành văn bản chấm dứt và không gia hạn các trường hợp chấp thuận đầu tư đối với các dự án chậm triển khai. Đồng thời cũng đảm bảo quyền và lợi ích của các cá nhân và hộ gia đình đang sử dụng đất.

Ông Đào Anh Kiệt, Giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường, bổ sung: “Chúng tôi đã rà soát pháp lý dự án theo Nghị quyết 16 của HĐND TP, đơn vị đã ra quyết định thu hồi đất dự án hơn 5.700 ha; điều chỉnh quy mô 9 dự án, giảm 137 ha. Hiện nay cơ bản đã xử lý chấm dứt dự án treo”.

Ông Đào Anh Kiệt, Giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường, cho là thành phố đã hết dự án treo
Ông Đào Anh Kiệt, Giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường, cho là thành phố đã hết dự án "treo"

Tuy các sở khẳng định không còn dự án “treo” nhưng đại biểu Phạm Thị Thanh Hiền cho biết hàng ngàn hộ dân sống trong khu vực dự án Viện trường Y tế TPHCM và khu đô thị Tây Bắc vẫn rất khổ.

Bà Hiền cho biết: “Quy hoạch treo khiến cuộc sống nhân dân rất khó khăn, xây dựng mới không được, tách thửa không được, chuyển đổi mục đích sử dụng không được, chia nhà đất cho con cái cũng không được, thế chấp ngân hàng thì bị định giá rất thấp, muốn đầu tư làm ăn lâu dài cũng không dám vì không biết lúc nào giải tỏa…”.

Đó là chưa kể khu dân cư trên 3 xã thuộc ảnh hưởng của dự án không thể làm đường. Hàng chục dự án nâng cấp, làm mới đường nông thôn mới không thể triển khai ở đây vì vướng quy hoạch. Vậy là dân vẫn phải sống khốn khổ với nhà dột, đường hư…

Đại biểu Phạm Văn Đông cũng phản ánh về các dự án ở xã Phong Phú, huyện Bình Chánh. Dù dự án đã bị thu hồi nhưng đời sống của người dân vẫn “treo” vì các quyền lợi trên mảnh đất của mình chưa được bảo đảm. Chưa kể các dự án đã giải tỏa “da beo” nay bị thu hồi thì đời sống người dân trong đó cũng rất khốn khổ, chẳng khác gì bị “treo” lần 2.

Đại biểu Phạm Văn Đông cho là dân đang khổ vì bị treo... lần 2
Đại biểu Phạm Văn Đông cho là dân đang khổ vì bị "treo"... lần 2

Theo ông Trần Trọng Tuấn, vấn đề đặt ra ở đây là dự án “treo” đã bị thu hồi nhưng quy hoạch sử dụng đất vẫn không thay đổi nên dù thu hồi dự án này thì đất đó vẫn còn quy hoạch thực hiện dự án.

Ông nói: “Thực tế họ đang sống trên khu đất có quy hoạch nên muốn triển khai xây dựng gì thì cũng chỉ được xây dựng tạm”. Tức là dự án đã xóa “treo” nhưng quy hoạch vẫn còn “treo”.

Và hướng giải quyết của ban ngành là cố gắng hỗ trợ cho… doanh nghiệp thực hiện cho xong dự án. Theo ông, thời gian qua các địa phương cũng phối hợp, hỗ trợ các doanh nghiệp gỡ khó trong quá trình giải phóng mặt bằng. Trong 2 năm 2014 và 2015 có 76 dự án trong số các dự án mà chậm triển khai lập lại thủ tục để công nhận chủ đầu tư, trình UBND TP chấp thuận đầu tư để triển khai.

Theo ông Tuấn, cách tốt nhất là giúp doanh nghiệp làm cho xong dự án
Theo ông Tuấn, cách tốt nhất là giúp doanh nghiệp làm cho xong dự án

Giải quyết quy hoạch “treo”

Về vấn đề dự án hết “treo” nhưng quy hoạch còn “treo”, ông Nguyễn Thanh Toàn, Phó giám đốc Sở Quy hoạch kiến trúc TPHCM cho rằng: “Nói chung quy hoạch chỉ mang tính định hướng, quan trọng là chúng ta tổ chức thực hiện quy hoạch thế nào khi chúng ta chưa có nguồn lực để đầu tư thực hiện dự án. Khi chưa có chủ đầu tư thì quan trọng là chính sách nhà đất đối với người dân trong khu quy hoạch như thế nào”.

Theo ông thì thời gian qua thành phố cũng đã có nhiều chính sách hỗ trợ đời sống người dân rơi vào diện tích quy hoạch dự án như quyết định 33 về việc tách thửa, quyết định 27 về cho các hộ nằm trong quy hoạch xây dựng tạm…

Ông khẳng định quyết định 27 và quyết định 33 đã có thể giải quyết rất nhiều vấn đề thiệt thòi của bà con sống trong khu vực quy hoạch. Còn thực tế còn khó khăn nhiều, chính sách chỉ có trên giấy mà chưa được thực hiện thì ông cho là… “do các quận huyện có cách hiểu khác nhau”.

Ông Nguyễn Thanh Toàn, Phó giám đốc sở Quy hoạch kiến trúc cho là đã xây dựng rất nhiều chính sách hỗ trợ người dân khu vực bị quy hoạch

Ông Nguyễn Thanh Toàn, Phó giám đốc sở Quy hoạch kiến trúc cho là đã xây dựng rất nhiều chính sách hỗ trợ người dân khu vực bị quy hoạch

Riêng về khu đô thị Tây Bắc, ông Toàn khẳng định là các ban ngành chức năng đang xây dựng Quy chế khu dân cư hiện hữu cho khu Tây Bắc. Vì thực tế quy hoạch này đã kéo dài rất lâu, ảnh hưởng đời sống rất nhiều khu dân cư có từ lâu đời. Hiện quy chế này đang trình UBND TP xin chủ trương, chờ UBND TP chấp thuận sẽ có quy chế riêng cho khu đô thị Tây Bắc.

Phát biểu kết luận, Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Quyết Tâm, cho rằng: “Dự án chậm triển khai, quy hoạch nhiều năm không thực hiện không chỉ ảnh hưởng đến quyền lợi của bà con mà còn ảnh hưởng đến đời sống an sinh. Nước không vào được, tách hộ, tách thửa không được, đường giao thông cũng không ai làm được vì vướng quy hoạch… Rất là nhiều!”.

Do đó, bà yêu cầu: “Hướng xử lý thế nào? Các sở ngành cần triển khai quyết liệt. HĐND TP ra nghị quyết 16 để giải quyết vấn đề quy hoạch treo từ năm 2012, năm nào cũng giám sát việc thực hiện nhưng thực tế vẫn như vậy!”.

Tùng Nguyên – Quốc Anh