Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm các chức danh vào đầu tháng 11
(Dân trí) - Lần lấy phiếu tín nhiệm duy nhất trong cả nhiệm kỳ Quốc hội khoá XIV với gần 50 chức danh lãnh đạo các cơ quan do Quốc hội bầu và phê chuẩn sẽ được tiến hành ở ngay những ngày đầu của kỳ họp thứ 6, dự kiến bắt đầu cuối tháng 10/2018.
Chiều 11/9, cho ý kiến về việc chuẩn bị kỳ họp thứ 6 của Quốc hội, UB Thường vụ Quốc hội nghe báo cáo về dự kiến chương trình nghị sự với tổng thời gian làm việc là 22,5 ngày. Kỳ họp sẽ bắt đầu vào 22/10/2018 và bế mạc vào 20/11/2018.
Cùng với phần nội dung về công tác nhân sự, miễn nhiệm chức vụ Bộ trưởng Thông tin – Truyền thông với ông Trương Minh Tuấn, phê chuẩn bổ nhiệm Bộ trưởng mới của Bộ này, một nội dung khác liên quan đến việc đánh giá các chức danh lãnh đạo cũng được đưa lên phần đầu chương trình kỳ họp.
Cụ thể, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, về hoạt động chất vấn, dự kiến tại kỳ họp 6 sẽ không bố trí để Thủ tướng trả lời chất vấn riêng một buổi và chốt danh sách các Bộ trưởng, Trưởng ngành trả lời chất vấn như thông lệ tại các kỳ họp cuối năm mà sau khi nghe các báo cáo về thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về chất vấn, giám sát chuyên đề từ đầu nhiệm kỳ, đại biểu Quốc hội chất vấn vị nào thì vị đó đăng đàn, kể cả người đứng đầu Chính phủ.
Việc tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn được bố trí trước phiên chất vấn và trả lời chất vấn.
Các nội dung thảo luận ở hội trường về kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước, lấy phiếu tín nhiệm, chất vấn và trả lời chất vấn đều được tiến hành trước ngày 2/11 (vào 2 tuần đầu tiên của kỳ họp) để phù hợp với lịch công tác của Chính phủ.
Thảo luận về việc tổ chức phiên thảo luận về tình tình kinh tế - xã hội, các uỷ viên UB Thường vụ Quốc hội nhận định, đây là nội dung mà kỳ họp nào số đại biểu đăng ký phát biểu cũng vượt xa số có đủ thời gian để đăng đàn. Vì thế, chủ toạ kỳ họp có sự linh hoạt, đôi khi không mời theo thứ tự mà ưu tiên cho các tỉnh, thành, vùng, miền đều có đại diện.
Do thời gian có hạn, mà áp lực phải xuất hiện trước cử tri là rất lớn nên dễ hiểu khi kỳ họp trước, có phiên họp hệ thống đăng ký phát biểu bị treo vì có quá nhiều đại biểu cùng bấm máy một lúc. Có đoàn đại biểu, dù chỉ có một người chuẩn bị tinh thần phát biểu nhưng cả 6-7 thành viên trong đoàn đều bấm nút đăng ký để ai đăng ký thành công thì sẽ dành quyền phát biểu cho người đại diện của đoàn đó.
Với kinh nghiệm làm đại biểu Quốc hội liền 4 khoá, Chủ nhiệm UB Tư pháp Lê Thị Nga than “đăng ký phát biểu cũng khổ sở, có khi dành cả mấy tháng hay nửa năm để chuẩn bị một bài phát biểu, nhưng do đến lượt thì không còn thời gian nên lại không được nói”.
Bà Nga đề nghị, nội dung nào đại biểu có nhu cầu thì nên để phát biểu hết.
Từ kinh nghiệm trực tiếp điều hành một số phiên họp toàn thể tại hội trường, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng với phiên thảo luận về kinh tế - xã hội và chất vấn thì có thể tăng thời lượng lên, vì "o ép" thời gian rất khó cho đại biểu.
“Tôi điều hành thảo luận buổi sáng, nếu còn cả nghe đọc báo cáo thì tối đa được 25 người phát biểu, chiều thì thời gian làm việc còn ít hơn nên hai ngày không bao giờ đảm bảo thời gian cho tất cả đại biểu đăng ký. Mà quyền phát biểu là của đại biểu, đi tiếp xúc cử tri, cử tri nói ông này bà nọ rất ít phát biểu, rất áp lực cho đại biểu” - Chủ tịch Quốc hội nói.
Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nhắc lại đề nghị không câu nệ giờ giấc, cứ hết ý kiến thì Quốc hội mới nghỉ. Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải thì gợi ý thực hiện việc tường thuật trực tiếp buổi thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội tại các tổ trước đó.
Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc giải thích luôn, chính vì lý do đó mà Văn phòng Chính phủ có đề nghị cho truyền hình trực tiếp phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội tại tổ vì cử tri đã thấy đại biểu mình bầu lên tiếng ở tổ thảo luận rồi thì có thể thôi phát biểu ở hội trường.
Kết luận phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cơ bản đồng ý với chương trình dự kiến. Chủ tịch Quốc hội cho rằng, để nâng cao vai trò của các UB và Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, có thể bố trí thời gian để Hội đồng và các UB báo cáo thêm về một số vấn đề nổi bật.
Nhấn mạnh nguyên tắc, cải tiến về thời gian là để tăng chất lượng, chứ không phải chỉ là để rút gọn kỳ họp, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, nên duy trì thời gian phát biểu 7 phút, các báo cáo trình bày không quá 15 phút, trừ báo cáo giám sát tối cao.
Dừng dự án Luật Hành chính công do một đại biểu Quốc hội đề xuất
Phiên thảo luận về dự án Luật Hành chính công trong sáng ngày 11/9, mặc dù đánh giá cao tâm huyết và nỗ lực của Ban soạn thảo, song UB Thường vụ Quốc hội nhận định, dự thảo chưa đảm bảo điều kiện trình ra Quốc hội. Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị UB Pháp luật tiếp tục có báo cáo thẩm tra, nhưng trên tinh thần báo cáo Quốc hội xin rút dự án luật này ra khỏi chương trình, không làm nữa. Dự án luật này được coi là một công trình khoa học tâm huyết do nữ đại biểu Trần Thị Quốc Khánh đề xuất, xây dựng và sẽ được sử dụng để tham khảo khi sửa đổi, bổ sung các luật khác.
P.Thảo