Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm bao nhiêu lãnh đạo tại kỳ họp thứ 6?

(Dân trí) - Báo cáo về dự kiến chương trình kỳ họp thứ 6, Quốc hội khoá XIV trước UB Thường vụ Quốc hội chiều 16/10, Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, một nội dung đáng chú ý là Quốc hội sẽ lấy phiếu tín nhiệm với các chức danh được Quốc hội bầu và phê chuẩn. Việc này bắt đầu từ chiều 24/10 và kết quả kiểm phiếu sẽ được công bố vào chiều 25/10.

Đây là lần thứ ba Quốc hội tiến hành lấy phiếu tín nhiệm và cũng là lần lấy phiếu đánh giá tín nhiệm duy nhất trong nhiệm kỳ khoá XIV. Việc lấy phiếu là để thực hiện quyền giám sát, đánh giá mức độ tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn để làm cơ sở cho việc xem xét đánh giá cán bộ.

Theo hệ thống tổ chức, có 47 chức danh được Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn sẽ được đưa ra lấy phiếu tín nhiệm như Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc và Chủ nhiệm các UB của Quốc hội, các thành viên Chính phủ; Chánh án TAND tối cao, Viện trưởng VKSND tối cao, Tổng kiểm toán nhà nước.... Tuy nhiên, một điều kiện để chức danh được lấy phiếu là người phải đảm nhiệm chức vụ đủ 1 năm trở lên.

Như vậy, tại lần lấy phiếu này, có 2 chức danh sẽ không được lấy phiếu tín nhiệm là Chủ tịch nước và Bộ trưởng Bộ Thông tin – Truyền thông vì nhân sự đảm nhận các chức vụ này chỉ vừa được Quốc hội bầu, phê chuẩn 1-2 ngày trước phiên lấy phiếu.

Phiên chất vấn tại kỳ họp Quốc hội lần này cũng có điểm đặc biệt. Quốc hội không chọn các Bộ trưởng, Trưởng ngành cụ thể cho phiên chất vấn mà tiến hành chất vấn tổng thể về việc thực hiện lời hứa sau chất vấn từ đầu nhiệm kỳ khoá XIV đến giờ. Tuy nhiên, một nguyên tắc sẽ được duy trì trong phiên chất vấn là “hỏi nhanh, đáp gọn”, tăng cường tranh luận. Mỗi đại biểu Quốc hội chất vấn chỉ có 1 phút để đặt câu hỏi và người trả lời chất vấn có 3 phút để giải đáp vấn đề được đặt ra cho mình.

Ngoài các nội dung này, Tổng Thư ký Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, tại kỳ họp, Quốc hội cũng sẽ thông qua nghị quyết phê chuẩn Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cùng các văn kiện liên quan trước ngày 13/11/2018.

Quốc hội thảo luận tại hội trường dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) vào sáng ngày 25/10/2018, ông Phúc cho biết.

Về dự án Luật Hành chính công, sáng kiến lập pháp của đại biểu Quốc hội Trần Thị Quốc Khánh, Tổng thư ký cho biết, tại phiên họp trù bị, sẽ báo cáo Quốc hội về việc không tiếp tục xây dựng dự án luật này. Đồng thời sẽ gửi tài liệu của dự án luật (nếu có, do Ban soạn thảo đề nghị) đến đại biểu Quốc hội để làm tài liệu nghiên cứu.

Cho ý kiến về chuẩn bị kỳ họp, cả Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Phó chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng đều đều lưu ý việc tạo điều kiện cho báo chí tác nghiệp, chủ động cung cấp thông tin cho báo chí.

“Phóng viên phỏng vấn mà người được hỏi cứ đưa tay gạt gạt tỏ ý không muốn trả lời là khó chịu lắm, phải chủ động cung cấp thông tin cho báo chí”, Chủ tịch Quốc hội nói.

Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị UB Thường vụ Quốc hội làm gương và đề nghị các vị đại biểu Quốc hội tập trung họp chứ không tập trung giao lưu để kỳ họp đạt kết quả cao nhất.

P.Thảo