Quốc hội duyệt mô hình “đại học mẹ - đại học con”

(Dân trí) - Với đa số phiếu tán thành, chiều 19/11, Quốc hội thông qua luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Giáo dục đại học. Những vấn đề có nhiều tranh luận trước đó như mô hình hệ thống giáo dục đại học, quyền tự quyết của đại học, cấp bằng, học phí… đều nhận tỷ lệ tán thành cao.

Kết quả biểu quyết với toàn bộ dự thảo luật
Kết quả biểu quyết với toàn bộ dự thảo luật

Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật của UB Thường vụ Quốc hội nêu vấn đề về mô hình tổ chức cơ sở giáo dục đại học gây nhiều tranh luận trái chiều trong quá trình góp ý xây dựng luật.

Chủ nhiệm UB Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình cho biết, có ý kiến đại biểu đề nghị chỉ quy định một mô hình cơ sở là trường đại học; xóa bỏ mô hình đại học tổ chức theo 2 cấp hành chính hoặc sắp xếp lại các đại học theo hướng trường thành viên trong đại học chịu sự quản lý trực tiếp, toàn diện của đại học.

Cơ quan giải trình nhận định, mô hình, tên gọi cơ sở giáo dục đại học trên thế giới rất đa dạng, không có sự đồng nhất giữa các quốc gia, khu vực hoặc ngay trong bản thân từng nước, trong đó mô hình đại học gồm tổ hợp/nhóm các trường đại học thành viên không phải là điều mới và cũng đang là một trong những xu hướng phát triển của giáo dục đại học thế giới.

Ông Phan Thanh Bình nhấn mạnh, mô hình đại học ở Việt Nam đã có lịch sử phát triển trên 20 năm và đến nay cũng đã có những thành tựu không thể phủ nhận. Một số vướng mắc, bất cập nảy sinh trong hoạt động thực tiễn của các đại học vùng hiện nay chủ yếu là do cơ cấu tổ chức, cơ chế quản lý, đầu tư chưa phù hợp.

Theo đó, mô hình 2 cấp, trường đại học và đại học như dự thảo luật, ông Bình cho là phù hợp với xu thướng quốc tế, tôn trọng thực tiễn, đảm bảo ổn định hệ thống đại học hiện tại. Như vậy, đại học được hình thành trên cơ sở sáp nhập một số trường đại học đang tồn tại, hoặc từ một trường đại học tự lớn mạnh và hình thành các trường trực thuộc bên trong.

Luật cũng tiếp thu ý kiến đại biểu ở chỗ không quy định cứng mô hình quản lý hai cấp, mà quy định cơ sở giáo dục đại học tự xác định mô hình phát triển phù hợp với mục tiêu và sứ mệnh; tự quyết định mô hình tổ chức và cấu trúc của mình. Mối quan hệ giữa đại học và các trường thành viên, theo đó, tuân thủ theo quy định của pháp luật và theo quy chế tổ chức và hoạt động của từng đại học do cơ sở giáo dục xây dựng.

Đại học tư thục như một pháp nhân phi thương mại

Cũng có ý kiến đại biểu đề nghị làm rõ chủ sở hữu đối với cơ sở giáo dục đại học. Quyền của chủ sở hữu trong các vấn đề về tổ chức, nhân sự, kiểm tra giám sát và xử lý vi phạm đối với các cơ sở giáo dục thuộc sở hữu của mình.

UB Thường vụ Quốc hội cho rằng yêu cầu làm rõ vấn đề sở hữu đối với cơ sở giáo dục đại học là hoàn toàn xác đáng và cần thiết. Luật phân biệt rõ 2 loại hình là trường công lập và trường tư thục. Trường công lập do Nhà nước đầu tư thành lập và bảo đảm điều kiện hoạt động nên thuộc sở hữu toàn dân, do Nhà nước là đại diện chủ sở hữu. Hội đồng trường trong trường công lập được giao nhiệm vụ đại diện chủ sở hữu, có quyền quyết định những vấn đề quan trọng như định hướng phát triển trường, quyết định về cơ cấu tổ chức, tham gia quyết định nhân sự chủ chốt trong trường cũng như có trách nhiệm kiểm tra, giám sát, đánh giá hoạt động của nhà trường theo quy định của pháp luật.

Trường tư thục thì do nhà đầu tư là tổ chức, tập thể hoặc tư nhân thành lập và bảo đảm điều kiện hoạt động nên nhà đầu tư có quyền tham gia vào hội đồng trường để tác động đến tổ chức – nhân sự, tài chính – tài sản, kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm của các thiết chế trong nhà trường thuộc phạm vi trách nhiệm, quyền hạn của mình.

Theo đó, luật đã tập trung các quy định để thể hiện rõ hơn quan điểm này.

Liên quan đến việc xây dựng hệ thống trường tư thục, một số ý kiến đại biểu đề nghị thống nhất khái niệm đại học tư thục hoạt động không vì lợi nhuận; cân nhắc, rà soát lại các quy định liên quan đến việc nhà đầu tư trực tiếp đầu tư thành lập trường vì không minh bạch giữa quản trị phần vốn góp với quản trị hoạt động chuyên môn, dẫn tới khó khăn trong hướng dẫn và áp dụng pháp luật.

Chủ nhiệm UB Văn hoá, Giáo dục cho rằng, khái niệm đại học tư thục hoạt động không vì lợi nhuận là thống nhất với khái niệm về pháp nhân phi thương mại, mọi hoạt động giáo dục đều không nhằm mục tiêu thương mại và tìm kiếm lợi nhuận mà nhằm mục đích nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài.

Vậy nên việc yêu cầu nhà đầu tư thành lập tổ chức kinh tế để thực hiện đầu tư thành lập trường là căn cứ vào thực trạng của hệ thống trường đại học tư thục trong nước, cũng hướng đến việc phân định rạch ròi giữa hoạt động kinh tế và hoạt động chuyên môn trong nhà trường cũng như tiệm cận với xu hướng của quốc tế. Theo đó, luật đã quy định hai phương thức đầu tư thành lập trường.

Cụ thể, nhà đầu tư hoặc sẽ thành lập tổ chức kinh tế để thực hiện đầu tư dự án thành lập trường tư thục; hoặc có thể trực tiếp đầu tư thành lập trường.

Đối với trường hợp nhà đầu tư trực tiếp thành lập trường tư thục thì để tách bạch giữa hoạt động quản trị vốn và hoạt động quản trị chuyên môn, luật yêu cầu Quy chế tổ chức và hoạt động của nhà trường phải quy định cụ thể về hội nghị và các phương thức hoạt động của nhà đầu tư, quy định áp dụng quy định pháp luật liên quan về công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc quỹ xã hội để giải quyết các vấn đề trường mà luật này chưa quy định.

P.Thảo