Quảng Trị: Sẵn sàng trước ngày hội lớn của dân tộc
(Dân trí) - Hòa chung trong không khí kỷ niệm 40 năm ngày đất nước thống nhất, tỉnh Quảng Trị đang khẩn trương hoàn tất mọi khâu chuẩn bị để tổ chức “Lễ hội thống nhất non sông 2015”.
Những ngày tháng Tư lịch sử, có dịp đi qua đôi bờ Hiền Lương – Bến Hải (tỉnh Quảng Trị), ngắm nhìn cờ hoa rực rỡ, hẳn ai cũng mang tâm trạng bồi hồi. Trong những năm tháng chiến tranh, sông Bến Hải - cầu Hiền Lương từng mang nặng nỗi đau chia cắt đất nước suốt một thời gian dài.
Hàng năm, lễ Thượng cờ và Lễ hội thống nhất non sông được tổ chức tại Khu di tích đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải nhằm ôn lại quá khứ lịch sử hào hùng của dân tộc và truyền thống đấu tranh kiên cường, bất khuất của quân và dân ta.
Lễ hội thống nhất năm 2015 được tỉnh Quảng Trị chuẩn bị kỹ với rất nhiều hoạt động như Hội trại “Thống nhất non sông”, chương trình nghệ thuật “Nhịp cầu thống nhất”, lễ Thượng cờ và giải đua thuyền truyền thống trên sông Bến Hải…
Lễ hội Thống nhất non sông năm 2015 được tổ chức tại Quảng Trị nằm trong chuỗi các hoạt động kỷ niệm 40 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Đây không chỉ là lễ hội cách mạng đặc sắc mà còn là một trong những “điểm nhấn” du lịch độc đáo, tạo điều kiện giao lưu hội nhập với bạn bè quốc tế, thúc đẩy phát triển kinh tế, du lịch Quảng Trị.
Được biết, công tác đảm bảo TTATGT được UBND tỉnh, Công an tỉnh chỉ đạo sát sao. Trong đó, tập trung phương án phân luồng, tổ chức giao thông nhằm bảo đảm tuyệt đối an toàn cho các đoàn đại biểu và lực lượng tham gia diễu binh, diễu hành; không để xảy ra ùn tắc giao thông, tai nạn giao thông và những tình huống phức tạp về TTATGT làm ảnh hưởng đến các hoạt động kỷ niệm.
Đặc biệt, cũng trong dịp này, tỉnh Quảng Trị sẽ đón bằng công nhận Di tích Quốc gia đặc biệt địa đạo Vịnh Mốc và hệ thống làng hầm Vĩnh Linh. Đây là di tích lịch sử, văn hóa mang đậm nhiều dấu ấn, làng ngầm chiến đấu độc đáo trong lòng đất.
Khu di tích địa đạo Vịnh Mốc hàng năm thu hút từ 6-7 vạn người đến tham quan.
Hệ thống làng hầm địa đạo Vĩnh Linh được xây dựng từ năm 1966 - 1968, khi kẻ thù đang leo thang đánh phá miền Bắc với sự kiện Vịnh Bắc Bộ năm 1965. Với quyết tâm tồn tại để chiến đấu và chiến thắng kẻ thù, Đảng ủy khu vực Vĩnh Linh đã chủ trương công sự hoá toàn khu vực, chuyển mọi hoạt động của con người vào lòng đất.
Trong thời gian từ 1966 - 1968, chỉ bằng các dụng cụ thô sơ, tự tạo, quân và dân Vĩnh Linh đã đào trên 3,75 triệu m3 đất đá xây dựng một hệ thống làng hầm gồm 114 địa đạo với hơn 40 km đường hầm sâu trong lòng đất từ 15 - 20m; xây dựng 2.100 km giao thông hào, 100.000 hầm trú ẩn các loại.... Một số địa đạo tiêu biểu được xây dựng ngay trong năm 1966 như đại đạo Mỹ Duyệt - Thuỷ Tú dài 3.500m; địa đạo Vĩnh Cường - Vĩnh Nam dài 3.200m; địa đạo Thuỷ Trung dài 2.010m, địa đạo Vịnh Mốc dài 1.700m...
Trong những năm tháng chiến tranh ác liệt, hệ thống làng hầm địa đạo Vĩnh Linh đã trở thành “lá chắn thép”, che chở, bảo vệ vững chắc, hạn chế đến mức thấp nhất sự tổn thất về người và tài sản, phục vụ tốt cho việc sinh hoạt và chiến đấu. Đây cũng là nơi cất giấu lương thực, vũ khí giúp Vĩnh Linh làm tốt vai trò hậu phương đối với đảo Cồn Cỏ và tiền tuyến lớn miền Nam.
Đăng Đức