Phó Chủ tịch Quốc hội:
“Quảng Trị cần quan tâm hơn các chính sách cho đồng bào dân tộc”
(Dân trí) - Chiều 17/6, Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng đã có phiên làm việc với các lãnh đạo chủ chốt của tỉnh Quảng Trị và huyện Hướng Hóa, sau khi đến thăm, động viên bà con vùng biên giới.
Báo cáo với đoàn công tác của Quốc hội một số nét nổi bật về kinh tế, xã hội tỉnh Quảng Trị, ông Hà Sỹ Đồng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, năm 2017 và 5 tháng đầu năm 2018, tỉnh Quảng Trị đã hoàn thành vượt mức 22/22 chỉ tiêu kinh tế- xã hội đề ra. Tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) tăng 7,02% so với năm 2016; quy mô nền kinh tế (tính theo GRDP giá hiện hành) đạt 24.623 tỉ đồng; thu nhập bình quân đầu người đạt 39,24 triệu đồng, tỉ lệ hộ nghèo theo chuẩn mới còn 11,52%. Tổng thu ngân sách trên địa bàn đạt hơn 2400 tỷ đồng. Tỉnh Quảng Trị đã thực hiện tốt công tác cải cách hành chính, tạo môi trường đầu tư lành mạnh nhằm thu hút nhiều doanh nghiệp vào đầu tư.
Theo báo cáo của UBND tỉnh, đến nay toàn tỉnh có 149 dự án đầu tư vào các khu công nghiệp, khu Kinh tế; trong đó, có 88 dự án đã đi vào hoạt động. Trong sản xuất nông nghiệp, tỉnh Quảng Trị đã đầu tư các mô hình nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ. Toàn tỉnh có 40/117 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Về văn hóa xã hội, toàn tỉnh có 9/9 huyện, thị xã, thành phố duy trì kết quả phổ cập giáo dục mầm non, phổ cập giáo dục tiểu học, THCS và xóa mù chữ. Có 249 trường đạt chuẩn quốc gia.
Các chương trình 135, 134, chương trình định canh định cư, chính sách hỗ trợ trực tiếp cho hộ nghèo được tiếp tục triển khai. Tuy nhiên, do đặc thù miền núi nên tỷ lệ hộ nghèo trong vùng dân tộc trong tỉnh vẫn đang ở mức cao.
Ông Hà Sỹ Đồng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị thay mặt cho địa phương kiến nghị giải quyết dứt điểm tranh chấp đất đai giữa xã A Bung, (huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị) với xã Hồng Thủy (huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên - Huế); tăng mức hỗ trợ đầu tư cho các nội dung của chương trình 135 về hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng, hỗ trợ phát triển sản xuất, hỗ trợ nâng cao năng lực cho cộng đồng và cán bộ cơ sở cho các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới.
Bà Hồ Thị Lệ Hà – Bí thư Huyện ủy Hướng Hóa cho biết, huyện miền núi Hướng Hóa nằm trên tuyến hành lang Kinh tế Đông - Tây, có vị trí chiến lược quan trọng. Sau 50 năm xây dựng, kiến thiết, được sự hỗ trợ của Nhà nước nên bộ mặt đã có nhiều thay đổi.
Trong đó, giá trị sản xuất nông lâm nghiệp của huyện năm 2017 đạt 1.264 tỉ đồng, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ đạt 5.832 tỉ đồng. Địa phương đã tập trung chuyển đổi kinh tế, quy hoạch các vùng nguyên liệu phục vụ công nghiệp chế biến, tạo ra các sản phẩm đặc thù, có tính cạnh tranh: cà phê, hồ tiêu, sắn, mắc ca. Tuy nhiên, mức sống giữa đồng bào dân tộc và người Kinh tại huyện Hướng Hóa vẫn còn khoảng cách. Nếu toàn huyện có 5.490 hộ nghèo (năm 2017), thì có đến 91% hộ nghèo là người đồng bào thiểu số…
Bí thư Tỉnh ủy Quảng Trị - ông Nguyễn Văn Hùng cho rằng, địa phương nằm trên hành lang kinh tế Đông – Tây nên kiến nghị Quốc hội, Chính phủ quan tâm chỉ đạo, nghiên cứu ưu tiên cho tỉnh Quảng Trị các chính sách để phát triển. Giới thiệu nhiều doanh nghiệp có tiềm lực vào đầu tư tại địa phương.
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng đánh giá tỉnh Quảng Trị có nhiều kết quả tốt trong công tác phát triển kinh tế, xã hội thời gian gần đây, làm tốt công tác an ninh quốc phòng. Đặc biệt, trong công tác đối ngoại với nước bạn Lào là mối quan hệ đặc biệt. Phải xây dựng vùng biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển.
Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng lưu ý Quảng Trị cần làm tốt hơn nữa, quan tâm chăm lo các chính sách cho đồng bào dân tộc. Trong công tác xây dựng Đảng phải đào tạo, bồi dưỡng cán bộ đồng bào dân tộc.
Đoàn công tác Quốc hội tiếp thu những ý kiến của địa phương để nghiên cứu, tìm giải pháp giúp giải quyết những khó khăn vướng mắc và có những cơ chế, chính sách đặc thù cho Quảng Trị.
Đ. Đức