Quảng Nam - Nhật Bản: Tình hữu nghị 15 năm bền chặt, sắt son
(Dân trí) - Nằm trong khuôn khổ sự kiện “Những ngày văn hóa Nhật Bản tại Quảng Nam” và “Giao lưu văn hóa Hội An-Nhật Bản” lần 16/2018”, ngày 19/8, tại TP Hội An đã diễn ra buổi giao lưu hữu nghị 15 năm giao lưu, hợp tác Quảng Nam - Nhật Bản, tình hữu nghị bền chặt, sắt son.
Tình hữu nghị Việt Nam-Nhật Bản vốn có từ nhiều thế kỷ nay. Từ sự xuất hiện của các thuyền buôn cùng các thương nhân Nhật Bản vào thế kỷ thứ XVII góp phần làm sống động thương cảng Hội An một thời, đến câu chuyện tình giữa công chúa triều Nguyễn với thương gia đến từ đất nước Phù Tang là những minh chứng sinh động về mối quan hệ hữu nghị Việt-Nhật.
Ngày nay, với “đối tác chiến lược sâu rộng vì hòa bình và phồn vinh của Châu Á”, quan hệ Việt Nam-Nhật Bản ngày càng phát triển mạnh mẽ, toàn diện và thực chất, là cơ sở để giao lưu hữu nghị giữa nhân dân Việt-Nhật ngày càng mở rộng, thiết thực, hiệu quả trên các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, khoa học, kỹ thuật.
Đối với Quảng Nam, thông qua Liên hiệp các tổ chức hữu nghị -cơ quan đầu mối thực hiện chức năng đối ngoại nhân dân “cầu nối hữu nghị” giữa nhân dân Quảng Nam với các dân tộc trên thế giới, trong đó có nhân dân các địa phương của Nhật Bản, kết nối với các tổ chức phi chính phủ Nhật Bản thực hiện các chương trình nhân đạo từ thiện, các dự án sinh kế, bồi dưỡng nguồn nhân lực, chăm sóc sức khỏe cộng đồng, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa.
Ông Konaka Tetsuo - Trưởng đại diện Văn phòng Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) tại Việt Nam đã chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm về các mô hình dự án hợp tác giữa JICA với tỉnh Quảng Nam trong những năm qua, đặc biệt là những dự án hợp tác kinh tế qui mô nhỏ được thực hiện bởi các tổ chức, đoàn thể của Nhật Bản.
Ông Konaka Tetsuo chia sẻ: “Bên cạnh dự án viện trợ không hoàn lại, JICA cũng tiến hành một số dự án hợp tác qui mô nhỏ theo loại hình “Hợp tác đối tác phát triển”, trong đó JICA hỗ trợ ngân sách và ủy thác việc thực hiện cho các tổ chức phi chính phủ, chính quyền địa phương hoặc trường đại học của Nhật Bản nhằm khuyến khích người dân Nhật Bản tham gia vào hoạt động hợp tác quốc tế sử dụng nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) để chuyển giao công nghệ và chia sẻ kinh nghiệm”.
Dự án viện trợ không hoàn lại mà tổ chức JICA thực hiện tại Hội An nổi bật là dự án cải thiện môi trường nước khu vực Chùa Cầu. Dự án này hỗ trợ cải tạo hệ thống kênh dẫn nước thải và xây dựng nhà máy xử lý nước thải với công suất 2.000 m3/ngày, để xử lý nước ô nhiễm tại kênh dẫn tới Chùa Cầu.
Ngoài ra còn nhiều dự án hợp tác kỹ thuật cấp cơ sở và Chương trình phái cử tình nguyện viên: Chương trình giảm thiểu khối lượng rác thải theo mô hình Naha tại thành phố Hội An” được thành phố Naha thuộc tỉnh Okinawa (Nhật Bản) thực hiện tại tất cả 13 xã phường trên địa bàn Hội An; Dự án hỗ trợ phát triển tiềm lực nông thôn dựa vào sự chủ động của cộng đồng bà con dân tộc thiểu số tại huyện Nam Giang (thực hiện từ 8/2016)… Giúp đỡ Hội An trong việc tu bổ, sửa chữa nhà cổ, bảo tồn đô thị cổ Hội An…
JICA cùng các chuyên gia TP Minamiboso Nhật Bản đã tư vấn, giúp đỡ về vật chất, tinh thần cho làng rau Hưng Mỹ (xã Bình Triều, Thăng Bình) xúc tiến mở các cửa hàng tại TP Tam Kỳ góp phần đưa tên tuổi làng rau Hưng Mỹ lan xa; JICA cũng đã tư vấn, trợ giúp cho những người nông dân từ hệ thống tưới đến nhà lưới che nắng mưa, tăng năng suất từ 20-30% so với canh tác theo phương thức truyền thống…
Tổ chức cứu trợ, phát triển quốc tế của Nhật Bản (FIDR) thực hiện Dự án phát triển tiềm năng, tiềm lực nông thôn dựa vào sự chủ động của cộng đồng dân tộc thiểu số huyện Nam Giang (Quảng Nam), phát triển cộng đồng, phát triển làng dệt thổ cẩm Za Ra, du lịch dựa vào cộng đồng Cơtu Nam Giang góp phần vào công tác xóa đói, giảm nghèo…
Dưới góc độ giao lưu nhân dân, trong 15 năm qua, tính từ khi Liên hiệp các tổ chức hữu nghị tỉnh Quảng Nam được thành lập đến nay đã cùng với Liên hiệp các tổ chức hữu nghị và Hội hữu nghị Việt-Nhật Tp. Đà Nẵng phối hợp triển khai nhiều hội thảo, hội nghị, chia sẻ kinh nghiệm với các đối tác, tổ chức nhân dân, tổ chức phi chính phủ của Nhật Bản, góp phần tăng cường tình hữu nghị và mở rộng hợp tác với Nhật Bản.
Ông Nguyễn Văn Sơn - Phó Chủ tịch TP Hội An - chia sẻ: “Trên nền tảng các giá trị di sản văn hóa, sinh thái và nhân văn, Hội An vừa mở rộng vòng tay đón nhận những nhân tố mới, tích cực, hữu ích đến với mình, vừa chủ động đẩy mạnh hoạt động đối ngoại trên nhiều lĩnh vực để phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường và tiếp nhận tinh hoa để bồi đắp nâng cao các giá trị văn hóa của địa phương. Sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị và sự chung tay của cộng đồng doanh nghiệp, các tầng lớp nhân dân trong việc quyết tâm xây dựng thành phố sinh thái-văn hóa-du lịch phát triển năng động, bền vững. Tăng cường mối quan hệ hợp tác, hữu nghị, giao lưu văn hóa với Nhật Bản hơn nữa trong thời gian tới”.
Ông Konaka Tetsuo - Trưởng đại diện JICA tại Việt Nam) khẳng định: “Tuy các dự án JICA ở Quảng Nam không lớn về quy mô, giá trị nhưng đều là những dự án được truyền thêm hơi thở mang lại hiệu quả lâu dài, bền vững nhờ những cam kết đồng hành phát triển của JICA cùng với quyết tâm và sự chủ động vào cuộc của tỉnh Quảng Nam trong thời gian qua. Hy vọng các dự án đang và đã triển khai của JICA tại Quảng Nam sẽ tiếp tục đạt hiệu quả tốt, mang lại lợi ích cao cho người dân vùng dự án; và sẽ có nhiều sự hớp tác thiết thực hơn nữa giữa JICA và tỉnh Quảng Nam, cũng như thúc đẩy mối quan hệ hữu nghị bền chặt giữa Quảng Nam-Nhật Bản trong tương lai”.
Ông Trần Văn Tân - Phó Chủ tịch tỉnh Quảng Nam - hy vọng, quan hệ giao lưu nhân dân Quảng Nam-Nhật Bản sẽ có bước phát triển mới, cả về chiều rộng và chiều sâu, với nhiều chương trình, dự án mới được triển khai, mang lại cuộc sống ổn định, phồn vinh cho người dân vùng dự án. Tỉnh Quảng Nam mong muốn các doanh nghiệp đang hoạt động tại Quảng Nam tiếp tục đẩy mạnh các dự án đầu tư, đồng thời tin tưởng sẽ ngày càng có nhiều doanh nghiệp Nhật đến Quảng Nam tìm kiếm cơ hội đầu tư, hình thành cộng đồng doanh nghiệp Nhật tại Quảng Nam.
N.Linh-C.Bính