Quảng Bình: Gần 7.000 người dân chấm điểm cán bộ
(Dân trí) - Sau 6 tháng đầu tiên triển khai, dự án Dân chấm điểm M-Score đã ghi nhận hơn 33.000 bộ hồ sơ và khảo sát gần 7.000 ý kiến của người dân về chất lượng phục vụ của cán bộ các văn phòng một cửa trên toàn tỉnh Quảng Bình.
Sáng 31/8, tại TP Đồng Hới, tổ chức Oxfam phối hợp với HĐND tỉnh Quảng Bình đã tổ chức Hội thảo công bố kết quả lần thứ nhất dự án Dân chấm điểm M-Score.
Theo đó, sau 6 tháng triển khai, Chương trình Dân chấm điểm đã tiếp cận khảo sát 6.751 người dân thực hiện thủ tục hành chính tại bộ phận một cửa cấp huyện của 7 địa phương thuộc tỉnh Quảng Bình, với số trường hợp thành công đạt tỷ lệ thành công đạt 79,9%. Đơn vị thực hiện khảo sát cũng đã ghi nhận 33.260 hồ sơ hợp lệ được tiếp nhận và xử lý theo cơ chế một cửa tại 7 huyện của tỉnh Quảng Bình. Trong đó, phần lớn là thủ tục đất đai, chiếm hơn 70% tổng số hồ sơ.
Hệ thống tổng đài M-Score 1800.8006 được đặt tại HĐND tỉnh Quảng Bình cũng đi vào hoạt động ổn định, giải quyết các trường hợp tra cứu hồ sơ, phản ánh ý kiến, thắc mắc của người dân khi đi làm thủ tục hành chính. Trong sáu tháng thực hiện, đường dây nóng đã tiếp nhận được 70 cuộc gọi từ người dân, trong đó nội dung các cuộc gọi chủ yếu liên quan đến thủ tục đất đai, chiếm trên 90%.
Kết quả định tính của khảo sát M-Score cho thấy có 113 người dân thể hiện sự hài lòng về tất cả các mặt khi đi làm thủ tục. Hơn 100 ý kiến đề cập đến sự thay đổi tích cực trong chất lượng dịch vụ. Tuy nhiên, những ý kiến, như vậy chỉ chiếm khoảng 2% số lượng người được phỏng vấn.
Qua khảo sát cho thấy, thái độ phục vụ của cán bộ là điều khiến nhiều người dân hài lòng nhất khi đi làm thủ tục (3.432 ý kiến), bên cạnh đó, vấn đề khiến người dân không hài lòng nhất chính là thời gian xử lý hồ sơ kéo dài, không có giải thích hợp lý (375 ý kiến).
Kết quả 6 tháng khảo sát cũng cho thấy cứ 100 người được khảo sát thì có khoảng 3 trường hợp nộp tiền không có phiếu thu và 9 trường hợp bị hẹn đi hẹn lại trong quá trình làm thủ tục. Mặc dù hai hiện tượng trên có dấu hiệu giảm trong 5 tháng đầu khảo sát, tháng thứ 6 lại chứng kiến sự tăng lên ở cả hai chỉ số, đặc biệt là số trường hợp bị hẹn đi hẹn lại.
Như vậy, sau hơn nửa năm triển khai, Chương trình Dân chấm điểm M-Score đã đạt được những thành tựu đáng ghi nhận. Sáng kiến Dân chấm điểm M-Score đã trở thành một nhân tố thúc đẩy cho những thay đổi tích cực trong thời gian qua về nhân sự, đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng phục vụ của các cơ quan chuyên môn, ban hành quy chế tổ chức và hoạt động ở một số BP1C của tỉnh Quảng Bình.
Tiến Thành