Phó Thủ tướng: Phân định công - tư, nhưng không phân biệt đối xử!
(Dân trí) - “Không nên hiểu đổi mới, sắp xếp hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập là dẹp bớt đi, đông người quá thì giảm bớt đi mà là sắp xếp hợp lý. Nhà nước sẽ phải phân định rõ “công”, “tư” nhưng không được phân biệt đối xử với các đơn vị sự nghiệp công lập hay dân lập”.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ - Trưởng Ban chỉ đạo Nhà nước về đổi mới cơ chế hoạt động đơn vị sự nghiệp công lập (ĐVSNCL) - nhấn mạnh như vậy trong buổi làm việc với Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) sáng 1/6.
Nhân lực bị phân tán, lãng phí!
Theo báo cáo chưa đầy đủ, cả nước hiện có 3 tổ chức KH&CN tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư (0,5%); 59 tổ chức tự bảo đảm chi thường xuyên (10%); 281 tổ chức tự bảo đảm một phần chi thường xuyên (48,3%); 239 tổ chức do Nhà nước bảo đảm chi thường xuyên (41,2%). Trên toàn quốc, tính đến 31/5/2016, cả nước có 1.432 tổ chức KH&CN công lập với tổng số nhân lực nghiên cứu thuộc khu vực công lập 139.531 người (trong tổng số nhân lực nghiên cứu của cả nước là 164.744 người).
Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ của Bộ KH&CN Trần Đắc Hiến cho biết: Với số lượng đơn vị và nhân lực như vậy là quá nhiều trong khả năng ngân sách nhà nước cấp phát còn hạn chế. Ngoài 90% cơ cấu chi dành cho cho chi thường xuyên, chỉ còn gần 10% chi đầu tư phát triển thì khó tạo ra sản phẩm có chất lượng cao. Thêm vào đó, tính trung bình mỗi bộ, địa phương có 13 tổ chức khoa học cũng là nhiều.
Theo ông Hiến, việc chồng chéo, trùng lặp nhiệm vụ diễn ra ở các cấp cơ quan Bộ, ngành, địa phương nên nguồn lực bị phân tán, lãng phí. Cơ cấu phân bố đơn vị khoa học bất hợp lý khi chủ yếu tập trung ở Hà Nội và TPHCM. Quy mô hoạt động của ĐVSNCL nhỏ khi ở địa phương có 3 Trung tâm gồm: Trung tâm thông tin KHCN, Trung tâm ứng dụng tiến bộ KHCN, Trung tâm tiêu chuẩn kỹ thuật đo lường chất lượng, mỗi trung tâm có trên 10 người.
Bộ KH&CN về định hướng việc chuyển các đơn vị nghiên cứu khoa học cơ bản sang các trường và đơn vị nghiên cứu ứng dụng sang các Tập đoàn, doanh nghiệp, Trưởng Đoàn công tác gợi mở cho Bộ KH&CN, Ban chỉ đạo nghiên cứu kỹ hơn việc một số Trường Đại học trên thế giới đã thành lập một hoặc nhiều doanh nghiệp cung cấp dịch vụ khoa học trực thuộc trường và hoạt động rất hiệu quả.
Thừa cán bộ quản lý, thiếu cán bộ nghiên cứu khoa học
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng, trong sắp xếp lại tổ chức ĐVSNCL, các Bộ, ngành và địa phương phải tìm ra địa chỉ cụ thể, không nên chỉ đặt ra mục tiêu từng bước sắp xếp với các con số chung chung. Phải có tiêu chí để sắp xếp các đầu mối và biên chế, không thực hiện giảm hay tăng theo kiểu cơ học. Tương tự như vậy là nêu địa chỉ cụ thể ở các lĩnh vực, đơn vị có thể tự chủ được tài chính.
“Không nên hiểu đổi mới, sắp xếp hoạt động của ĐVSNCL là dẹp bớt đi, đông người quá thì giảm bớt đi mà là sắp xếp hợp lý, cần giảm đầu mối, biên chế thì giảm, cần cơ cấu lại, tăng thì vẫn phải tăng, kể cả giải thể đơn vị để đạt mục tiêu cao nhất là nâng cao hiệu quả hoạt động. Vẫn có nơi thừa cán bộ quản lý nhưng lại thiếu cán bộ nghiên cứu khoa học” - Phó Thủ tướng cho hay.
Lãnh đạo Chính phủ cũng chia sẻ với Bộ KH&CN về tìm cách phân loại, đánh giá xếp hạng các ĐVSNCL, xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn hoạt động, kiểm tra thanh tra theo hướng tiền kiểm hay hậu kiểm chất lượng, gợi mở việc bàn thảo các vấn đề về cơ chế chủ quản của ĐVSNCL, cách thức tổ chức các ĐVSNCL tự chủ được mà không muốn chuyển sang hoạt động theo mô hình doanh nghiệp. Bên cạnh đó, Ban chỉ đạo Nhà nước nghiên cứu, đánh giá việc thực hiện hành lang pháp lý hiện nay.
Phó Thủ tướng cho biết Đề án của Chính phủ cũng đặt ra việc nghiên cứu xây dựng cơ chế hợp đồng có thời hạn của viên chức tại cơ sở khoa học để một mặt, tinh giản bộ máy, biên chế, mặt khác tạo điều kiện nâng cao năng lực của bộ phận này.
“Trong tổ chức và thực hiện dịch vụ công, Nhà nước sẽ phải phân định rõ “công”, “tư” nhưng không được phân biệt đối xử với các đơn vị sự nghiệp công lập hay dân lập. Nhà nước vẫn đặt hàng dịch vụ đối với các công ty cổ phần, tư nhân” - Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Châu Như Quỳnh