Phó Thủ tướng: Mọi thua thiệt vẫn đổ lên đầu người nông dân
(Dân trí) - “Thị trường vật tư đầu vào ít người bán mà nhiều người mua nên bị ép giá, còn thị trường đầu ra nhiều người bán mà ít người mua mà thua thiệt lại đổ lên đầu người nông dân. Do đó phải liên kết lại với nhau giữa các hộ nông dân, giữa các hộ sản xuất với doanh nghiệp và thị trường” - Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nói.
Chiều 28/6 tại Cần Thơ, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ dự Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Luật Hợp tác xã năm 2012 trong lĩnh vực nông nghiệp tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long và Đông Nam Bộ. Tham dự hội nghị có lãnh đạo các Ban Đảng, bộ, ngành Trung ương và lãnh đạo của 19 tỉnh, thành phố trong hai vùng.
Thực hiện Luật HTX năm 2012, có 7/19 Tỉnh ủy, thành ủy, 3/19 Hội đồng nhân dân cấp tỉnh ban hành nghị quyết triển khai Luật, 17/19 tỉnh ban hành Đề án và Kế hoạch phát triển kinh tế tập thể; 8/19 tỉnh, thành phố ban hành chính sách hỗ trợ HTX của địa phương. Còn lại các tỉnh đều ban hành văn bản hướng dẫn Luật.
Các địa phương đã lồng ghép các chương trình hỗ trợ sản xuất nông nghiệp giúp các HTX nông nghiệp đẩy mạnh liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản. Như TPHCM hỗ trợ gần 600 triệu đồng cho 26 HTX nông nghiệp thuê 49 cán bộ có trình độ đại học, cao đẳng về làm việc; tỉnh Đồng Tháp điều động 15 cán bộ kỹ thuật nông nghiệp về làm Phó Giám đốc HTX. Ngoài ra các doanh nghiệp đã hỗ trợ HTX thông qua liên kết sản xuất tiêu thụ nông sản với số vốn hàng trăm triệu đồng.
Vùng ĐBSCL và Đông Nam Bộ có nhiều năng lực trong phát triển kinh tế nông nghiệp nhưng số lượng HTX đạt hơn 1.600 HTX, chiếm tỷ lệ rất nhỏ (15,14%) so với tổng số HTX trong cả nước. Tuy nhiên, chất lượng hoạt động được đánh giá tốt hơn các vùng khác khi quy mô vốn bình quân cao hơn và tỷ lệ HTX hoạt động hiệu quả đạt gần 42% (cả nước là 30%), kết nối HTX và doanh nghiệp đạt 87% (cả nước bình quân chỉ có 11,92%). Ngoài ra, số lượng Tổ hợp tác cao nhất cả nước với 22.000 tổ hợp tác, chiếm 35% so với cả nước.
Tiêu biểu có HTX bò sữa Sóc Trăng đã thành công chọn đối tượng con bò sữa ở khu vực không có lợi thế sản xuất mà hơn 10 năm qua tăng gấp 10 lần số xã viên, 10 lần đàn bò (hiện đang có 6.000 con) ở vùng có 90% là đồng bào Khmer, bảo đảm được lợi ích xã viên, các hộ chăn nuôi trong bối cảnh giá sữa diễn có nhiều bất lợi.
Đánh giá cao các nỗ lực của các tỉnh, thành phố trong vùng Nam Bộ về phát triển HTX theo Luật mới, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban chỉ đạo sơ kết 5 năm việc thực hiện Luật Hợp tác xã năm 2012 cho rằng các tỉnh trong Vùng gặp nhiều thuận lợi trong phát triển HTX khi có dư địa nâng cấp 22.000 Tổ hợp tác thành HTX.
Lãnh đạo Chính phủ đề nghị các địa phương tuyên truyền nhận thức về tính tất yếu của kinh tế tập thể trong nền kinh tế thị trường còn “bất đối xứng” của Việt Nam.
“Thị trường vật tư đầu vào ít người bán mà nhiều người mua nên bị ép giá, còn thị trường đầu ra nhiều người bán mà ít người mua mà thua thiệt lại đổ lên đầu người nông dân. Do đó phải liên kết lại với nhau giữa các hộ nông dân, giữa các hộ sản xuất với doanh nghiệp và thị trường” - Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nói.
Phó Thủ tướng phát biểu tại hội nghị.
Qua hội nghị, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng giao Bộ NN&PTNT rà soát lại Thông tư hướng dẫn việc đánh giá hiệu quả hoạt động của HTX trên cả 2 mặt về thu nhập tài chính, lợi nhuận và mức độ gia tăng kinh tế hộ gia đình, là hiệu quả cuối cùng của HTX; phối hợp với các bộ, ngành rà soát lại các thể chế, chính sách để thu hút DN đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.
Phó Thủ tướng yêu cầu bổ sung HTX vào danh mục đối tượng vay vốn ứng dụng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, hợp pháp hóa tài sản trên đất của HTX hay hộ nông dân để sử dụng thế chấp vay vốn ngân hàng, hỗ trợ lãi suất sau đầu tư kết cấu hạ tầng.
"Cho người nghèo vay vốn, đừng lo thất thu"
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu tại Hội nghị tổng kết 5 năm (2012- 2016) thực hiện Đề án củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng chính sách tại khu vực Tây Nam Bộ diễn ra tại Cần Thơ ngày 28/6.
Phó Thủ tướng lưu ý, vùng Tây Nam Bộ cần phải nỗ lực thực hiện tín dụng chính sách cho người nghèo hơn nữa khi mà tổng dư nợ của ngân hàng chính sách xã hội là 157.000 tỷ, nhưng riêng Tây Nam Bộ chỉ đạt 28.000 tỷ, còn rất khiêm tốn. Cả nước đã có 30 triệu lượt hộ tiếp nhận chương trình nhưng vùng chỉ có được 2,4 triệu lượt hộ tiếp cận.
“Cả nước có 190.000 tổ tiết kiệm vay vốn, 11.000 điểm giao dịch. Hầu như xã nào cũng có điểm giao dịch cả và lan tỏa cho tới tận thôn bản. Trong thực hiện chính sách, người dân trực tiếp bình xét, xét chọn hộ thụ hưởng và người dân giám sát thực hiện chính sách này. Chính vì thế nợ xấu chỉ ở hệ thống ngân hàng thương mại thôi còn nợ xấu của NHCSXH chỉ chiếm 0,6% vì bà con vay, sử dụng có trách nhiệm, hiệu quả. Nhiều năm trước, khi dư nợ tín dụng học sinh sinh viên lên 30.000 tỷ đồng thì tôi cũng lo lắng nhưng chúng ta đã làm rất tốt. Trong nhận thức hay trong tuyên truyền thì phải làm sao thấm đượm tinh thần người dân vừa là chủ thể vừa là đối tượng thụ hưởng, giám sát và cần huy động sự vào cuộc của các đoàn thể xã hội”, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ bày tỏ.
Từ đó, Phó Thủ tướng đặt ra mục tiêu cho Vùng Tây Nam Bộ và NHCSXH trong phạm vi 3 tới 5 năm tới phải cung cấp tín dụng chính sách cho 100% đối tượng được thụ hưởng nếu đủ điều kiện và có nhu cầu; đẩy lùi, hạn chế tín dụng phi chính thức ở nông thôn nhất là tín dụng đen. Bên cạnh đó, vùng cũng phải tìm cách tăng tổng dư nợ, mức bình quân vay vốn và số hộ tham gia vay vốn.
P.T