Phê bình lãnh đạo nhiều Bộ nợ nghị định mà vẫn vắng họp

(Dân trí) - Chỉ 2 trong tổng số 22 Bộ, ngành có lãnh đạo dự phiên họp kiểm tra tình hình xây dựng văn bản hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh trong khi danh sách Bộ có văn bản đang nợ đọng kéo đến 2 con số. Bộ trưởng – Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng thẳng thắn phê bình.

Sáng ngày 24/3, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng - Tổ công tác của Thủ tướng chủ trì cuộc họp kiểm tra rà soát chuyên đề về tình hình xây dựng các văn bản chi tiết thi hành luật, pháp lệnh của 11 Bộ, cơ quan.

Đó là các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Y tế, Tài nguyên và Môi trường, Giáo dục và Đào tạo, Thông tin và Truyền thông, Giao thông và Vận tải, Lao động, Thương binh và Xã hội, Công Thương, Công an, Tài chính và Ngân hàng Nhà nước.

Tổ trưởng Tổ công tác - Bộ trưởng Mai Tiến Dũng chủ trì cuộc kiểm tra việc xây dựng văn bản hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh của 11 Bộ ngành (ảnh: VGP).
Tổ trưởng Tổ công tác - Bộ trưởng Mai Tiến Dũng chủ trì cuộc kiểm tra việc xây dựng văn bản hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh của 11 Bộ ngành (ảnh: VGP).

Tổ trưởng Tổ công tác: Bộ trưởng phải chịu trách nhiệm nếu không hoàn thành nhiệm vụ.
Tổ trưởng Tổ công tác: "Bộ trưởng phải chịu trách nhiệm nếu không hoàn thành nhiệm vụ".

Truyền đạt ý kiến của Thủ tướng khi bắt đầu buổi kiểm tra, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ - Tổ trưởng Tổ Công tác Mai Tiến Dũng cho biết, tới đây tại phiên họp Chính phủ, Chính phủ sẽ công khai đánh giá Bộ nào làm tốt, Bộ nào không làm tốt các nhiệm vụ được giao liên quan đến công tác xây dựng thể chế.

“Hôm nay rất nhiều bộ có văn bản nợ đọng nhưng không cử lãnh đạo Bộ dự họp. Việc này cho thấy một vấn đề, sự quan tâm của lãnh đạo Bộ tới công tác xây dựng thể chế rất hạn chế, trong khi đây là việc rất quan trọng. Hôm nay chỉ có lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước và Bộ Lao động Thương binh và Xã hội dự họp”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nêu rõ.

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng thông tin, hiện Chính phủ còn 10 văn bản hướng dẫn thi hành pháp luật quá hạn, mà lẽ ra phải có hiệu lực từ 1/1/2017. Như vậy, việc soạn thảo các nghị định đã quá hạn 3 tháng.

Dự báo, ngày 1/7 tới đây sẽ có 11 văn bản có hiệu lực mà nếu không chuẩn bị rốt ráo thì lại thêm nhiều nhiệm vụ quá hạn vì theo quy định, để kịp hạn 1/7 thì chậm nhất ngày 15/5, các văn bản phải được ban hành.

“Thủ tướng chỉ đạo Tổ công tác tập trung kiểm tra trách nhiệm của các bộ liên quan đến xây dựng thể chế”, ông Mai Tiến Dũng nhấn mạnh.

Tổ trưởng Tổ công tác đề nghị các bộ giải trình, báo cáo, cam kết thời gian thực hiện nhiệm vụ được giao.

Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ nêu quan điểm: “Hôm nay không có lãnh đạo Bộ thì các nhân sự dự họp phải thay mặt lãnh đạo Bộ cam kết và cam kết này sẽ được đăng tải trên báo chí. Không thực hiện được, Bộ trưởng phải chịu trách nhiệm. Chúng ta rất minh bạch việc này vì đây là vấn đề quan trọng. Chính phủ kiến tạo mà không dựa vào thể chế thì không thể điều hành được”.

Ông Dũng dẫn chứng, liên quan đến Luật Dược (đã có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2017) nhưng đến nay, vẫn còn 3 nghị định quy định chi tiết thi hành luật quá hạn ban hàn mà chưa hoàn thành. Trong đó có nghị định quy định chính sách đặc thù về giống, vốn và công nghệ trong phát triển nuôi trồng, khai thác dược liệu (hướng dẫn thi hành quy định tại điểm b, khoản 3, Điều 10 Luật dược) do Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chủ trì soạn thảo chưa trình. Nghị định này đã quá hạn 5 tháng 23 ngày tính đến thời điểm kiểm tra.

Trình bày nhiều khó khăn dẫn đến việc chưa hoàn thành nhiệm vụ, đại diện Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn hứa ngày 28/3 sẽ trình dự thảo Nghị định.

Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng lưu ý, việc kiểm tra nhằm thúc đẩy phối hợp tốt hơn giữa các Bộ, kể cả Văn phòng Chính phủ, khâu nào ách tắc thì tháo gỡ. Khi kiểm tra các Bộ, nếu Văn phòng Chính phủ có lỗi, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ phải xin lỗi.

Một trong những điểm vướng dẫn tới việc soạn thảo các văn bản hướng dẫn thi hành luật bị kéo dài, dằng dai là vì xung đột quan điểm, lợi ích giữa các Bộ.

“Văn phòng Chính phủ cũng kiểm tra ngay tại đầu mối của mình, trường hợp có người làm chậm trễ việc thì điều chuyển. Thay người là cách nhanh nhất, thay người làm là văn bản nhanh ngay. Chúng tôi sẽ tổng hợp, đề nghị Thủ tướng để chủ trì việc xử lý luôn những xung đột giữa các bộ chứ không trả lại văn bản nữa” – Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cương quyết.

10 Nghị định quá hạn vẫn chưa được ban hành

1. Nghị định quy định chính phủ đặc thù về giống, vốn và công nghệ trong phát triển nuôi trồng, khai thác dược liệu theo quy tại điểm b, khoản 3, Điều 10 Luật Dược (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chủ trì soạn thảo)

2. Nghị định quy định chi tết thi hành một số điều của Luật Dược (Bộ Y tế chủ trì soạn thảo)

3. Nghị định quy định chính sách về tiếp cận nguồn ghen dược liệu và chia sẻ lợi ích từ việc sử dụng nguồn gen dược liệu theo quy định tại khoản 4 Điều 10 Luật Dược (Bộ Tài nguyên Môi trừng chủ trì soạn thảo)

4. Nghị định của Chính phủ quy định về kiểm toán nội bộ trong các doanh nghiệp, cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp (Bộ Tài chính chủ trì soạn thảo)

5. Nghị định của Chính phủ quy định một số cơ chế, chính sách tài chính – ngân sách đặc thù đối với TP Hà Nội (Bộ Tài chính chủ trì soạn thảo)

6. Nghị định của Chính phủ quy định chi tiết việc lập kế hoạch tài chính 5 năm và kế hoạch tài chính ngân sách nhà nước 3 năm (Bộ Tài chính chủ trì soạn thảo)

7. Nghị định của Chính phủ quy định một số cơ chế, chính sách tài chính – ngân sách đặc thù đối với TP Hồ Chí Minh (Bộ Tài chính chủ tri soạn thảo)

8. Nghị định của Chính phủ quy định về quản lý, sử dụng ngân sách đối với một số hoạt động thuộc lĩnh vực đối ngoại. (Bộ Tài chính chủ trì soạn thảo)

9. Nghị định quy định điều kiện dầu tư và hoạt động trong lĩnh vực giáo dục (Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì soạn thảo)

10. Quyết định của Thủ tướng Chính phủ ban hành Danh mục hệ thống thông tin quan trọng quốc gia (Bộ Thông tin Truyền thông chủ trì soạn thảo)

P.T