“Ở Chính phủ thấy không khí cải cách nhưng tại các Bộ, sự chần chừ còn rất lớn”
(Dân trí) - “Sự cải cách nhen lên ở các Bộ bắt đầu bằng “nhiệt lượng” truyền từ Chính phủ nhưng đến nay kết quả nhìn thấy chưa đều. Các Bộ trưởng chuyển động không đều. Ngồi họp ở Chính phủ thấy không khí thảo luận thống nhất vậy thôi chứ ở nội bộ các Bộ, tranh luận còn rất gay gắt, sự chần chừ còn rất lớn” – TS. Nguyễn Đình Cung phát biểu.
Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương phát biểu vậy tại cuộc họp tổ công tác của Thủ tướng kiểm tra việc rà soát, cắt giảm thủ tục kiểm tra chuyên ngành hàng hoá xuất nhập khẩu của các Bộ, ngành ngày 28/2.
Cỗ xe dừng hoặc chậm lại là… chết!
Tại cuộc họp, TS.Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam nhận xét, công cuộc cải cách mới “bắt đầu động đậy”. Thực tế, hầu hết các Bộ, ngành mới dừng ở mức tuyên bố xóa bỏ các điều kiện kinh doanh, thủ tục hành chính cản trở phát triển nhưng để thực sự gỡ bỏ được những rào cản đó, để người dân, doanh nghiệp được hưởng lợi còn là cả một chặng đường dài nữa.
Cụ thể, theo ông Thiên, trong giai đoạn tiếp theo, công việc của Chính phủ là phải thể chế hóa được những đề xuất cắt giảm của các Bộ thành nghị định, bàn hành thành các điều kiện thực thi để xã hội chuyển động được chứ hiện tại “phấn khởi rồi nhưng cũng chỉ là… sướng râm ran, âm ỉ”.
“Từ lời nói, lời hứa, đến hành động thực tế, cắt giảm thực tế và triển khai thật sự cũng là cả vấn đề. Chúng ta đang có đà cải cách, nếu cỗ xe dừng lại hoặc đi chậm là… chết. Cứ nhìn sang Trung Quốc thì thấy rõ người ta cải cách như thế nào. Không chỉ tạo nền tảng mà còn phải đột phá theo hướng tận dụng cơ hội của thời đại công nghiệp 4.0. Vấn đề là làm thế nào để nền kinh tế bứt phá. Chứ cứ đi gỡ những cái do chúng ta tự tạo ra rồi coi đó là thành tích vĩ đại thì không nên” - TS Thiên nhắc lại nhận định, các động thái cải cách mới dừng ở mức độ nền tảng, chưa có gì đột phá.
Kiểm tra chuyên ngành còn nhiều, chồng chéo, nhiêu khê nhưng phát hiện vi phạm, sai phạm thông qua kiểm tra chuyên ngành lại rất ít (chỉ 0,16%). Một doanh nghiệp đôi khi phải chạy từ Hải Phòng vào TP.HCM, rồi lại ra Hà Nội làm thủ tục.
Tán thành những nhận xét độc lập của ông Thiên, TS. Nguyễn Đình Cung - Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương cho rằng, năm 2017 vừa qua, sự cải cách nhen lên ở các Bộ bắt đầu từ “nhiệt lượng” truyền từ Chính phủ nhưng đến nay kết quả nhìn thấy chưa đều. Có Bộ làm khá nhanh, có kết quả thực tế như từ đề xuất của Bộ Công Thương đã có một Nghị định được ban hành để sửa đổi hơn 600 điều kiện kinh doanh. Nhưng bộ phận còn lại, phần lớn mới chỉ dừng ở việc lên phương án, kế hoạch cải cảch, phần khác nữa thì thậm chí mới dừng ở ý tưởng.
“Ở đâu có lãnh đạo bộ, đặc biệt là Bộ trưởng, chỉ đạo sát sao, quyết liệt, thì ở đó có kết quả tốt, chuyển biến nhanh. Tình trạng này cho thấy các Bộ trưởng chuyển động không đồng đều. Nhìn vào kết quả có thể thấy Bộ nào thực sự quyết tâm, Bộ nào chưa. Ngồi họp ở đây thì thấy không khí thảo luận thống nhất vậy thôi chứ ở nội bộ các Bộ, tranh luận còn rất gay gắt, sự chống đối hay nói cách khác là sự chần chừ còn rất lớn” – ông Cung nhận xét.
Ông Cung phân tích thêm câu chuyện cắt giảm thủ tục ở Bộ Công Thương, dù việc này ra khá nhanh, nhưng từ khi bắt đầu chuyển động đến lúc có nghị định chính thức cũng mất 6-7 tháng.
“Chính phủ đặt ra mục tiêu cắt giảm 50% thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh, thì cần phải chuyển động nhanh hơn, thực hiện quyết liệt hơn mới có thể đạt được. Nay đã là cuối tháng 2, đầu tháng 3, để có một nghị định được ban hành thì cũng phải đến tháng 9, tháng 10, thậm chí cuối năm với triển khai được” - ông Cung sốt ruột.
Sự nhiêu khê của thủ tục nằm ở nhiều ngóc ngách
Thành viên tổ công tác - Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn đồng tình với kiến nghị của các chuyên gia là phải ứng dụng công nghệ thông tin, kết nối mạnh mẽ hơn nữa để quản lý.
“Hiện chúng ta xuất nhập khẩu trên 400 tỉ USD/năm, cần hướng tới thực hiện thủ tục điện tử 100%. Kiểm soát được từng thủ tục hành chính ở 171 cửa khẩu quốc gia, kiểm soát được từng hành vi của công chức hải quan thì mới giám sát được toàn bộ hoạt động” - ông Tuấn nói.
Thứ trưởng Tuấn cho biết ngay cả khi năm 2018 giảm được thủ tục kiểm tra chuyên ngành từ trên 30% xuống 15% thì tỉ lệ này vẫn cao hơn trung bình các nước là 7%.
Thống nhất các ý kiến, đề xuất, kết luận cuộc họp, Bộ trưởng – Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng nêu rõ kế hoạch, từ 15/3/2018, tổ công tác sẽ tiến hành kiểm tra cụ thể tại từng bộ, ngành.
“Lần này tổ công tác sẽ xuống tận huyện, tận địa phương, bởi sự nhiêu khê của thủ tục nó nằm ở nhiều ngóc ngách lắm. Chúng ta phải dẹp bỏ các văn bản “núp bóng”, như chỉ bằng một công văn ban hành mà bắt cả nước thực hiện, để tạo ra các điều kiện kinh doanh, gây khó khăn cho doanh nghiệp. Các điều kiện kinh doanh phải chủ yếu nằm ở các nghị định hướng dẫn thi hành luật, hạn chế triệt để việc ban hành các thông tư” – ông Dũng nhấn mạnh.
P.Thảo