Những “địa chỉ đỏ” về thời khắc đầu tiên có Đảng ở Bạc Liêu

(Dân trí) - Nơi thành lập Chi bộ Đảng Cộng sản và nơi treo lá cờ Đảng đầu tiên của tỉnh Bạc Liêu là những “địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống cách mạng và tinh thần yêu nước của các thế hệ trẻ.

Nơi thành lập Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên của tỉnh Bạc Liêu hiện tọa lạc tại ấp Rạch Rắn, xã Long Điền, huyện Đông Hải, cách trung tâm TP Bạc Liêu khoảng 40km.

Những “địa chỉ đỏ” về thời khắc đầu tiên có Đảng ở Bạc Liêu
Bảng hướng dẫn vào Khu di tích nằm giáp ranh giữa huyện Giá Rai và huyện Đông Hải của tỉnh Bạc Liêu.

Theo cứ liệu lịch sử ghi lại, năm 1929, được sự phân công của cấp trên, các đồng chí Trần Văn Giác, Nguyễn Minh Tân, Nguyễn Văn Cừ về địa bàn huyện Giá Rai hoạt động xây dựng cơ sở Đảng. Tại làng Phong Thạnh, có một số thanh niên tiến bộ lúc bấy giờ là Nguyễn Văn Uông, Châu Văn Lục và Trần Văn Tiện được các đồng chí vận động, tuyên truyền, bồi dưỡng lòng yêu nước và kết nạp vào tổ chức Việt Nam Cách Mạng Thanh Niên.

Sau khi thống nhất các tổ chức Đảng ở trong nước thành Đảng Cộng sản Việt Nam, vào tháng 2/1930, tại nhà đồng chí Trần Văn Tiện (ấp Thạnh Trị), Chi bộ Đảng Cộng sản Việt Nam làng Phong Thạnh được thành lập và trở thành Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên của tỉnh Bạc Liêu. Chi bộ có 3 đồng chí, do đồng chí Nguyễn Văn Uông làm Bí thư.

Những “địa chỉ đỏ” về thời khắc đầu tiên có Đảng ở Bạc Liêu
Khu di tích lịch sử Quốc gia nơi thành lập Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên của tỉnh Bạc Liêu tại xã Long Điền, huyện Đông Hải.

Ngay sau ngày thành lập, Chi bộ đã ra sức tuyên truyền về Đảng Cộng sản Việt Nam và đã được các tầng lớp nhân dân nhiệt tình hưởng ứng. Chi bộ cũng đã phát triển, mở rộng tổ chức ra các vùng lân cận và lãnh đạo quần chúng nhân dân đấu tranh chống bọn thực dân, phong kiến để đòi quyền lợi dân sinh, dân chủ đạt nhiều kết quả.

Việc ra đời của Chi bộ Đảng Cộng sản làng Phong Thạnh góp phần định hướng và lãnh đạo phong trào cách mạng của quần chúng phát triển, thúc đẩy mạnh mẽ phong trào cách mạng của tỉnh Bạc Liêu sau này.

Biểu tượng nơi thành lập Chi bộ Đảng cộng sản đầu tiên của tỉnh Bạc Liêu...
Biểu tượng nơi thành lập Chi bộ Đảng cộng sản đầu tiên của tỉnh Bạc Liêu...

...nổi bật ở giữa là hình ảnh 3 người Đảng viên đầu tiên trong những ngày đầu thành lập.
...nổi bật ở giữa là hình ảnh 3 người Đảng viên đầu tiên trong những ngày đầu thành lập.

Hiện nơi thành lập Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên của Bạc Liêu được xây dựng trở thành Khu di tích lịch sử cấp Quốc gia. Tại đây có trưng bày, lưu giữ nhiều hình ảnh, hiện vật quý như chiếc xuồng ba lá của đồng chí Võ Văn Kiệt, cờ đỏ búa liềm, một số bài báo của báo Tiếng Chuông Rè...

Theo UBND tỉnh Bạc Liêu, những năm qua, Khu di tích là một trong những “địa chỉ đỏ” trong việc giáo dục truyền thống cách mạng và tinh thần yêu nước của các thế hệ, nhất là thế hệ trẻ của địa phương.

Bia tưởng niệm nơi treo lá cờ Đảng đầu tiên của tỉnh Bạc Liêu.
Bia tưởng niệm nơi treo lá cờ Đảng đầu tiên của tỉnh Bạc Liêu.

Tại tỉnh Bạc Liêu, ngoài nơi thành lập Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên của tỉnh vào những năm 1930 thì còn một “địa chỉ đỏ” khác đó là nơi treo lá cờ Đảng đầu tiên.

Theo tư liệu, trước việc Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời (tháng 2/1930) và có chủ trương đánh Tây, một số thanh niên ở Bạc Liêu đã bí mật làm 2 lá cờ đỏ hình búa liềm có dòng chữ “Cộng sản đánh Tây”. Sáng sớm ngày 1/5/1930, các thanh niên này đã treo một lá cờ Đảng ngay trước thành lính trong nội ô thành phố.

Sự kiện này đã gây một tiếng vang lớn ở Bạc Liêu bấy giờ và góp phần khơi dậy lòng yêu nước của các tầng lớp nhân dân Bạc Liêu trong công cuộc đấu tranh, giải phóng dân tộc. Ngày 23/8/1945, quân dân Bạc Liêu đã cùng giương cao ngọn cờ đấu tranh và giành được chính quyền về tay cách mạng.

Hiện địa điểm treo lá cờ Đảng đầu tiên của tỉnh Bạc Liêu nằm trên tuyến đường Trần Phú (phường 3, TP Bạc Liêu) được tỉnh Bạc Liêu xây Bia tưởng niệm rất trang trọng. Theo lãnh đạo tỉnh Bạc Liêu, việc xây dựng Bia tưởng niệm cho sự kiện này nhằm ghi nhận thời khắc lịch sử và góp phần giáo dục lòng yêu nước cho thế hệ mai sau. 

                                                                                                Giang Hải Yến