Người lính pháo binh và kỷ niệm 4 lần gặp Bác Hồ
(Dân trí) - Từng tham gia rất nhiều trận đánh lớn trong hai cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc, sống giữa làn mưa bom bão đạn của địch, nhưng với người lính pháo thủ Lê Công Hát, kỷ niệm đáng nhớ nhất với ông đó là bốn lần được gặp Bác Hồ.
Tìm về nhà cựu chiến binh Lê Công Hát (SN 1934), ở thôn Hàn Mạc, xã Hưng Công, huyện Bình Lục, ông Hát từng tham gia hai cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc. Trải qua nhiều biến cố, thăng trầm trong những phút giây sinh tử…dnhưng cả cuộc đời của chàng lính pháo binh Lê Công Hát, không gì tự hào và vinh dự bằng bốn lần được gặp và chụp ảnh lưu niệm cùng vị lãnh tụ vĩ đại Hồ Chí Minh.
Cũng như bao chàng trai, cô gái khác, sinh ra và lớn lên trong thời đất nước chiến tranh loạn lạc, lòng căm thù quân giặc như ngấm vào máu thịt. Khi vừa tròn 17 tuổi, chàng thanh niên Lê Công Hát đã tình nguyện lên đường nhập ngũ. 3 năm sau ngày nhập ngũ, ông Hát được bổ sung vào Binh chủng pháo binh, Sư đoàn 349, Bộ tư lệnh pháo binh.
Được rèn luyện trong môi trường quân đội kỷ luật, với ý chí, nghị lực lòng dũng cảm cùng với sự nhanh nhẹn, hoạt bát, thông minh, ông Hát luôn được cấp trên tín nhiệm và giao cho những trọng trách quan trọng. Cũng chính vì thế, ông đã từng được giữ chức vụ Phó Bí thư đảng ủy cơ quan Trung đoàn 84 Quảng Trị từ năm 1968. Trải qua hàng loạt trận đánh lớn nhỏ, từ chiến dịch Mậu Thân (1968), đến chiến dịch Quảng Trị (1972), rồi chiến dịch giải phóng Huế - Đà Nẵng và cuối cùng là chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, ông đều có mặt tại những nơi nóng bỏng nhất của cuộc chiến.
Tuổi đã ông Hát giờ đã cao, nhưng mỗi khi hồi tưởng lại những ngày trong quân ngũ, mắt ông lại sáng ra, ông hào hứng kể chuyện. Nhất là câu chuyện ông được gặp Bác Hồ, với ông đó là vinh dự đặc biệt mà không thể nào quên được.
Trong hai năm liền, năm 1958 và 1959, Bác đến thăm đơn vị 2 lần đúng vào dịp chuẩn bị cho buổi lễ Quốc khánh tại sân bay Bạch Mai (Hà Nội). Khi đó Trung đoàn của ông đang huấn luyện, Bác đã đến thăm và động các viên chiến sỹ.
Ông Hát nhớ lại: “Năm 1958 lúc tập luyện khi dừng nghỉ chúng tôi đứng tư thế khác, đến năm 1959 theo quy định mới thì mọi người phải đứng tại chỗ và chùng một chân xuống, thấy thế, Bác liền hỏi: “Sao các chú lại đứng thế này?”. Trung đoàn trưởng đáp: “Dạ thưa Bác, đây là quy định mới ạ!”. Bác ân cần: “Có lẽ vì Bác chưa biết, chưa thấy Bộ Quốc phòng nói chuyện với Bác!”. Lúc ấy anh em trong Trung đoàn thật sự xúc động, bởi một vị lãnh tụ bận trăm công nghìn việc, nhưng vẫn nhớ từng cử chỉ của anh em”.
Lần thứ 3 ông Hát vinh dự được gặp Bác Hồ là vào năm 1962, khi đó Bác đã đến thăm Trung đoàn tại khu quân sự đồi Vành Khăn thuộc huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phú (nay là tỉnh Vĩnh Phúc). Sau một vòng đi thăm nơi sinh hoạt của các chiến sỹ, Bác đi quanh khu đồi luyện tập, thấy khu đồi trọc, Bác nói: "Nhiều đồi trọc thế này, các chú phải tổ chức trồng cây để vừa tạo môi trường tốt, lại vừa phục vụ cho công tác huấn luyện".
Cũng chính từ lời căn dặn của Bác, đơn vị của ông Hát đã làm ngay, từ đó phong trào trồng cây trở thành phong trào lớn trong toàn quân và dân ta.
Trong 4 lần được vinh dự gặp Bác Hồ, thì lần cuối cùng vào năm 1966, với ông Hát đó là kỷ niệm ấn tượng và đáng nhớ nhất. Lúc này, Bác Hồ đến thăm các chiến sỹ đang tập luyện bắn pháo DKB (pháo Ca chiu sa) mới được bộ đội ta tiếp quản và tập luyện ở trường bắn Hòa Lạc, Sơn Tây.
Lúc đến Bác Hồ quan sát kỹ lưỡng từng động một của các chàng lính pháo binh. Khi biết các chiến sỹ mới học bắn được một tuần, Bác khen học một tuần mà bắn như thế là tốt. Bác còn dặn dò: "Đây là thao trường, ra chiến trường, các chú phải làm tốt hơn. Các chú quyết một lòng, nhanh chóng giải phóng miền Nam để Bác được vào thăm đồng bào miền Nam ruột thịt".
Sau khi đến giờ nghỉ, ngay trưa hôm đó, đơn vị chuẩn bị cơm mời Bác nhưng Bác không ăn, mà Bác lại lấy cơm nắm mang theo, cùng ngồi ăn và trò chuyện cùng với các chiến sỹ pháo binh. Hành động, gần gũi, thân thuộc ấy khiến cho các chiến sỹ pháo binh và ông Hát vô cùng cảm động.
Hòa bình lập lại, ông Hát trở về quê nhà kinh qua nhiều chức vụ như: Bí thư Đảng ủy cơ sở Hợp tác xã, rồi ông làm trưởng thôn Hàn Mạc suốt 10 năm liền. Hàng ngày, ông vẫn kể lại câu chuyện bình dị, gần gũi về Bác Hồ cho bọn trẻ ở xóm.
Cầm tấm ảnh đơn vị của mình chụp lưu niệm với Bác Hồ, ông không khỏi bồi hồi xúc động. Đã sống ngoài cái tuổi “bát tuần” nhưng những ký ức về một thời mưa bom bão đạn, nhất là lúc ông được 4 lần gặp Bác Hồ với ông đó mãi là những kỷ niệm vinh dự và sâu sắc nhất trong cuộc đời làm lính.
Đức Văn