Ngư dân Hoàng Sa, Trường Sa hướng về Đại hội Đảng lần thứ XII

(Dân trí) - Dù đang ở giữa trùng khơi sóng nước hay ở đất liền, ngư dân Hoàng Sa, Trường Sa vẫn quan tâm dõi theo Đại hội Đảng lần thứ XII. Bà con ngư dân tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng trong thời kỳ đất nước đổi mới, hội nhập và ngày càng phát triển.

 

Ông Mai Thành Phúc trao đổi với phóng viên Dân trí - Ảnh: Việt Tùng
Ông Mai Thành Phúc trao đổi với phóng viên Dân trí - Ảnh: Việt Tùng

 

Trao đổi với phóng viên Dân trí, ông Mai Thành Phúc, ngư Đội trưởng Ngư đội Trường Sa Lớn (trú ở TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa), đại diện cho ngư dân Trường Sa, cho biết: “Bà con ngư dân hi vọng vào một thế hệ lãnh đạo mới tài năng, đức độ để dìu dắt đất nước đi lên. Đồng thời quan tâm hơn nữa đến bà con ngư dân đang đánh bắt ở Hoàng Sa, Trường Sa”.

Thưa ông, sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đến bà con ngư dân nói chung và ngư dân đánh bắt ở Trường Sa nói riêng hiện nay như thế nào?

Là một ngư dân chuyên về đánh bắt xa bờ, tôi rất tin tưởng vào Đảng, Chính phủ đã quan tâm, giúp đỡ bà con ngư dân có nhiều quyền lợi khi đánh bắt xa bờ. Đó là Nghị định 48 của Chính Phủ đã hỗ trợ cho bà con một năm 4 chuyến dầu, kể cả cho vay theo Nghị định 67, vốn lưu động để mua tổn tiếp tục ra khơi bám biển, đánh bắt dài ngày.

Tôi rất cảm ơn Đảng, Chính phủ… đã giúp cho bà con ngư dân chúng tôi như vậy.

Thời gian tới, ông có gửi gắm gì vào những quyết sách của Đảng, Nhà nước?  

Đại hội Đảng lần thứ XII này, đối với một người dân mà lại là một ngư dân, tôi hi vọng là được một người lãnh đạo tài năng, đức độ để dìu dắt đưa đất nước đi lên. Thứ hai là quan tâm, giúp đỡ đến bà con ngư dân, bởi gần đây tàu “lạ”, tàu Trung Quốc uy hiếp, đâm tàu của bà con ngư dân rất nhiều.

Tôi hi vọng Chính phủ có biện pháp nào đó để bảo vệ, bênh vực bà con ngư dân đánh đánh bắt xa bờ nhiều hơn nữa.

Khó khăn lớn nhất của bà con ngư dân đánh bắt ở Trường Sa nói riêng và vùng biển nước ta nói chung hiện nay là như thế nào, thưa ông?

Khó khăn lớn nhất của bà con ngư dân chúng tôi hiện nay là ngư trường. Trước đây thì rất rộng, nhưng hiện nay ngư trường nó rất hạn hẹp, vì thực tế ra trên Biển Đông ngày xưa thì xa nhưng hiện nay không xa nữa. Vì quần đảo Trường Sa của chúng ta nằm trong khu vực Biển Đông. Thực tế ra, ngư dân bị nhiều tàu “lạ” lấn ép, đâm va, bắn người… nên rất khó khăn cho bà con...

 

Bà con ngư dân Khánh Hòa sau một chuyến đánh bắt trên biển - Ảnh: Viết Hảo
Bà con ngư dân Khánh Hòa sau một chuyến đánh bắt trên biển - Ảnh: Viết Hảo

 

Ông đang nói đến việc bà con ngư dân bị tàu “lạ”, tàu Trung Quốc đâm va trên biển. Vậy theo ông tần suất bị đâm va của năm vừa rồi so với trước đây hoặc 5-7 năm trước thì như thế nào?

Trước đây thì rất hiếm, một năm thì có một hoặc hai vụ nhưng gần đây thì xảy ra rất nhiều, kể cả sử dụng tới vũ khí để tấn công tàu ngư dân, trong khi ngư dân Việt Nam không có một tấc sắt trong tay.

Trước những sự việc như thế, bà con ngư dân vẫn tiếp tục bám biển, bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc, thưa ông?

Thực tình mà nói dù cho có trường hợp gì hơn đi nữa thì bà con ngư dân chúng tôi vẫn bám biển, vẫn khai thác. Vì đây là một ngành nghề, một ngư trường truyền thống. Hoàng Sa, Trường Sa là ngư trường của Việt Nam, của bà con ngư dân chúng tôi. Dù có trường hợp gì đi nữa, bà con chúng tôi vẫn bám biển, khai thác, đánh bắt và bảo vệ chủ quyền biển đảo.

 

Mong muốn lãnh đạo có tầm nhìn đổi mới

Là thế hệ Công dân trẻ đầu tiên của TPHCM (vinh danh năm 2007), Nguyễn Hữu Ân – cậu sinh viên chăm sóc một người bệnh ung thư như chính mẹ ruột của mình, hiện công tác tại một Sở của TPHCM và là Chủ nhiệm Câu lạc bộ Công dân trẻ TPHCM. Bên lề Đại hội Đảng lần thứ XII đang diễn ra tại Hà Nội, từ TPHCM, Nguyễn Hữu Ân đã gửi đến Dân trí những chia sẻ, tâm tư, kỳ vọng của mình về Đại hội:

Nguyễn Hữu Ân, chàng trai bước ra từ cổ tích gửi những tâm tư của mình đến Đại hội
Nguyễn Hữu Ân, chàng trai "bước ra từ cổ tích" gửi những tâm tư của mình đến Đại hội

Hằng ngày, tôi theo dõi khá kỹ diễn biến của kỳ Đại hội lần này. Các bạn trẻ trong cơ quan tôi mở trực tuyến xem phiên khai mạc với rất nhiều kỳ vọng. Theo tôi, đây là kỳ đại hội nghiêm túc, được sự quan tâm của dư luận trong và ngoài nước. Không chỉ nhìn nhận lại quá trình 30 năm đổi mới đất nước, Đại hội lần này chắc chắn có những thay đổi, đột phá để phát triển hơn nữa.

Mong sao Đại hội bầu ra hệ thống Bộ Chính trị đoàn kết, bởi có đoàn kết thì mới phát triển được đất nước, hạn chế tiêu cực, tham nhũng. Bộ Chính trị phải có hướng đi đúng trong việc bảo vệ chủ quyền quốc gia, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp trên biển Đông. Phát huy được sức mạnh đoàn kết của toàn dân. Người được bầu chọn phải có tầm nhìn, quyết sách đúng đắn để phát triển đất nước trong thời kỳ mới.

Tôi mong rằng, sau kỳ Đại hội này, với những nhân tố xứng đáng được bầu chọn sẽ là “con người hành động” để nâng chất lượng cuộc sống của người dân, cán bộ công chức. Mạnh mẽ cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính, phát triển, hoàn thiện cơ sở hạ tầng giao thông để giảm tối thiểu tai nạn. Các tuyến Metro, tàu điện trên cao nên có trong thời kỳ đổi mới như các nước trong khu vực.

Đảng phải phát huy được sức mạnh của toàn dân tộc. Huy động được các lực lượng nhân sĩ trí thức trong và ngoài nước cùng chung tay phát triển đất nước.

Là thế hệ tri thức trẻ của đất nước, tôi mong rằng các bạn trẻ cần có bản lĩnh chính trị, học tập trau dồi kỹ năng, kiến thức hội nhập để đóng góp vào sự nghiệp phát triển chung của đất nước. Mong Đảng và Nhà nước quan tâm, tạo điều kiện về việc làm cho thanh niên. Có những cơ chế mở cho thế hệ trẻ có tâm, tầm tham gia vào bộ máy lãnh đạo, xóa bỏ các rào cản về lý lịch, tôn giáo để các bạn trẻ có tài năng tham gia vào các cơ quan nhà nước.

Công Quang (ghi)

 

Viết Hảo (thực hiện)