Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được, khắc phục khó khăn, chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ và thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra trong Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 03/01/2015 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2015, Nghị quyết số 19/NQ-CP ngày 12/3/2015 về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2015 - 2016 và các Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ.
Chủ động điều hành linh hoạt các công cụ chính sách tiền tệ
Chính phủ giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiếp tục theo dõi diễn biến kinh tế thế giới, kinh tế vĩ mô, cán cân thanh toán quốc tế và thị trường ngoại tệ, chủ động điều hành linh hoạt các công cụ chính sách tiền tệ; tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế tiếp cận với các nguồn vốn tín dụng để phát triển sản xuất, kinh doanh, đẩy mạnh xuất khẩu, nhất là lĩnh vực nông nghiệp. Chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu, đề xuất cơ chế cho ngân sách vay từ nguồn dự trữ ngoại hối Nhà nước để bổ sung vốn đầu tư phát triển, bảo đảm an toàn tài chính tiền tệ quốc gia. Thực hiện có hiệu quả Đề án Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đôn đốc, hướng dẫn các Bộ, cơ quan, địa phương xây dựng Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020; tổ chức thẩm định và dự kiến phương án phân bổ kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 theo quy định của Luật Đầu tư công, trình Chính phủ tại phiên họp thường kỳ tháng 8 năm 2015. Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các giải pháp huy động nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển; tăng cường các hoạt động xúc tiến đầu tư, khuyến khích thu hút đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ và các dự án đầu tư có giá trị gia tăng lớn.
Bộ Tài chính tổ chức hướng dẫn, giám sát việc thực hiện Chỉ thị số 06/CT-TTg ngày 21/4/2015 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường chỉ đạo điều hành thực hiện nhiệm vụ tài chính - ngân sách Nhà nước năm 2015; thực hiện tốt nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước; điều hành, quản lý chi ngân sách nhà nước chặt chẽ, đúng quy định. Quản lý chặt chẽ nợ công, tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp quản lý nợ công, cơ cấu lại nợ công. Phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nghiên cứu giải pháp hỗ trợ phát triển thị trường vốn. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực thuế, hải quan. Tăng cường quản lý giá, nhất là giá các mặt hàng liên quan trực tiếp đến quyền lợi người tiêu dùng.
Đẩy mạnh xuất khẩu, hạn chế nhập siêu
Cũng tại Nghị quyết này, Chính phủ giao Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Tài chính thực hiện đồng bộ các giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu, hạn chế nhập siêu. Tổ chức theo dõi, nắm bắt kịp thời thông tin thị trường, tăng cường xúc tiến thương mại mở rộng thị trường. Chú trọng xây dựng thương hiệu cho các mặt hàng xuất khẩu có tiềm năng nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh. Phối hợp với Bộ Ngoại giao, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thúc đẩy đàm phán với các đối tác tiềm năng để đẩy mạnh xuất khẩu các sản phẩm nông sản. Đẩy mạnh phát triển mạng lưới phân phối, lưu thông, bảo đảm tốt cung cầu, nhất là các mặt hàng nông sản. Kích thích tiêu dùng nội địa, tiếp tục thực hiện có hiệu quả “Cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo theo dõi sát diễn biến thời tiết và nguồn nước, hướng dẫn xây dựng phương án ứng phó trước mắt và lâu dài với hạn hán ở một số tỉnh miền Trung, Tây Nguyên và xâm nhập mặn ở đồng bằng sông Cửu Long. Tổ chức triển khai các giải pháp điều chỉnh cơ cấu, mùa vụ cây trồng phù hợp với điều kiện canh tác của từng vùng, địa phương. Phối hợp với Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đẩy mạnh tuyên truyền mô hình hợp tác xã kiểu mới. Khẩn trương xây dựng và trình Chính phủ ban hành Nghị định về hợp tác xã nông nghiệp trong tháng 5 năm 2015. Phối hợp với các địa phương chỉ đạo rà soát, tổ chức, sắp xếp lại mô hình hợp tác xã phù hợp với Luật Hợp tác xã năm 2012.
Tăng cường triển khai phòng, chống dịch bệnh, tiêm chủng
Bộ Y tế chỉ đạo thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh phục vụ nhân dân. Đẩy mạnh việc thực hiện cơ chế tự chủ đối với các bệnh viện về tài chính, đầu tư và nhân lực. Tiếp tục phối hợp với các địa phương tăng cường chỉ đạo triển khai các hoạt động phòng, chống dịch bệnh, tiêm chủng. Khẩn trương soạn thảo Nghị định quy định về hoạt động tiêm chủng để trình Chính phủ; phối hợp với Bộ Tài chính xem xét, điều chỉnh tăng mức hỗ trợ cho cán bộ làm công tác tiêm vắc-xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng và giá vắc xin sản xuất trong nước nhằm tiến tới tự chủ vaccine.
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chỉ đạo thực hiện kịp thời, đầy đủ chính sách an sinh xã hội, phúc lợi xã hội, đặc biệt là chính sách đối với người có công. Tăng cường thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp; kịp thời phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm, nhất là các hành vi trốn đóng, nợ đóng tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo đảm quyền lợi chính đáng của người lao động. Chủ động theo dõi, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan giải quyết kịp thời các tranh chấp lao động, bảo đảm an ninh, trật tự xã hội. Thực hiện có hiệu quả các cơ chế, chính sách về việc làm, nhất là tạo việc làm cho thanh niên, lao động nông thôn, lao động vùng chuyển đổi mục đích sử dụng đất, vùng đồng bào dân tộc, người khuyết tật.
Rà soát, đánh giá tình hình thực hiện chính sách nhà ở xã hội
Chính phủ giao Bộ Xây dựng rà soát, đánh giá tình hình thực hiện chính sách nhà ở xã hội, đề xuất các giải pháp tổng thể để triển khai có hiệu quả; chỉ đạo rà soát việc thành lập, thực hiện chức năng nhiệm vụ của các Ban quản lý dự án, công trình xây dựng; phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiếp tục tháo gỡ khó khăn về tín dụng cho bất động sản, tạo điều kiện cho thị trường phục hồi và phát triển lành mạnh, thực chất.
Bộ Tài nguyên và Môi trường tăng cường thanh tra, kiểm tra hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên, khoáng sản; bảo đảm thực hiện nghiêm các quy định về bảo vệ môi trường; kiên quyết xử lý các cơ sở gây ô nhiễm môi trường. Nâng cao năng lực dự báo khí tượng thủy văn và các hiện tượng thiên tai để chủ động phòng tránh; xây dựng kế hoạch lâu dài thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng tránh thiên tai.
Bộ Giao thông vận tải thực hiện đồng bộ các giải pháp bảo đảm trật tự an toàn giao thông, tiếp tục đẩy mạnh kiểm soát tải trọng phương tiện. Đề xuất cơ chế hiệu quả để huy động các nguồn vốn ngoài ngân sách nhà nước đầu tư cho kết cấu hạ tầng giao thông; xây dựng đề án xã hội hóa việc khai thác cơ sở hạ tầng giao thông, báo cáo Chính phủ. Tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án công trình giao thông theo đúng kế hoạch. Thực hiện việc chuyển vốn dư từ nguồn trái phiếu Chính phủ hầm Đèo Cả để đầu tư hầm đèo Hải Vân 2; sử dụng nguồn vốn dư đường Quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên từ nguồn trái phiếu Chính phủ để đầu tư các hạng mục còn lại nhằm phát huy hiệu quả đầu tư các dự án này, báo cáo Thủ tướng Chính phủ những vấn đề vượt thẩm quyền.
Giải quyết kịp thời những kiến nghị, bức xúc của nhân dân
Chính phủ giao Bộ Quốc phòng và Bộ Công an chỉ đạo lực lượng tập trung phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn kịp thời mọi hoạt động chống phá; bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội; giữ vững độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ. Bộ Công an tăng cường chỉ đạo nắm tình hình, chủ động phối hợp, đề xuất với chính quyền các cấp giải quyết kịp thời những kiến nghị, bức xúc của nhân dân, nhất là trong việc triển khai các dự án đầu tư tại các địa phương, tránh để xảy ra tình trạng phản ứng tự phát, gây mất an ninh trật tự; tích cực tuần tra, kiểm soát, bảo đảm trật tự an toàn giao thông, nhất là trong dịp nghỉ lễ.
Các Bộ, cơ quan, địa phương quyết liệt chỉ đạo và tổ chức thực hiện Nghị quyết số 19/NQ-CP ngày 12/3/2015 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2015-2016; tập trung rà soát, xây dựng và ban hành Kế hoạch hành động về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của từng Bộ, cơ quan, địa phương, trong đó phải xác định rõ mục tiêu, nhiệm vụ, tiến độ và lộ trình thực hiện để cải thiện, tạo chuyển biến rõ nét đối với ngành, lĩnh vực, địa bàn.
Thí điểm cấp giấy phép đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài
Để kịp thời tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp, góp phần giải quyết việc làm cho các lao động dôi dư, tạo thu nhập và nâng cao trình độ cho đội ngũ thuyền viên của Việt Nam, Chính phủ thống nhất cho phép thí điểm cấp giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài cho Tổng công ty cổ phần Vận tải dầu khí.
Chính phủ giao Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan khẩn trương nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung Nghị định 126/2007/NĐ-CP ngày 1/8/2007 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng theo trình tự thủ tục rút gọn, trình Chính phủ xem xét, quyết định.
Về việc bình ổn giá đối với sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi, Chính phủ thống nhất chủ trương tiếp tục thực hiện quản lý giá tối đa theo quy định tại khoản 7 Điều 17 Luật Giá đối với sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi trong thời hạn từ ngày 1/6/2015 đến hết ngày 31/12/2016. Trong quá trình thực hiện quản lý theo giá tối đa đã được công bố, nếu có những nguyên nhân khách quan tác động đến giá sữa, cơ quan quản lý nhà nước về giá chịu trách nhiệm rà soát, xác định giá tối đa cho phù hợp.
Các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh, phân phối sản phẩm sữa thực hiện kê khai giá đối với sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi theo quy định của pháp luật về giá.
Chính phủ giao Bộ Tài chính chủ trì, hướng dẫn và phối hợp với Bộ Công Thương, Bộ Y tế, Bộ Thông tin và Truyền thông cùng các Bộ, cơ quan liên quan và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương triển khai thực hiện.