Ngày 28/3 sẽ trình dự Luật Biểu tình trước Quốc hội?
(Dân trí) - Theo dự kiến chương trình kỳ họp thứ 11 Quốc hội khóa XIII, sáng ngày 28/3 tới Bộ trưởng Bộ Công an thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ sẽ trình bày tờ trình dự án Luật Biểu tình.
Trình bày tờ trình trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 24/2, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết kỳ họp thứ 11 Quốc hội khóa XIII dự kiến diễn ra trong khoảng 16 ngày (không kể ngày nghỉ), trong đó phiên trù bị và khai mạc vào ngày 21/3 và bế mạc vào ngày 9/4.
Dự kiến sáng ngày 28/3, Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ sẽ trình bày Tờ trình dự án Luật Biểu tình. Sau đó, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Nguyễn Kim Khoa trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật Biểu tình. Chiều ngày 29/3 Quốc hội sẽ thảo luận ở tổ về dự án Luật Biểu tình.
Tuy nhiên ông Nguyễn Kim Khoa khẳng định đã làm việc với Bộ Công an và Bộ Công an nói đã trình dự án Luật Biểu tình tới Chính phủ nhưng đến giờ Chính phủ chưa có chương trình về dự án luật này.
“Nếu trong tháng này Chính phủ không có chương trình xem xét dự án luật này thì không thể nào làm được, bởi đây là một dự án luật rất nhạy cảm. Nếu Chính phủ không có kế hoạch xem xét trong tháng này thì cũng đề nghị dừng lại, chứ không làm vội vàng, không đảm bảo yêu cầu. Cái đó sẽ báo cáo Quốc hội”- ông Khoa nêu quan điểm.
Dẫn ra việc Bộ Chính trị đã đồng ý đưa dự án Luật Biểu tình vào chương trình kỳ họp, Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nhấn mạnh: “Vẫn phải bảo đảm kế hoạch như vậy”.
Trước những ý kiến trên, ông Nguyễn Hạnh Phúc cho hay, phiên họp tới đây của Chính phủ cũng không có nội dung về dự án Luật Biểu tình. “Thế nên chắc chắn sẽ phải đôn đốc lại một lần nữa. Sau khi có ý kiến của Chính phủ, tôi sẽ phản ánh lại”- ông Phúc nói.
Chốt lại buổi họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng cho rằng Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội đã có ý kiến nên không có lý do gì không nghe. “Phải kiên trì gặp gỡ lại Văn phòng chính phủ, Thường trực Chính phủ về nội dung này”- bà Phóng yêu cầu.
Chưa rõ có tiếp xúc cử tri hay không (?!)
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện đặt câu hỏi: “Trước kỳ họp có tiếp xúc cử tri hay không? Cử tri tỉnh Sơn La hỏi tôi là có tiếp xúc cử tri không thì tôi cũng không biết. Cử tri Sơn La họ nói cuối nhiệm kỳ cũng phải cho chúng tôi nói chứ. Thực tình mình cũng bí thật, theo luật phải thế, trước sau kỳ họp phải tiếp xúc cử tri. Cử tri họ quan tâm lắm, việc này còn ảnh hưởng tới cả khóa sau nữa nên phải tuân thủ pháp luật”- ông Hiện nói.
Trả lời, ông Nguyễn Hạnh Phúc khẳng định quy định của luật hiện hành và trong công văn của Văn phòng Quốc hội gửi tới các Đoàn Đại biểu Quốc hội đều nói phải tiếp xúc cử tri.
“Kỳ họp này có tới 7 dự án luật, 4 nghị quyết là rất lớn, không báo cáo cử tri thì làm sao được. Đề nghị vẫn phải tiếp xúc cử tri. Theo luật vẫn phải tiếp xúc cử tri và chúng tôi đã gửi công văn rồi. Nếu hôm nay Thường vụ Quốc hội quyết định không tiếp xúc cử tri thì sẽ làm lại kế hoạch”- ông Phúc nói.
Trong khi đó, Phó chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn phân tích: “Kỳ họp này thực ra là “kỳ họp thêm”, “kỳ họp chốt” thôi, còn mọi việc đã giải quyết hết ở kỳ họp thứ 10 rồi. Hôm nay là 24/2, tháng này chỉ có 29 ngày, mà đến 21/3 đã họp rồi; theo luật kết quả tiếp xúc cử tri phải báo cáo trước 20 ngày thì rất gấp”.
Đồng tình, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước nhấn mạnh kỳ họp 11 này có nhiệm vụ chính là tổng kết và thông qua 7 luật. “Theo tôi, thay việc tiếp xúc cử tri thì có văn bản gửi các Đoàn đại biểu Quốc hội, kết hợp với MTTQ Việt Nam lấy ý kiến rộng rãi, tổ chức các cuộc họp để lấy ý kiến đánh giá về hoạt động của Quốc hội khóa XIII. Các đoàn thì không cần thiết phải tiếp xúc cử tri”- ông nói.
Bà Tòng Thị Phóng cho biết sẽ xin ý kiến của Chủ tịch Quốc hội về vấn đề này.
3 ngày để kiện toàn một số chức danh lãnh đạo Nhà nước
Mặc dù đây là kỳ họp chủ yếu tập trung cho công tác tổng kết nhiệm kỳ khóa XIII, nhưng khối lượng các dự án luật trình Quốc hội cũng tương đối nhiều. Đối với 7 dự án trình Quốc hội xem xét, thông qua, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về 4 dự án luật gồm: Luật tiếp cận thông tin; Luật ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế giá trị gia tăng, Luật thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật quản lý thuế; Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu (sửa đổi). 3 dự án luật còn lại gồm Luật báo chí (sửa đổi); Luật dược (sửa đổi); Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em (sửa đổi) vừa được Ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét tại phiên họp này.
Để đánh giá sâu sắc hơn những kết quả đã đạt được, hạn chế trong nhiệm kỳ 2011-2015 và kiến nghị, đề xuất về việc đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động trong nhiệm kỳ tới, bên cạnh việc tập trung xem xét một cách toàn diện việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan nhà nước, ông Nguyễn Hạnh Phúc cho biết Quốc hội cần đi sâu thảo luận, đánh giá và kiến nghị những vấn đề cụ thể, các giải pháp để triển khai thực hiện về cơ cấu tổ chức và hoạt động của các cơ quan này. Trong chương trình dự kiến bố trí 3,5 ngày thảo luận ở tổ và hội trường về các báo cáo tổng kết của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Tòa án, Viện kiểm sát.
Bên cạnh đó, mặc dù Ủy ban thường vụ Quốc hội đã thống nhất dự kiến sẽ trình Quốc hội phê chuẩn việc đàm phán và trao đổi công hàm Thỏa thuận về việc cấp thị thực giữa Việt Nam và Hoa Kỳ. Tuy nhiên ông Phúc cho biết đến nay chưa có văn bản chính thức về việc bổ sung nội dung này, nên chưa bố trí vào dự kiến chương trình kỳ họp thứ 11 sắp tới.
Ngoài các nội dung nêu ở trên, trong dự kiến chương trình chi tiết dành 3 ngày để kiện toàn một số chức danh lãnh đạo Nhà nước... Trong quá trình thực hiện thực tế có thể bố trí xen kẽ các nội dung để bảo đảm hợp lý và tiết kiệm thời gian.
Thế Kha